Khoa QTKD (cux)
 
Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế



I. MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế thuộc Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có tiền thân là Bộ môn Kinh tế thế giới của Khoa Kinh tế chính trị - ĐH Tổng hợp Hà Nội, được thành lập từ tháng 11/1974. Năm 2007, đồng thời với việc thành lập Trường Đại học Kinh tế (tiền thân là Khoa kinh tế) dựa trên cơ sở 3 bộ môn Kinh tế quốc tế, Quan hệ kinh tế quốc tế và Kinh tế học, Khoa Kinh tế Quốc tế chính thức ra đời, đánh dấu bước ngoặt khép lại thời kỳ tạo dựng và hướng tới giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Khoa. Với bầu nhiệt huyết trẻ trung và mới mẻ, khoa đã dần chứng tỏ mình như một bộ phận rất quan trọng của Trường ĐHKTtrong giáo dục - đào tạo cũng như phát triển sinh viên thông qua những hoạt động ngoại khóa và định hướng nghề nghiệp. Chỉ trong một thời gian ngắn, Khoa đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và các trường đại học nước ngoài trong việc đem lại môi trường học thuật và đào tạo tốt nhất. Đội ngũ nhân viên và sinh viên Khoa đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, gặp mặt, trò chuyện với những diễn giả nổi tiếng cũng như xây dựng những sự kiện và phong trào thường niên để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Trong năm 2010, Khoa đã chính thức đề xuất việc đổi tên thành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế để phù hợp tốt hơn định hướng đào tạo và nghiên cứu theo hướng dần tiếp cận đẳng cấp quốc tế.

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường  Đại học Kinh tế là một trong những đơn vị được ĐHQGHN lựa chọn để triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao và áp dụng tiêu chuẩn CDIO trong việc xây dựng chương trình đào tạo - một trong những hướng phát triển trọng tâm của ĐHQGHN và của Trường Đại học Kinh tế. Đây là cơ hội rất lớn để Khoa nhanh chóng thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Hiện nay, Khoa tự hào là khoa đầu tiên trong Trường Đại học Kinh tế duy trì đào tạo chương trình cử nhân Kinh tế Đối ngoại (nay là Kinh tế quốc tế) chất lượng cao từ năm 2004. Đồng thời Khoa tự hào là Khoa đầu tiên trong Trường, có Chương trình đào tạo cử nhân Chất lượng cao được kiểm định và đạt chuẩn AUN.

Nhiều khóa sinh viên của Khoa đã tốt nghiệp với những thành tích xuất sắc và đạt được nhiều thành tích trong công việc, phần nào đa minh chứng cho chất lượng đào tạo vượt trội mà Khoa cùng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN luôn luôn hướng tới.

Với những thành tích đạt được qua chặng đường gần 40 năm xây dựng và phát triển. Đặc biệt kể từ khi chính thức thành lập Khoa (2007) đến nay, Khoa KT&KDQT - Trường ĐHKT - ĐHQGHN, liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc và được tặng thưởng nhiều bằng khen của Giám đốc ĐHQGHN cũng như giấy khen của Hiệu trưởng.

 

II. LÃNH ĐẠO KHOA

 

Trưởng khoa:

PGS.TS. Hà Văn Hội

ĐT: (84-24) 37547506 + 408

Email: hoihv@vnu.edu.vn

 

Phó trưởng khoa:

TS. Vũ Thanh Hương

ĐT: (84-24) 37547506 + 408

Email: huongvt@vnu.edu.vn
 
 

Phó trưởng khoa:

TS. Nguyễn Tiến Minh

ĐT: (84-24) 37547506 + 408

Email: ntminh@vnu.edu.vn

 
III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế có các chức năng, nhiệm vụ chính sau:

- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở trình độ đại học và sau đại học về kinh tế quốc tế theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đào tạo thí điểm các ngành, chuyên ngành mới liên quan đến lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế.

