Khoa Kinh tế Chính trị
 
Hãy lựa chọn sáng suốt cho tương lai

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường ĐHKT - ĐHQGHN, trả lời phỏng vấn của VOVnews.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: "Lựa chọn nghề nghiệp không phải đơn thuần như việc mua hàng hóa, mà cả một tương lai, ảnh hưởng một cuộc đời, một tương lai. Vì thế các em cần phải có đủ thông tin, cân nhắc kỹ…".


Kỳ thi tuyển ĐH, CĐ năm 2010 đang đến gần. Nhân dịp này, chúng tôi đã phỏng vấn PGS.TS. Phùng Xuân Nhạ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những điểm mới trong công tác tuyển sinh năm 2010 của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Năm 2010, Trường Đại học Kinh tế (ĐHQGHN) tuyển sinh 430 chỉ tiêu hệ đào tạo đại học chính quy cho các ngành học: Kinh tế Chính trị, Kinh tế Đối ngoại, Quản trị Kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng, Kinh tế Phát triển, và Kế toán.
Năm 2010 có nhiều điểm mới trong kỳ tuyển sinh vào hệ đại học chính quy của Trường ĐHKT.
Thứ nhất, tuyển sinh ngành Kế toán. Chương trình đã được xây dựng theo một qui trình hiện đại, thực tiễn (chuẩn đầu ra - outcome based). Khác với ngành kế toán của một số cơ đào tạo truyền thống (nặng về kỹ năng nghiệp vụ kế toán), đặc trưng cơ bản ngành kế toán của Trường là đào tạo các kế toán viên theo hướng tăng cường năng lực lập, phân tích báo cáo tài chính; trang bị những kiến thức, kỹ năng và hình thành những phẩm chất cần thiết để sớm trở thành Giám đốc tài chính (CFO) hiện đại.
Nội dung chương trình đào tạo có nhiều môn học tương thích với các chương trình đào tạo kế toán của các đại học nước ngoài nên rất thuận lợi cho việc liên thông chương trình đào tạo liên kết quốc tế (2+2; 3+1,..) Chương trình kế toán của Trường đang được Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) xem xét công nhận và miễn từ 4-9 môn cho sinh viên khi thi lấy chứng chỉ kế toán viên chuyên nghiệp (ACCA, CAT) của ACCA trên phạm vi toàn cầu. Sinh viên theo học chương trình kế toán cũng được hỗ trợ miễn phí thực hành trên phần mền kế toán chuyên dụng do công ty MISA cung cấp.
Thứ hai, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN áp dụng chương trình đào tạo liên thông (bằng kép) với Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQGHN.
Trường ĐHKT chia sinh viên ra làm 2 nhóm. Nhóm 1, sinh viên chương trình đạt trình độ quốc tế và chương trình chất lượng cao, khi vào học năm thứ nhất, được học 1 năm tiếng Anh. Đến năm học thứ 2, 3 bắt đầu học và dạy bằng tiếng Anh, ngoài trừ những môn bắt buộc theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Trong quá trình học, đã có một số em được chuyển tiếp học tập ở nước ngoài, trong đó có em đã được nhận học bổng toàn phần làm tiến sĩ ở Đại học Chicago (Hoa Kỳ). Số còn lại, khi ra trường, các sinh viên sẽ làm việc bằng tiếng Anh dễ dàng và khả năng được tuyển dụng rất cao. Các khoá chất lượng cao vừa qua, các em đều làm luận văn tốt nghiệp bằng tiếng Anh và ra trường được nhiều cơ sở, doanh nghiệp nhận vào làm việc. Năm 2009, trong vòng 1 tháng ngay sau khi tốt nghiệp, 100% sinh viên của hệ đào tạo này ra trường đã có việc làm.
Đối với các sinh viên ngành khác (nhóm 2) chưa có điều kiện học chuẩn quốc tế, nhà trường thiết kế chương trình học bằng kép. Chương trình này có nhiều môn dạy bằng tiếng Anh ở năm cuối. Sự kết hợp về dạy học tiếng Việt và tiếng Anh là điều kiện thuận lợi để sinh viên tiếp cận nhanh khả năng làm việc bằng tiếng Anh. Đặc biệt, Trường ĐHKT có nhiều thuận lợi hơn các trường khác là trường đang triển khai đào tạo liên thông giữa các ngành với nhau ngay trong Nhà trường.
