Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN: điểm đến của thành công

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh
Đó là khẳng định của PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, khi chúng tôi trao đổi với ông về công tác tuyển sinh của Trường năm 2012. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:


-  Việc tư vấn cho các bậc phụ huynh, học sinh trong mỗi kỳ tuyển sinh được Trường ĐHKT rất chú trọng. Vậy, ông có thể cho biết, năm nay Trường ĐHKT sẽ cung cấp cho phụ huynh và học sinh các kênh thông tin nào, và có thể theo dõi ở đâu?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Cũng như mọi năm, Trường ĐHKT - ĐHQGHN rất quan tâm đến việc cung cấp thông tin tuyển sinh cho các phụ huynh, học sinh một cách đầy đủ và kịp thời. Chúng tôi thông tin qua các kênh như truyền hình, báo chí, website của Trường (địa chỉ: http://ueb.vnu.edu.vn) cũng như một số website khác, tham gia các ngày hội tư vấn tuyển sinh, đến trực tiếp một số trường THPT. Đặc biệt, Trường ĐHKT đã cử người trực điện thoại tư vấn từ 7h00 - 18h00 hàng ngày tại các số điện thoại 04.37450056 (máy lẻ 315) và 0164.2601.356. Phụ huynh và học sinh quan tâm đến các chương trình tuyển sinh của Trường ĐHKT - ĐHQGHN cũng có thể gửi thư đến địa chỉ email news_ueb@vnu.edu.vn để được tư vấn.

- Thưa ông, năm nay, việc tuyển sinh vào Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có gì mới không?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Năm nay Trường ĐHKT vẫn tuyển sinh 6 ngành là Kinh tế, Kinh tế Quốc tế, Kinh tế Phát triển, Quản trị Kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán theo 2 khối thi A, D1, và có điểm mới là Trường ĐHKT cho phép thí sinh dự thi thêm khối thi A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh) đối với tất cả các ngành trên.

- Sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN được hưởng những quyền lợi gì khác so với sinh viên các trường đào tạo kinh tế khác?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Sinh viên của Trường ĐHKT ngoài việc được hưởng những quyền lợi như sinh viên các trường kinh tế khác, còn có các quyền lợi đặc thù như: có cơ hội học thêm một bằng đại học chính quy thứ 2 (trừ sinh viên chương trình đạt chuẩn quốc tế và chương trình chất lượng cao) các ngành: Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Luật kinh doanh của Khoa Luật - ĐHQGHN; ngoài ra sinh viên ngành Kinh tế, Kinh tế phát triển còn có thêm cơ hội học ngành Tài chính - Ngân hàng của trường.

Cũng giống như sinh viên các đơn vị đào tạo khác của ĐHQGHN, sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN được vay vốn không lãi suất từ Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) để thanh toán học phí.

Những sinh viên có kết quả học tập và rèn luyện từ loại khá trở lên cũng có nhiều các cơ hội nhận học bổng với mức rất cao từ các nhà tài trợ, đối tác của trường và ĐHQGHN như: học bổng Mitsubishi, Toshiba, Acer, Lawrence S.Ting… Đặc biệt, thí sinh trúng tuyển trở thành sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh - ĐHKT năm 2012 còn có cơ hội nhận học bổng tài năng từ Tổ chức Từ thiện In Sewa Ltd. với trị giá 100.000.000 VNĐ/1 sinh viên/suất cho toàn khóa học (từ 2012 đến 2016).

 

Người sáng lập Tổ chức Từ thiện In Sewa Ltd., ông Rikhi Thakral và Hiệu trưởng Trường ĐHKT, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - ký kết thỏa thuận tài trợ học bổng cho sinh viên ĐHKT, ngày 29/3/2012.

 - Mỗi ngành đào tạo của trường có một đặc thù, trang bị cho người học những kiến thức cơ bản để có thể làm việc sau khi tốt nghiệp. Vậy ông có thể nói rõ hơn về đặc thù của từng ngành đào tạo của trường không?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Mỗi ngành đào tạo của chúng tôi có những đặc thù riêng. Các em học sinh và gia đình nên căn cứ vào năng khiếu, sở trường cũng như sở thích của các em mà chọn ngành học phù hợp.

Học ngành Quản trị Kinh doanh, chương trình đạt chuẩn quốc tế, sau khi tốt nghiệp người học sẽ có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng tốt, tiếng Anh thành thạo (tương đương IELTS 6.0). Điều đó sẽ giúp người học có khả năng thích ứng với môi trường công việc có tính cạnh tranh cao, có khả năng tác nghiệp, kinh doanh, phân tích, nghiên cứu và giảng dạy về quản trị kinh doanh tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước và các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu.

Học ngành Kế toán, sau khi tốt nghiệp người học có thể làm nhân viên kế toán tại các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và các tổ chức khác; hoặc có thể đảm nhận công việc trợ lý phân tích và tư vấn về kế toán, thuế, tài chính hoặc có thể đảm nhận công việc cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán cho các loại hình doanh nghiệp. Nếu yêu thích và đam mê nghiên cứu, giảng dạy thì người học cũng có thể nghiên cứu và giảng dạy các vấn đề liên quan đến kế toán, kiểm toán tại các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục đại học.

Học ngành Tài chính - Ngân hàng, sau khi tốt nghiệp người học có khả năng tác nghiệp, phân tích, quản trị… các vấn đề liên quan đến hoạt động tài chính - ngân hàng trong các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán và các định chế tài chính khác. Ngoài ra, nếu sinh viên tốt nghiệp có năng lực nghiên cứu và tâm huyết với giáo dục, với các môn học định hướng về nghiên cứu được trang bị trong chương trình, thì có thể làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học với tư cách là nghiên cứu viên, giảng viên.

