Khoa Kinh tế Chính trị
 
Chúng tôi nói về Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Trường ĐHKT - ĐHQGHN được đánh giá là một trường đại học năng động và có nhiều bước đột phá trong việc mạnh dạn đổi mới các chính sách thu hút nhân tài, cải thiện môi trường đào tạo, nghiên cứu, nâng cao chất lượng giảng dạy.


Hiệu trưởng Trường ĐHKT, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn đã nhiều lần chia sẻ về tầm quan trọng của công cuộc đổi mới trong những dịp trả lời phỏng vấn báo chí. Hãy cùng điểm lại một số gương mặt trẻ tiêu biểu  của cán bộ, giảng viên nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn
Công cuộc đổi mới môi trường đào tạo, nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có tầm quan trọng thiết yếu và được thực hiện triệt để là do Nhà trường đã xác định rất rõ cho mình một tầm nhìn, đó là trở thành một trường đại học định hướng nghiên cứu với chất lượng và đẳng cấp quốc tế; Cung cấp cho xã hội nhiều hơn nữa các chuyên gia và các nhà lãnh đạo cao cấp trong các lĩnh vực kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh; Sáng tạo và chuyển giao nhiều hơn nữa các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Trường sẽ tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để nuôi dưỡng và phát triển tài năng.
Thực tế đã cho thấy, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN trong thời gian qua đã thu hút được nhiều cán bộ trẻ, có năng lực tốt về công tác tại. Số lượng các giảng viên có học vị tiến sĩ và phó giáo sư đạt tỉ lệ cao trong khối các trường đại học. Đặc biệt, các giảng viên trẻ tuổi, ưu tú được đào tạo tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới, khi về trường ngay lập tức có thể đảm nhiệm những chức vụ cao và gánh vác những nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường. Trong thời gian tới, công tác quản trị nguồn nhân lực của Trường sẽ được đặc biệt chú trọng với những cơ chế và chính sách phù hợp nhằm thu hút hiền tài, nuôi dưỡng say mê, khuyến khích sáng tạo, hợp tác, chuyên nghiệp và nâng cao năng lực bản thân.
Trường ĐH KHKT - ĐHQGHN hy vọng sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho các giảng viên, các nhà khoa học, quản lý, doanh nhân có tâm huyết với chất lượng và sẵn sàng cống hiến cho sự phát triển của Trường nói riêng và đất nước nói chung” - Trích phát biểu của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn.
Dưới đây là một số chia sẻ, cảm nhận về môi trường đào tạo, nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế của các giảng viên, tiến sĩ về làm việc tại trường trong thời gian gần đây:
TS. Đặng Đức Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán (Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng) là một gương mặt giảng viên trẻ điển hình của Trường ĐH Kinh tế. Năm 2007, TS. Đặng Đức Sơn đã tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán, Đại học Tổng hợp Glamorgan, Wales, Vương quốc Anh. Ngay sau đó,  Tiến sĩ đã lựa chọn Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm điểm đến cho sự nghiệp của mình. Vào tháng 11/2008, Tiến sĩ đã chính thức trở thành giảng viên của Khoa Tài chính Ngân hàng và được bổ nhiệm vào các vị trí trên.
Tiến sĩ Đặng Đức Sơn khi giải thích lý do lựa chọn công tác tại trường đã so sánh môi trường đào tạo và nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế có nhiều nét tương đồng với môi trường học tập và nghiên cứu ở trường Đại học ĐH Tổng hợp Glamorgan danh tiếng của Vương quốc Anh. Đây là một môi trường đào tạo và nghiên cứu có tính chuyên nghiệp cao, có chiến lược phát triển và tầm nhìn rất thực tế. Môi trường đào tạo và nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN không chỉ  phù hợp với các giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên có định hướng nghiên cứu học thuật mà còn rất phù hợp với các giảng viên, doanh nhân quan tâm tới kinh doanh, tư vấn và quản lý kinh tế.

Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài hiện là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài (CFIS), Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN. TS. Phan Hữu Thắng là một trong số những cán bộ, giảng viên đi đầu trong tiến trình đổi mới theo định hướng gắn nghiên cứu và đào tạo với doanh nghiệp/tổ chức và thực tiễn.
Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư Nước ngoài thuộc Trường ĐHKT - ĐHQGHN được thành lập trên cơ sở một đội ngũ các nhà nghiên cứu sáng tạo, năng động và được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp tại các nước tiên tiến trên thế giới. Trung tâm có được sự hỗ tích cực của một Hội đồng sáng lập với nhiều hoài bão, tham vọng về phát triển đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam vươn xa trong lĩnh vực đầu tư quốc tế. Trung tâm còn được hậu thuẫn bởi một Hội đồng cố vấn bao gồm các nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành về đầu tư, các giám đốc của các doanh nghiệp trong và ngoài nước có uy tín. Hệ thống cộng tác viên của Trung tâm phủ rộng khắp Việt Nam và một số nước trên thế giới.
Với sự tạo điều kiện của lãnh đạo Trường ĐHKT - ĐHQGHN, chúng tôi tự tin cung cấp cho các nhà đầu tư và cộng đồng những báo cáo chuyên sâu về đầu tư nước ngoài cũng như những tư vấn hữu ích để giúp tăng hiệu quả đầu tư tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Anh Thu: Là một trong những giảng viên trẻ và ưu tú của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. TS. Nguyễn Anh Thu tốt nghiệp năm 2009 chuyên ngành Phát triển Quốc tế tại Trường Đại học Quốc gia Yokohama Nhật Bản và về công tác tại Trường Đại học Kinh tế cùng năm đó. Tiến sĩ hiện là Phó chủ nhiệm Bộ môn Thẩm định kinh tế và Quản lý dự án quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế (KT&KDQT) - Trường ĐHKT.
Tiến sĩ là người rất gần gũi,có nhiều hỗ trợ đối với sinh viên và thường xuyên dành thời gian tư vấn định hướng nghề nghiệp phù hợp cũng như các kinh nghiệm thiết thực trong phỏng vấn xin việc làm cho sinh viên. Tiến sĩ cho biết, theo điều tra của Khoa có tới hơn 80% sinh viên Khoa KT&KDQT tìm được việc làm ngay trong vòng 3 tháng sau tốt nghiệp. Nhiều cựu sinh viên rất thành đạt, chỉ trong vòng 2-3 năm đã nắm những vị trí cao trong các công ty lớn, nhiều bạn đã tự khởi nghiệp và trở thành giám đốc công ty khi còn rất trẻ. Tiến sĩ chia sẻ với sinh viên trước khi lựa chọn nghề nghiệp cần quan tâm tới sở thích, năng lực bản thân, đưa ra thứ tự ưu tiên cho các tiêu chuẩn và mục tiêu phấn đấu của mình. Được biết, không chỉ các Khoa KT&KDQT mà lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN luôn tạo những điều kiện thuận lợi và nhiều cơ hội cho sinh viên trong hoạt động hướng nghiệp.

TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, một trong những giảng viên trẻ xuất sắc của Trường. Nguyễn Đức Thành bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế phát triển thành công tại Học viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản năm 2008 và về làm giảng viên tại trường cũng trong năm này.
“Tiềm năng nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học Kinh tế là rất lớn”, TS. Nguyễn Đức Thành chia sẻ. Với sinh viên, TS. Nguyễn Đức Thành là một giảng viên rất tâm huyết với phong trào nghiên cứu khoa học sinh viên. Với kiến thức chuyên môn vững vàng, phong thái lạc quan, dí dỏm, TS. Nguyễn Đức Thành đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên Nhà trường, khơi dậy niềm đam mê khám phá tri thức khoa học và giải quyết các vấn đề thiết thực. Tiến sĩ và các đồng nghiệp tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính sách đã sáng lập Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu kinh tế chính sách. Đây là một sân chơi khuyến khích nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế cho tất cả các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu trong khối các trường đại học kinh tế trên cả nước. Giải thưởng đã hoạt động được 2 năm và thu hút sự tham gia rộng rãi với nhiều đề tài chất lượng từ khắp các trường đại học khối kinh tế lớn ở Hà Nội như: Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Học viện Tài chính...

TS. Vũ Phạm Hải Đăng: Từng theo học Trường ĐH New York (Hoa Kỳ) và  nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Vĩ Mô/Lao động (2008) và là Trợ giảng tại ĐH New York. Trở về Việt Nam năm 2009, Tiến sĩ trở thành giảng viên tại Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.
Tuy tuổi đời còn khá trẻ, Tiến sĩ có niềm nhiệt huyết đặc biệt với giảng dạy cũng như nghiên cứu. Nhiều sinh viên Nhà trường chia sẻ: TS. Vũ Phạm Hải Đăng  là một giảng viên tâm huyết với phong cách giảng dạy hiện đại, khuyến khích học sinh chủ động, sáng tạo, tranh luận và gợi mở tư duy. Tiến sĩ cũng tâm sự: Được làm việc tại Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN là may mắn và vinh dự cho bản thân. Bên cạnh môi trường làm việc tốt, có nhiều khuyến khích và hỗ trợ giảng viên phát triển năng lực bản thân thì việc ngày ngày được tiếp xúc với các bạn sinh viên thông minh, tự tin và năng động cũng mang lại cho Tiến sĩ những niềm vui và cảm giác yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.

TS. Nguyễn Thị Thu Hằng: Tốt nghiệp bậc Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế Vĩ mô và Tài chính tại Trường Đại học New York (2008). Tiến sĩ đã nhận công tác làm giảng viên khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN từ năm 2009 và trở thành Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường ĐHKT từ năm 2010.

Tiến sĩ tâm sự: “Dù là một giảng viên nữ với tuổi đời còn trẻ nhưng ngay từ những ngày đầu đến với Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, tôi rất hài lòng vì tất cả các thành viên đều bình đẳng và đoàn kết, nỗ lực vì mục tiêu chung... Vị trí và thăng tiến của bản thân mỗi người phụ thuộc vào chính năng lực và sự phấn đấu chứ không phụ thuộc vào thâm niên, mối quan hệ hay các yếu tố khác. Cơ chế đánh giá, kiểm định khách quan thường xuyên buộc các giảng viên phải nỗ lực thực hiện mục tiêu giảng dạy và nghiên cứu chất lượng nhất”.

TS. Phạm Thị Liên: Phó Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh kiêm Chủ nhiệm Bộ môn Marketing - Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN là một trong những nữ giảng viên trẻ nhưng đã có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn, tổng công ty lớn. Trước khi tốt nghiệp bậc tiến sĩ về Quản trị Kinh doanh, Trường Quản trị Kinh doanh Macquarie, thuộc Đại học Macquarie, Sydney (Australia), Tiến sĩ đã có thời gian công tác tại Tập đoàn Tài chính Bảo Việt (Trưởng nhóm Nghiên cứu thị trường), Chuyên gia Tư vấn quản lý và Chuyên gia đánh giá trưởng, Công ty APAVE Việt Nam và Đông Nam Á.
Tiến sĩ tâm niệm hoạt động giảng dạy và nghiên cứu tại trường đại học cần bám sát với thực tiễn và nhu cầu của doanh nghiệp. Các hoạt động tạo dựng quan hệ, xây dựng đối tác chiến lược với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cần được đẩy mạnh. Trong đó nhà trường đóng vai trò là nhà cung cấp sản phẩm: “tri thức” và nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp còn doanh nghiệp cũng sẵn sàng đặt hàng và đầu tư cho các sản phẩm đó. Ngày nay, Trường Đại học Kinh tế đã phát triển được nhiều đối tác chiến lược theo cách tiếp cận đó. Điển hình như các mối quan hệ đối tác hữu nghị với Tập đoàn Gami, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam,Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Giáo dục EMG, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Ngân hàng Thương mại CP An Bình, Báo Đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn... Nhờ đó sinh viên Trường Đại học Kinh tế ngày càng nhận được nhiều hơn những học bổng, cơ hội thực tập, thực tế, chương trình đào tạo ngắn hạn và tuyển dụng việc làm hấp dẫn, thiết thực hơn từ chính các đối tác này.

