Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Trường ĐHKT mở mới đào tạo tiến sĩ ngành Tài chính - Ngân hàng

Ngày 11/6/2014 vừa qua, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã ký Quyết định số 1960/QĐ-ĐHQGHN giao cho Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT) - ĐHQGHN nhiệm vụ đào tạo chương trình tiến sĩ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng, bắt đầu tuyển sinh từ kỳ tuyển sinh sau đại học đợt 2 năm 2014.


Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế trong nước và trên thế giới hiện nay, nhu cầu nhân lực trong ngành tài chính - ngân hàng (TCNH) có sự chuyển dịch rõ rệt; chính bối cảnh tái cấu trúc hệ thống TCNH đã tạo ra một áp lực lớn về nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng sẽ tạo ra sự đổi mới, cải cách ngành TCNH sau khủng hoảng. Điều này càng làm cho nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các cơ sở đào tạo trở nên cấp bách.
Khảo sát của nhóm chuyên trách xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ chuyên ngành TCNH của Trường ĐHKT cho thấy, nhu cầu nhân lực cao cấp ngành TCNH hiện nay rất cao và có xu hướng tăng trong thời gian tới, đặc biệt là nhân lực có trình độ tiến sĩ. Điều này càng làm cho nhiệm vụ cung ứng nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng của các cơ sở đào tạo trở nên cấp bách. Vì vậy đào tạo tiến sĩ TCNH còn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.
Trường ĐHKT - ĐHQGHN với mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao, bên cạnh những chương trình cử nhân, thạc sĩ, trường còn quan tâm triển khai đào tạo các chương trình tiến sĩ với các chuyên ngành: Kinh tế chính trị, Kinh tế quốc tế và Quản trị kinh doanh. Năm 2014, việc được ĐHQGHN cho phép mở mới và tuyển sinh chương trình tiến sĩ chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng đã nâng con số chương trình tiến sĩ của Trường lên 4.
Chương trình tiến sĩ TCNH được thiết kế nhằm đào tạo những người có kiến thức chuyên sâu về kinh tế tài chính - ngân hàng; có phương pháp tư duy khoa học, có khả năng phát hiện, phân tích đánh giá các vấn đề mới trong lĩnh vực TCNH; có khả năng luận giải mới các kiến thức chuyên sâu, hiện đại về TCNH.
Tiến sĩ TCNH là người có năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu độc lập; có khả năng tổ chức, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, trở thành các chuyên gia cao cấp trong việc phân tích tư vấn, phản biện và thực thi chính sách kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực TCNH.
TS. Lê Trung Thành - Phó Chủ nhiệm thường trực Khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐHKT) cho biết, khung chương trình tiến sĩ TCNH được thiết kế lựa chọn tham khảo Chương trình đào tạo tiến sĩ Tài chính của Trường Đại học Kinh doanh Wharton - Wharton Business School (thuộc Đại học Pennsylvania - Mỹ). Đây là trường đào tạo Tài chính tốt nhất ở Mỹ (theo đánh giá của US News trong năm 2011, 2012) và là trường đứng thứ 3 về trong số các trường kinh doanh trên thế giới (theo đánh giá của Financial Times). Điều này giúp chương trình tiến sĩ ngành TCNH của Trường ĐHKT có được một chương trình đào tạo tiên tiến, đạt đẳng cấp thế giới.
Nghiên cứu sinh của chương trình vì thế cũng dễ dàng tiếp cận với cơ sở dữ liệu về Chương trình đào tạo, đề cương môn học, tài liệu tham khảo của chương trình Wharton” - TS. Lê Trung Thành nhấn mạnh.
Tham gia học tập trong chương trình, các nghiên cứu sinh (NCS) được tiếp cận và trang bị các kiến thức, kỹ năng và phương pháp nghiên cứu hiện đại nhất, hỗ trợ tối đa trong quá trình thực hiện luận án, thông qua các chuyên đề bắt buộc, bao gồm: Tiếng Anh chuyên ngành, Thống kê kinh tế, Phương pháp nghiên cứu. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng các kiến thức và kỹ năng này sẽ tùy thuộc vào năng lực của NCS. Trong những năm đầu, chương trình chưa đưa các kỹ năng này thành yêu cầu bắt buộc, tuy nhiên, sẽ được điều chỉnh qua các năm để tạo áp lực cho NCS hoàn thiện năng lực nghiên cứu, đồng thời nâng cao chuẩn đầu ra, hướng tới chuẩn mực và thông lệ quốc tế.
Với cách làm này, chương trình sẽ đảm bảo được mục tiêu chất lượng của ĐHQGHN theo chuẩn đầu ra (kiến thức, kỹ năng cứng, kỹ năng mềm) với định hướng nghề nghiệp cụ thể theo 3 nhóm:
  1. Nghiên cứu viên và giảng viên trong lĩnh vực TCNH làm việc tại các cơ sở nghiên cứu, các trường đại học.
  2. Chuyên gia TCNH cao cấp làm việc tại các doanh nghiệp, các định chế tài chính (như ngân hàng thương mại, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, chứng khoán, doanh nghiệp...).
  3. Chuyên gia hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực TCNH (Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán, Tổng cục Thuế, Kho bạc...).


Không chỉ được học tập trong một chương trình đào tạo tiên tiến, các NCS của chương trình tiến sĩ TCNH còn được hưởng những thuận lợi lớn từ môi trường học tập tại Trường ĐHKT - ĐHQGHN. TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với định hướng đại học nghiên cứu, NCS của Trường ĐHKT có nhiều cơ hội tham gia các hội thảo khoa học với các cấp khác nhau do trường tổ chức; tham gia các buổi seminar hay nói chuyện chuyên đề của các chuyên gia, giảng viên uy tín đến từ các cơ quan, tổ chức, trường đại học trong nước và quốc tế. Ngoài ra, NCS còn có cơ hội tham gia nghiên cứu cùng các giảng viên/nhóm nghiên cứu của trường gắn với các đề tài, dự án trong nước và quốc tế, từ đó, có được các bài báo khoa học chất lượng...”
Đội ngũ giảng viên với trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản từ các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài và có phương pháp giảng dạy, nghiên cứu hiện đại cũng là một nền tảng thuận lợi giúp đảm bảo chất lượng đào tạo của chương trình.
Hiện chương trình tiến sĩ chuyên ngành TCNH đang tuyển sinh và bước đầu nhận được sự quan tâm của các ứng viên, trong đó có những ứng viên nước ngoài. Điều này cho thấy, chương trình dù mới được xây dựng và triển khai nhưng đã tạo sự hấp dẫn không nhỏ trong xã hội.
>> Bạn đọc có thể tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình tại đây.


Văn Ba