Học ngành Kinh tế Quốc tế, người học có thể làm việc tại các vị trí như trợ lý hay chuyên viên hoạch định, phân tích và tư vấn chính sách về các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế, tài chính quốc tế và đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài tại các bộ, ban, ngành hoặc tham gia nghiên cứu, giảng dạy tại các cơ sở nghiên cứu và cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, sinh viên tốt nghiệp cũng có khả năng đảm nhận các công việc liên quan đến lập kế hoạch, giám sát hay thực thi về chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu, logistics, phát triển thị trường quốc tế, tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế tại các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài.

Với kiến thức và kỹ năng được học, sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, sinh viên tốt nghiệp có thể làm chuyên viên phân tích và tư vấn về kinh tế tại các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội mang tính liên ngành, các tổ chức tư vấn kinh tế, hành chính sự nghiệp, các tổ chức kinh tế quốc tế tại Việt Nam hoặc có thể làm nghiên cứu viên, giảng viên kinh tế tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học khối ngành kinh tế.

Học ngành Kinh tế Phát triển, sau khi tốt nghiệp người học có thể làm việc với tư cách là chuyên viên tư vấn, phân tích chính sách về kinh tế phát triển tại các cơ quản quản lý nhà nước hoặc cán bộ dự án tại các dự án phát triển, các doanh nghiệp hoặc nghiên cứu viên/giảng viên về kinh tế, kinh tế phát triển, chính sách công, kinh tế môi trường, phát triển bền vững tại các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục.

 


Một giờ học của sinh viên ĐHKT

- Năm 2012, Trường ĐHKT sẽ tuyển 430 chỉ tiêu hệ đại học chính quy. Con số này có ít so với kỳ vọng của nhà trường trong việc mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo? Và đối với thí sinh, cơ hội để trở thành sinh viên Trường ĐHKT như vậy có ít?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Trường ĐHKT không có kỳ vọng về mở rộng quy mô đào tạo đại học, mà trường muốn giữ vững quy mô đào tạo chính quy, mở rộng quy mô đào tạo chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và đào tạo sau đại học. Việc nâng cao chất lượng đào tạo là tiêu chí hàng đầu mà nhà trường quan tâm, vì vậy việc để quy mô đào tạo phù hợp với nguồn lực của trường, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo là tiêu chí quan trọng của trường.

Cơ hội cho các ứng viên được học tập tại ĐHKT là không nhỏ. Điều này thể hiện ở các điểm:

Thứ nhất: Nếu không đủ điểm trúng tuyển vào ngành mà thí sinh đăng ký, nhưng đạt điểm sàn của Trường ĐHKT thì chắc chắn thí sinh đã trúng tuyển vào trường và khi đó thí sinh được chuyển sang ngành học khác của trường nếu ngành học đó còn chỉ tiêu. Nhà trường sẽ thông báo cụ thể thông tin chuyển ngành trên website của trường sau khi có kết quả tuyển sinh.

Thứ hai: Như trên tôi đã nói, thông qua các chương trình đào tạo bằng kép với các đơn vị trực thuộc ĐHQGHN như: Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Khoa Luật, sinh viên của Trường ĐHKT có thể sang các đơn vị bạn học tập và ngược lại sinh viên các đơn vị này có thể tham gia học tập văn bằng thứ hai tại Trường ĐHKT. Bên cạnh đó, Trường ĐHKT vẫn đang triển khai chương trình đào tạo cử nhân bằng kép ngành Tài chính - Ngân hàng dành cho sinh viên ngành Kinh tế và ngành Kinh tế Phát triển của Trường.

Đây chính là những cơ hội tốt dành cho những ứng viên muốn trở thành sinh viên Trường ĐHKT - ĐHQGHN.

- Được biết, năm học tới, Trường ĐHKT sẽ có thêm nhiều học bổng mới cho sinh viên. Xin ông cho biết cụ thể về điều này?
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Trong năm học tới, ngoài những học bổng của các nhà tài trợ đã có, nhà trường sẽ có thêm các học bổng từ các nhà tài trợ mới như Tổ chức Từ thiện In Sewa Ltd, VPBank, Techcombank, … Đặc biệt, như tôi đã nói, Tổ chức Từ thiện In Sewa Ltd sẽ tài trợ 3 suất học bổng tài năng cho sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh, trị giá 100.000.000VNĐ/1 sinh viên/1 suất cho toàn khóa học.

- Thưa ông, Slogan của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN có mang dòng chữ "The road to success", tiếng Việt có nghĩa là: Đường tới thành công. Vậy Slogan này có ý nghĩa như thế nào với sinh viên của trường?

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thanh: Sinh viên ĐHKT được trang bị các kiến thức, kỹ năng và những hành trang cần thiết để có thể thành công trong tương lai. Trường ĐHKT - ĐHQGHN sẵn sàng tạo cho sinh viên những điều kiện tốt nhất trong khả năng để có thể học tập, nghiên cứu, rèn luyện và trở thành người có ích, thành đạt trong xã hội. Là sinh viên của Trường ĐHKT có nghĩa là bạn đang đi trên con đường dẫn tới thành công trong tương lai. Chúng tôi sẽ là những người lái đò thời hiện đại giúp các bạn sinh viên của trường cập bến vinh quang.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Hương Anh - Nguyễn Thư (thực hiện)