TS. Vũ Anh Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐHKT
TS. Vũ Anh Dũng bắt đầu công tác tại Trường Đại học Kinh tế vào năm 2009 với cương vị Phó Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT.  Năm 2010, Tiến sĩ đã được tin tưởng giao trọng trách Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế và trở thành Chủ nhiệm khoa trẻ nhất Trường Đại học Kinh tế.
Tốt nghiệp bậc tiến sĩ tại ĐH Cambridge (Vương quốc Anh), Tiến sĩ đã từng nắm giữ những vị trí quản lý cao trong các công ty lớn như Giám đốc Marketing Công ty Viễn thông UTStarcom (Mỹ), Trưởng khối Marketing Công ty S-Telecom Hà Nội, Giám đốc thương hiệu Heineken và Tiger Beer tại Công ty bia Châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội... Trong thời gian làm nghiên cứu sinh tại Anh, Tiến sĩ đã tham gia nhóm công tác tư vấn cho một số tập đoàn đa quốc gia như Diageo, SABMiller, GSK, Ford UK…
Ngay khi trở thành thành viên của Trường Đại học Kinh tế, Tiến sĩ là người chủ trì việc nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn và quy trình xây dựng chương trình đào tạo theo cách tiếp cận CDIO, áp dụng vào ngành Kinh tế quốc tế (nay là ngành Kinh tế đối ngoại) chất lượng cao của trường. CDIO là một sáng kiến mới cho giáo dục, là một hệ thống các phương pháp và hình thức tích lũy tri thức, kỹ năng trong việc đào tạo sinh viên để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khởi nguồn từ Viện Công nghệ MIT (Mỹ), cho đến nay mạng lưới các trường đại học áp dụng CDIO trên thế giới đang ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở Mỹ.
Tiến sĩ chia sẻ: Chính môi trường của Trường ĐH Kinh tế là bến đậu tốt và khuyến khích sự phát triển của từng thành viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ có hoài bão, khát vọng. Điều này giúp cho các giảng viên luôn tận tâm đóng góp trí lực vào sự phát triển của Trường. Cũng trong tháng 12/2010 vừa qua, chính Khoa KT&KDQT đã tiến hành kiểm định chương trình đào tạo đại học ngành Kinh tế Quốc tế hệ chất lượng cao theo bộ tiêu chuẩn kiểm định  chất lượng của mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và chương trình đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế theo kết quả công bố.
Cũng là người rất gắn bó và thường xuyên tạo mọi điều kiện cho sinh viên phấn đấu vương lên trong học tập, nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ cũng đã phát huy được vai trò của sinh viên trong các hoạt động học tập, ngoại khóa hay đóng góp ý tưởng  cũng như công sức xây dựng phát triển khoa và trường. Minh chứng được thể hiện rất rõ qua đợt kiểm định chất lượng chương trình đào tạo ngành KTQT  của AUN-QA khi các chuyên gia kiểm định quốc tế  nhận định: sinh viên Khoa KT&KDQT nói riêng và trong toàn Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN nói chung được đào tạo bài bản về cả kiến thức lẫn kỹ năng, rất tự tin, đầy sáng tạo, chủ động trong định hướng nghề nghiệp và hoạch định tương lai.
>> Xem thêm thông tin về giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN tại đây.


Nguyễn Thịnh và các cộng tác viên