Điểm mới thứ ba và cũng rất đặc biệt của Trường ĐHKT là kỳ thi này, nếu sinh viên nào đạt điểm tuyệt đối 30/30 sẽ nhận được suất học bổng trị giá 30 triệu đồng; 29,5 điểm được 10 triệu đồng và 29 điểm là 5 triệu đồng. Ngoài học bổng của nhà trường, các doanh nghiệp đối tác của trường cùng sẵn sàng cung cấp học bổng cho những sinh viên xuất sắc và nhận vào thực tập (có trả lương) ngay từ trong quá trình học tập.
PV: Theo ông dự đoán thì ngành nào của Trường ĐHKT năm nay sẽ thu hút sự quan tâm của thí sinh?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Ở Việt Nam có rất nhiều cơ sở đào tạo Kế toán uy tín. Mỗi một trường đều có thế mạnh riêng. Như đã nói ở phần trên, ngành kế toán của chúng tôi có nét rất riêng nên sẽ góp phần giải quyết được tình trạng các doanh nghiệp hay phàn nàn là số kế toán viên ở Việt Nam không phải thiếu, nhưng những Kế toán có thể đọc, phân tích được báo cáo tài chính và quản lý được vấn đề tài chính, dưới dạng như giám đốc tài chính lại rất ít. Hiện tại họ đang có nhu cầu rất lớn, nếu chúng ta đào tạo được thì họ không phải thuê chuyên gia nước ngoài với giá cao như: Singapore, Hongkong…
Hiện nay ở Trường ĐHKT (ĐHQGHN) đang có 6 ngành đào tạo nhưng tập trung nhất vẫn là: Tài chính - Ngân hàng, Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Kinh doanh. Tôi nghĩ là ngành thu hút nhất vẫn là Kế toán.
Ngành Tài chính - Ngân hàng hoặc Kế toán là cơ hội rất lớn cho nhiều bạn sinh viên cũng không hẳn là xuất sắc, nhưng khi vào trường sẽ có cơ hội phát triển. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đối với lĩnh vực về kinh tế và kinh doanh, những sinh viên đầu vào không nhất thiết xuất sắc, tất nhiên có thì càng tốt, nhưng trong quá trình đào tạo, cuộc sống tác động lớn đến thành đạt trong kinh doanh. Số cựu sinh viên thành đạt trong kinh doanh, trong đó có một nhóm ở mức vừa phải nhưng năng lực thực tiễn của họ rất cao, tố chất kinh doanh, chấp nhận mạo hiểm, khi ra trường họ rất thành đạt.
Thành công trong kinh doanh không chỉ có học giỏi, mà còn rất nhiều yếu tố khác, trong đó có một yếu tố cực kỳ quan trọng chính là năng lực kinh doanh và khát vọng làm giàu. Khát vọng này không chỉ ở người giỏi mà những người rất bình thường cũng có thể làm được. Các bạn vào trường và chúng tôi cùng với các doanh nghiệp, các đối tác quốc tế sẽ giúp các bạn.
PV: Thưa ông, đối với Trường ĐHKT (ĐHQGHN) thì trong đào tạo có những thuận lợi và khó khăn gì cần quan tâm?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Theo tôi, thuận lợi có nhiều nhưng cũng không ít khó khăn. Thuận lợi nổi bật là các chương trình đào tạo được xây dựng, cải tiến theo hướng hiện đại, tiếp cận với thực tiễn; tính linh hoạt trong liên thông giữa các chương trình đạo tào trong và ngoài trường (bao gồm cả liên thông đào tạo quốc tế); đội ngũ giảng viên có trình độ cao; có nhiều dịch vụ hỗ trợ sinh viên và đặc biệt là có nhiều có hội học bổng, thực tập, việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp;… Bên cạnh đó cũng có nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn về điều kiện thực hiện các chương trình đào tạo chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế. Khắc phục hạn chế này, Nhà trường đã tích cực đầu tư cùng với doanh nghiệp để mở rộng và hiện đại hóa hệ thống giảng đường. Chúng tôi có 2 hệ thống giảng đường: một dành cho các chương trình nhà trường cấp bằng (điều kiện khá tốt, thậm chí trong đó 1/2 dùng điều hòa, trang thiết bị giảng dạy tốt); Khu thứ 2, là khu Việt - Úc cũng rất hiện đại, dành cho các chương trình đào tạo liên kết quốc tế…
