Khoa Kinh tế Chính trị
 
Khoa Kinh tế Quốc tế Trường ĐHKT tổ chức Seminar cho 3 đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Trường

Ngày 17/10/2008, Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar cho 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường.


Đó là các đề tài: 1. “Phân tích các yếu tố làm ảnh hưởng đến biến động phát thải khí CO2 trong quá trình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Kim Anh chủ trì; 2. “Nghiên cứu so sánh đơn vị tiền tệ chung Châu Á và đơn vị tiền tệ chung Châu Âu” do ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà chủ trì; 3. “ Chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ 2 nước” do TS. Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì.
Tham dự buổi Seminar có Ban chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, đại diện lãnh đạo phòng Đào tạo & Nghiên cứu khoa học Trường ĐHKT cùng với đông đảo các cán bộ, giảng viên của Khoa.
Mở đầu buổi seminar, TS. Nguyễn Thị Kim Anh đã thuyết trình các vấn đề chủ yếu trong đề tài, bao gồm: tính cấp thiết, cấu trúc, phương pháp nghiên cứu, nguồn số liệu, một số kết quả nghiên cứu chính, …, qua đó xin ý kiến đóng góp, nhận xét của các cán bộ, giảng viên trong Khoa. Xoay quanh nội dung đề tài nghiên cứu, trong phần góp ý, TS. Phạm Thái Quốc nhấn mạnh việc phân tích sự vận động của các yếu tố tác động đến sự phát thải CO2 theo cơ cấu ngành và cơ cấu năng lượng của nền kinh tế hiện nay, đồng thời cũng đề xuất chủ trì đề tài cần làm rõ những khác biệt trong giải pháp của Việt Nam so với các quốc gia khác nhằm giảm thiểu sự phát tán khí CO2 trong quá trình phát triển kinh tế. Đề tài đã nhận được sự đánh giá cao của các cán bộ giảng viên về tính mới mẻ và sự phù hợp cũng như về mặt cơ sở lý luận liên ngành. Đa số các cử tọa có mặt đều nhất trí đây là một đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực đối với Việt Nam, chủ trì đề tài nên nghiên cứu sâu hơn và nâng tầm nghiên cứu thành đề tài cấp ĐHQGHN trong năm tới.
Trong phiên thứ hai của buổi seminar, ThS. Nguyễn Thị Vũ Hà đã trình bày tóm lược những kết quả nghiên cứu của đề tài, bao gồm: Các điều kiện hình thành đơn vị tiền tệ chung châu Âu, các tiêu chí so sánh về điều kiện hình thành đồng tiến chung Châu Âu và liên hệ với triển vọng hình thành đồng tiền chung châu Á; Triển vọng sự ra đời của đồng tiền chung Châu Á và tác động của nó đến kinh tế khu vực;,... Trong phần góp ý, đa phần các cán bộ giảng viên trong Khoa đều nhất trí đây là một đề tài khó, chủ trì cần bổ sung các tiêu chí so sánh và tập trung phân tích vào những điểm trọng yếu liên quan đến việc so sánh 2 đơn vị tiền tệ chung Châu Âu và đơn vị tiền tệ chung Châu Á (cụ thể như: cơ sở hình thành, cơ chế xác định, vài trò của đồng tiền với nền kinh tế, …).
Trong phiên cuối cùng, TS. Nguyễn Thị Kim Chi trình bày kết quả nghiên cứu xoay quanh nội dung “ Chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ 2 nước”. Đây là một đề tài được nghiên cứu có tính chất kế thừa, căn cứ vào từng giai đoạn phát triển trong mối quan hệ thương mại giữa 02 quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ. Trước đó, chủ trì đề tài đã nghiên cứu về chính sách thương mại của Hoa Kỳ thời kỳ Bill Clinton. Đề tài được các thành viên tham dự đánh giá tốt về mặt lý luận cũng như những phát hiện mới mang tính chất thiết thực đối với Việt Nam; tuy nhiên chủ trì cần điều chỉnh lại về kết cấu để cân đối giữa các chương mục trong nội dung nghiên cứu.
Phát biểu ý kiến tại buổi seminar, TS. Khu Thị Tuyết Mai - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường ĐHKT đã đồng tình với những ý kiến đóng góp của các cán bộ và giảng viên trong Khoa, đồng thời nhấn mạnh đây là 3 đề tài khoa học cấp Trường được nghiên cứu công phu, có ý nghĩa về mặt lý luận và thiết thực đối với Việt Nam.
Qua buổi seminar, ba chủ trì đề tài đã nhận được những ý kiến đóng góp hết sức hữu ích của cán bộ giảng viên giúp cho việc hoàn thiện một số nội dung nghiên cứu của đề tài. Theo kế hoạch dự kiến, 3 đề tài trên sẽ được nghiệm thu vào cuối tháng 10/2008.


Tin: Bảo Ngọc. Ảnh: Phạm Diệp