Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Sự kiện định hướng nghề nghiệp và trải nghiệm phỏng vấn học bổng fulbright

Chiều ngày 09/12/2017 tại khách sạn Melia, chương trình Fulbright tại Việt Nam đã tổ chức sự kiện đặc biệt để đánh dấu 25 năm thành lập với sự góp mặt của các cựu Fulbrighters nổi bật. Sinh viên khoa Tài chính ngân hàng chất lượng cao rất may mắn đã có cơ hội đến tham gia chương trình, nghe Định hướng Nghề nghiệp và có Trải nghiệm Phỏng vấn Học bổng Fulbright.


Mở đầu sự kiện là phần trình bày về lịch sử hình thành, quá trình phát triển cũng như các thông tin về các chương trình học bổng Fulbright Việt Nam của chị Nga – Đại diện Fulbright Việt Nam và phần giao lưu, giải đáp các thắc mắc về chương trình. Dường như mọi người đều hứng thú và đặt ra những câu hỏi rất hay.

 

Phần trình bày của đại diện Fulbright Việt Nam

Phần được mong chờ, chú ý nhất của cả khán phòng chắc chắn phải kể đến cuộc trò chuyện, chia sẻ vô cùng quý báu của các anh chị cựu Fulbrighters đại diện đến từ các vùng miền của Việt Nam.

 

Các anh chị fulbrighters chia sẻ hành trình chinh phục học bổng

Đầu tiên, chị Mai Ngọc Châu – người đã biến giấc mơ trở thành nhà báo chuyên nghiệp thành hiện thực nhờ quá trình chinh phục Fulbright, qua chương trình học bổng Thạc sĩ do Fulbright tài trợ, chị đã làm việc tại một cơ sở Metro của Gatehouse Media New England và The Christian Monitor, nơi chị gia nhập đội biên tập trực tuyến viết những bài báo về khoa học và công nghệ. Tài sản vô giá mà chị thu về đó là network, cũng nhờ đó mà chị Châu được như bây giờ.

Trong khi đó, anh Phạm Thế Mạnh lại có những chia sẻ rất hài hước mà chân thực khi “không có một chút kiến thức về business” nhưng đã thành công trải qua vòng phỏng vấn mà có thể nói là rất khó để đạt được học bổng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA). Anh cho rằng học bổng du học đã cho anh cơ hội không chỉ học tập mà còn khám phá được những điều rất thú vị của nước Mỹ.

Cựu Fulbrighter thứ ba, cũng là người trẻ tuổi nhất, chị Trương Thị Giang Châu chia sẻ nhờ Fulbright và quá trình cố gắng không ngừng chị đã trở thành trợ giảng tiếng Việt ở Hoa Kỳ. Đây chính là cơ hội để chị có thể đưa nền văn hóa của Việt Nam đến với các bạn trên thế giới.

  

Câu hỏi về kinh nghiệm xin học bổng cho các Fulbrighters

Ngoài ra tại đây, các sinh viên đã có cơ hội phỏng vấn thử với hội đồng tuyển chọn của Fulbright cho 3 chương trình học bổng khác nhau: thạc sĩ, nghiên cứu/giảng dạy ngắn hạn và trợ giảng tiếng Việt tại Mỹ. Song song với đó, các cựu Fulbrighters – những người đang ở vị trí của các nhà tuyển dụng và có nhiều kinh nghiệm về tuyển dụng đã chia ra để có thể trò chuyện một cách trực tiếp, thân mật, cởi mở, chân thành với các sinh viên cũng như những ai quan tâm theo 06 nhóm ngành: Kinh doanh, NGO, Nghệ thuật, Báo chí, Giáo dục và Y tế công cộng.

Xuyên suốt cả buổi nói chuyện, các fulbrighters đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm, các kiến thức thú vị, bổ ích liên quan đến các công việc mà các bạn sinh viên quan tâm đến.

 

Sinh viên lớp QH 2016 E TCNH CLC chụp ảnh kỷ niệm với đại diện Fulbright Việt Nam.

Qua chương trình, các bạn sinh viên khoa Tài chính ngân hàng chất lượng cao chắc hẳn đã có những định hình mục tiêu và có những kế hoạch tốt hơn cho công cuộc chinh phục các học bổng. Cùng với đó thì các Fulbrighters kỳ cựu cũng đã giúp các bạn chọn được nghề nghiệp phù hợp với khả năng và đam mê của mình. Nhờ có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Khoa Tài chính ngân hàng mà sinh viên có cơ hội được đến học tập và giao lưu với các anh chị Fulbrighters.


Đỗ Phương ( QH2016 E TCNH CLC )