Hiện Trường ĐHKT có 9 chương trình liên kết quốc tế, từ Cử nhân đến Tiến sĩ, đào tạo theo đẳng cấp quốc tế. Chúng tôi liên kết với một số trường đại học mạnh và danh tiếng trên thế giới như: Đại học Uppsala (Thụy Điển), Đại học Massey (New Zealand); Đại học Paris 12 (Pháp); Đại học Berkeley - California, Đại học Troy và Đại học Benedictine (Hoa Kỳ)… Thực hiện các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang mang lại nhiều lợi ích rất rõ rệt đối với nâng cao chất lượng đạo tạo các chương trình đào tạo trong nước, cụ thể hệ thống chương trình, giáo trình được chuyển giao và quan trọng là phát triển đội ngũ, thông qua các trường đại học quốc tế, số giảng viên của Trường tham gia dạy bằng tiếng Anh, trong khi làm việc với các đối tác học được nhiều kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy tốt và tạo ra một mạng lưới làm việc theo nhóm tốt.
Hiện nay, hầu hết các giảng viên của Trường sử dụng tốt được tiếng Anh, trong đó có khoảng 25-30 giảng viên có thể dạy bằng tiếng Anh. Với chính sách thu hút nhân tài về trường, đặc biệt là các giảng viên giỏi ở nước ngoài về, chúng tôi đã thu hút được 22 tiến sĩ và 2 Phó giáo sư, tạo ra đội ngũ giảng viên có chất lượng.
Cho đến thời điểm này, cơ bản chúng tôi không có vấn đề lớn về cơ sở vật chất để giảng dạy. Tuy nhiên, để trở thành một trường mạnh, khang trang bậc nhất Đông Nam Á, sắp tới chúng tôi sẽ chuyển về cơ sở mới ở Hoà Lạc. Trước mắt ở Hà Nội, chúng tôi vẫn đảm bảo được điều kiện cơ bản cho công việc đào tạo giảng dạy.
PV: Với cương vị là Hiệu trưởng, mùa thi sắp đến gần, ông có lời khuyên nào dành cho thí sinh sắp bước chân vào trường đại học không?
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ: Sự lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai vô cùng quan trọng. Để lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng và đón trước được cơ hội việc làm, trước hết cần phải tìm hiểu thông tin về ngành đào tạo, về cơ sở đào tạo thông qua phương tiện truyền thông, thông báo tuyển sinh, những điều cần biết, qua website, đừng chỉ vì thương hiệu của nhiều trường mà chọn nghề nghiệp. Mặt khác, các thông tin tư vấn về cơ hội việc làm trong tương lai (sau khi ra trường) cũng rất cần phải được biết. Có rất nhiều nghề hiện nay “hot”, nhưng 5, 6 năm sau không còn “hot” nữa và ngược lại nhiều cơ hội việc làm rất tốt trong tương lại nhưng hiện tại lại chưa “hot”…. Các bậc phụ huynh cũng không nên chỉ vì tính hấp dẫn nghề nghiệp hiện tại mà chọn nghề nghiệp cho con em mình.
Trước khi thi vào trường nào, các bậc phụ huynh nên tham khảo website để có thông tin đầy đủ về trường. Các bạn quyết định thi trường nào thì cân nhắc cho kỹ, đừng vội. Các bạn cần tự mình tìm hiểu thông tin và tìm đến người thân xung quanh để họ tư vấn. Không nên bị ảnh hưởng thông tin có tính “phong trào, cảm nghĩ,…” của bạn bè, cũng không nên dựa vào sở thích có tính chất bồng bột mà quyết định ngành hoặc trường sẽ đăng ký thi tuyển.
Nếu bạn nào quan tâm đến Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, chúng tôi sẵn sàng tư vấn cho các bạn qua số điện thoại: ĐT: (04) 37547506 (máy lẻ 305, 325), (04) 37450056. Bạn có thể tham khảo trên website của trường, địa chỉ www.ueb.edu.vn hoặc www.ueb.vnu.edu.vn hoặc www.economics.vnu.edu.vn. Mọi thắc mắc gửi về địa chỉ: www.news_ueb@vnu.edu.vn hoặc news.ueb@gmail.com sẽ được giải đáp kịp thời.
Chúc các bạn thành công trong lựa chọn ngành đào tạo đúng với năng lực, sở thích và cơ hội việc làm trong tương lai.
PV: Xin cảm ơn ông!

Thu Thuỷ - Lại Thìn (VOV)


Các tin khác