Khoa _KTPT cũ
 
ĐHQGHN làm việc với lãnh đạo Trường ĐHKT về kế hoạch KHCN năm 2008

Hoạt động NCKH, thực tập, thực tế của sinh viên Trường ĐHKT cũng rất được chú trọng.
Buổi làm việc giữa Trường ĐH Kinh tế với lãnh đạo ĐHQGHN về vấn đề kinh phí cấp cho hoạt động NCKH của Nhà trường năm 2008 đã diễn ra vào ngày 27/11/2007.


GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó giám đốc cùng đại diện Ban Khoa học Công nghệ và Ban Kế hoạch Tài chính; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó hiệu trưởng và đại diện lãnh đạo một số phòng chức năng của Trường ĐH Kinh tế đã tham dự buổi làm việc.
Buổi làm việc tập trung vào hai nội dung chính: Kết quả nổi bật về NCKH năm 2007 và kế hoạch kinh phí NCKH năm 2008 của Trường ĐH Kinh tế.
Bản báo cáo về công tác NCKH năm 2007 và kế hoạch kinh phí NCKH năm 2008 của Trường ĐH Kinh tế do Phó hiệu trưởng Nguyễn Hồng Sơn trình bày đã nêu rõ: Năm 2007 vừa qua, cán bộ trong trường đã và đang thực hiện 36 đề tài NCKH trong đó có 3 đề tài cấp Nhà nước (do các nhà khoa học của Trường làm chủ nhiệm), còn lại là các đề tài trọng điểm, đặc biệt cấp ĐHQGHN và đề tài cấp Trường. Sinh viên Nhà trường cũng hưởng ứng phong trào NCKH năm học 2006-2007 với 93 đề tài, tỷ lệ giảng viên đăng ký tham gia hướng dẫn NCKH là 68% cao hơn 14% so với năm học trước và đặc biệt công trình tham gia giải Công trình NCKH tiêu biểu năm 2006 đã được đưa vào triển khai, ứng dụng ở một số doanh nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Từ việc thẳng thắn nêu lên những điểm còn hạn chế, tồn tại rút ra từ việc triển khai kinh phí NCKH của Trường ĐH Kinh tế năm qua, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn đã đưa ra các giải pháp khắc phục trong đó nhấn mạnh đến 3 nội dung là: Phối hợp các đơn vị khoa để phân cấp công tác quản lý NCKH; Phối hợp với các phòng chức năng để giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà và Xây dựng quy chế, quy trình và tập huấn công tác NCKH cho các cán bộ chuyên trách cũng như cho các giảng viên, cán bộ tham gia NCKH.
Năm học 2007-2008 này, Trường ĐH Kinh tế đã và đang triển khai kế hoạch sử dụng kinh phí NCKH dựa trên định hướng của các đề tài nghiên cứu hướng tới mục đích nâng cao chất lượng dạy và học. Nhà trường sẽ xây dựng các nhóm nghiên cứu của cán bộ và sinh viên theo 4 định hướng lớn gồm: Xác định đề tài NCKH cấp Nhà nước là một trong những hướng nghiên cứu chính của Trường sau này; Xây dựng mạng lưới nghiên cứu cả bề rộng lẫn bề sâu; Cung cấp rộng rãi thông tin khoa học thường kỳ theo tháng; Có chính sách khuyến khích nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên có đăng trên các tạp chí chuyên ngành trong vào ngoài nước.
Trao đổi với những chất vấn của lãnh đạo ĐHQGHN, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn và lãnh đạo các phòng chức năng Trường ĐH Kinh tế đều khẳng định: Nhà trường đã xây dựng hoàn thiện kế hoạch NCKH cho năm 2008 theo hướng bên cạnh việc tiếp nhận kinh phí do ĐHQGHN cấp, trường đã chủ động có những kế hoạch để tìm kiếm các nguồn kinh phí cho hoạt động NCKH ngoài ngân sách Nhà nước dưới những hình thức như nghiên cứu gắn với doanh nghiệp, nghiên cứu theo nhu cầu đặt hàng, hợp tác nghiên cứu với các trường ở trong và ngoài nước... Phấn đấu đến năm 2020, các hoạt động dịch vụ bên ngoài ĐHQGHN sẽ cung cấp 3/4 nguồn thu cho Trường ĐH Kinh tế.
Sau khi nghe phần trao đổi, chất vấn giữa đại diện các ban chức năng của ĐHQGHN với lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế về một số vấn đề liên quan đến kế hoạch triển khai kinh phí cho hoạt động NCKH năm 2008, GS.TSKH Vũ Minh Giang đã phát biểu chỉ đạo, trong đó khẳng định rõ: Chủ trương của lãnh đạo ĐHQGHN là ưu tiên “đầu tư kinh phí cho các hoạt động NCKH đỉnh cao” (đặc biệt là thuộc các ngành, chuyên ngành khác nhau của lĩnh vực khoa học công nghệ) và phấn đấu cơ cấu đầu tư cho các đơn vị với tỷ lệ 50 - 50. Trường ĐH Kinh tế đang được ĐHQGHN tập trung đầu tư với lượng kinh phí đáng kể đặc biệt cho hoạt động NCKH. “Bước sang năm tài chính 2008, lãnh đạo ĐHQGHN mong rằng, Ban giám hiệu Trường ĐH Kinh tế cùng các phòng chức năng có liên quan và các đơn vị trong trường sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình quản lý về KHCN, trên cơ sở văn bản hướng dẫn chung của ĐHQGHN. Các đồng chí phải tìm hiểu kỹ để nắm chắc hơn, thường xuyên cập nhật thông tin để xây dựng hệ thống đánh giá hoạt động NCKH thật hiệu quả, chính xác. Với số lượng các đề tài Nhà trường được giao mà bị khống chế về kinh phí, thời gian do những quy định không thể vượt qua được nhằm đảm bảo quy trình quản lý thì trường có thể linh hoạt xử lý theo cách chia đề tài theo từng mức khác nhau nhằm để tận dụng lợi thế của ĐHQGHN hoặc cũng có thể phân ra làm nhiều đề tài nhỏ do trường quản lý... Mục đích cuối cùng của chúng ta là phải có được những công trình NCKH đỉnh cao thuộc lĩnh vực kinh tế, có khả năng ứng dụng ngay vào thực tiễn, đưa lại hiệu quả kinh tế...” - Phó giám đốc Vũ Minh Giang khẳng định.

PV