- Tiến hành nghiên cứu cơ bản và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đối với một số lĩnh vực khoa học kinh tế, kinh tế quốc tế cơ bản và mũi nhọn; kết hợp đào tạo với nghiên cứu khoa học, triển khai dịch vụ khoa học và công nghệ theo quy định của Luật Khoa học - Công nghệ và Luật Giáo dục; tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề do yêu cầu kinh tế - xã hội nước ta đặt ra; tham gia tư vấn chính sách và các giải pháp thực hiện chính sách cho các cấp quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.

- Hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng; trao đổi thông tin khoa học và chuyển giao công nghệ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu, các doanh nghiệp và các tổ chức khác trong và ngoài nước (trong đó bao gồm cả các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).

- Cung cấp dịch vụ đào tạo theo các chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội.

V. CÁC BẬC VÀ NGÀNH ĐÀO TẠO

  • Đào tạo bậc Đại học: ngành Kinh tế quốc tế Hệ chuẩn và Hệ chất lượng cao, bằng kép với ĐH Ngoại Ngữ - ĐHQGHN
  • Đào tạo bậc Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế quốc tế
  • Đào tạo bậc Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế quốc tế

VI. NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Hướng nghiên cứu chính:
  • Các vấn đề về kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế:Các lý thuyết về kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế; Toàn cầu hoá, khu vực hoá và vấn đề hội nhập vào khu vực và thế giới của Việt Nam; Chính sách phát triển thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế bền vững: kinh nghiệm của các nước trên thế giới và Việt Nam; Các định chế thương mại và tài chính quốc tế.
  • Các vấn đề về kinh doanh quốc tế như mạng sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, liên kết khu vực và toàn cầu.
Kết quả nghiên cứu:
  • Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực kinh tế và kinh doanh quốc tế (2007-2013): 95 Trong đó đề tài nghiên cứu cơ bản: 52 đề tài cấp ĐHQGHN: Đề tài cấp Nhà nước: 04
  • Số lượng bài báo khoa học công bố trên các tạp chí, hội nghị trong nước và quốc tế (2007-2013): 144 bài trong nước và 72 bài quốc tế
  • Số sách chuyên khảo được xuất bản: 31

VII. HỢP TÁC - PHÁT TRIỂN

Khoa đã và đang triển khai hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các đơn vị trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, các viện nghiên cứu và các trường đại học trong cả nước trong hợp tác đào tạo các khóa ngắn hạn, nghiên cứu và tư vấn về lĩnh vực Kinh tế, Tài chính, Đầu tư, Thương mại và Kinh doanh Quốc tế, nghiên cứu tư vấn theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp và các cá nhân có nhu cầu. Khoa cũng đã phát triển mạng lưới hợp tác nghiên cứu với các trường đại học trên thế giới như ĐH Yokohama, ĐH Waseda, Nhật bản, ĐH Thammasat, Thái Lan, ĐH Troy, Mỹ, ĐH Uppsala, Thuỵ Điển… Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, tư vấn và nghiên cứu,Khoa cũng ưu tiên phát triển hệ thống đối tác là các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan trung ương và địa phương.

 

VIII. MỤC TIÊU, PHƯƠNG PHƯỚNG PHÁT TRIỂN

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phấn đấu trở thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu và tư vấn có uy tín trong lĩnh vực kinh tế quốc tế ở Việt Nam, tiếp cận trình độ khu vực và tiến tới đạt đẳng cấp quốc tế. Cụ thể như sau:

  • Đưa hoạt động đào tạo của khoa tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế thông qua các chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế, đào tạo chất lượng cao, hợp tác đào tạo với các trường đại học có uy tín ở khu vực và quốc tế.
  • Gắn hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo, nghiên cứu phục vụ giảng dạy, nghiên cứu hướng tới giải quyết các vấn đề thực tiễn của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
  • Đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển, triển khai các dịch vụ đào tạo và tư vấn về kinh tế và kinh doanh quốc tế, thực hiện đa phương đối tác, đa dạng loại hình hợp tác, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả các đối tác.
_______________

 

Địa chỉ liên hệ:

Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Phòng 407, Nhà E4, số 144 đường Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội

Ðiện thoại: (84-24) 37547506 + máy lẻ 407, 408

Website: http://fibe.ueb.edu.vn; http://ueb.edu.vn


Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN