Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh 2021 và cơ hội rộng mở cho quan hệ hợp tác chiến lược đảm bảo phát triển bền vững của hai quốc gia

Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh; Vietnamese-UK Economics and Trade Forum 2021, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
Diễn đàn được tổ chức thành công với mục tiêu kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ.


Sáng ngày 21/10/2021, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (ICRAF-CIFOR Global), Hội Hữu nghị Việt Nam - Anh tổ chức “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh (Vietnamese-UK Economics and Trade Forum 2021) với hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự trực tiếp và qua kênh online song ngữ.

Tham dự Diễn đàn có PGS.TS Phạm Bảo Sơn - PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội; Ngài Gareth Ward - Đại sứ Anh tại Việt Nam; Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; Bà Mai Kim Liên - Phó cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT; TS.Nguyễn Quang Tân - Đại diện trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế; TS.Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch TW Hội hữu nghị Việt Nam - Anh; GS.TS. Mai Trọng Nhuận - Nguyên Giám đốc ĐHQGHN, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách của Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu; PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Anh; Đại diện Vụ Châu Âu, Bộ Ngoại giao; Các phòng công nghiệp và thương mại (VCCI, BritCham); các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức phát triển; các hiệp hội và hội nghề nghiệp; các nhà khoa học, các giảng viên các trường đại học.

 

PGS.TS Phạm Bảo Sơn, PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội

 

Ngài Gareth Ward, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam

 
PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Anh, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn

Đây là diễn đàn được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 48 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Vương quốc Anh, đánh dấu sự kiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA) chính thức có hiệu lực và sự kiện Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) tại Vương quốc Anh. Ngài Gareth Ward, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam đánh giá: “Phát triển bền vững là yếu tố quyết định của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam và Vương Quốc Anh. Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID, Việt Nam hiện vẫn là quốc gia thu hút nguồn vốn FDI và đảm bảo tốt việc phát triển bền vững trong các vấn đề như bảo vệ môi trường, bảo vệ con người.”

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Anh: “Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam và Anh, các nhà nghiên cứu, học giả quan tâm có thể trao đổi các vấn đề không chỉ để tận dụng hiệu quả cơ hội từ Hiệp định UKVFTA, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, người dân Anh và Việt Nam. Từ đó, diễn đàn đã đưa ra các ý kiến đóng góp, các khuyến nghị chính sách nhằm phát huy hơn nữa các lợi thế của Hiệp định UKVFTA, các khuyến nghị chính sách liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững.”

 

Diễn đàn có sự tham dự của hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế trực tiếp và qua kênh online song ngữ

Kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Anh có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển lớn

Tại phiên thảo luận chuyên đề với tiêu đề “Kinh tế, thương mại và đầu tư Việt - Anh”, các diễn giả thảo luận về những nội dung chính như thương mại bền vững giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, triển vọng UKVFTA cho Việt Nam nói chung và quan hệ thương mại, đầu tư với Vương quốc Anh nói riêng, cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Anh và Việt Nam, thách thức của đại dịch COVID-19 đến thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Theo TS. Nguyễn Quang Vinh (Tổng thư ký VCCI, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Anh), quan hệ đầu tư thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh hiện đang có một số điều kiện thuận lợi. Mối quan hệ giữa hai nước đã có lịch sử truyền thống lâu dài tạo nên nền tảng vững chắc với gần nửa thế kỷ kể từ khi hai quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã đón nhiều đoàn cấp cao của Vương quốc Anh sang trao đổi và làm việc góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.

 

TS Nguyễn Quang Vinh (Tổng thư ký VCCI, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Anh) cho biết quan hệ thương mại, đầu tư Việt - Anh đã đạt những dấu mốc quan trọng.

Trên thực tế, mối quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Vương quốc Anh đã đạt những dấu mốc quan trọng vào năm 2010 khi hai bên ký kết Thỏa thuận Đối tác Chiến lược và Hiệp định thương mại tự do UKVFTA vào tháng 12 năm 2020. Trong những năm gần đây, Anh là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Đức và Hà Lan.

Hiệp định UKVFTA là bước đi quan trọng của Việt Nam trong việc tiếp tục tích cực hội nhập quốc tế và đẩy nhanh, nâng tầm các hoạt động đối ngoại đa phương. Với nền tảng là những cam kết tiến bộ, tiêu chuẩn cao của UKVFTA, Hiệp định được kỳ vọng sẽ tiếp nối động lực thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư của hai bên trong những năm tới. Những cơ hội và lợi ích lớn nhất tạo ra từ hiệp định này phải kể đến là thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ta như: thủy sản, dệt may, da giày, hoa quả, gạo, gỗ…

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, thương mại song phương Việt Nam - Anh năm 2020 đạt 5,6 tỷ USD giảm gần 15% so với năm trước, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Anh đạt gần 5 tỷ USD, giảm 14% và nhập khẩu từ Anh đạt khoảng 687 triệu USD, giảm gần 20%. Nhờ tác động tích cực từ hiệp định UKVFTA, thương mại hai nước đã phục hồi rõ rệt sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 4,94 tỷ USD, tăng 18,57% so với cùng kỳ năm 2020.

Về đầu tư trực tiếp, Anh đứng thứ 15 trong tổng số 141 quốc gia hiện có đầu tư vào Việt Nam với 434 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,98 tỷ USD (lũy kế đến hết tháng 9/2021).

Những con số trên cho thấy, Vương quốc Anh từ nhiều năm qua vẫn luôn là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu và vẫn sẽ luôn là một thị trường có tiềm năng và dư địa phát triển lớn trong thời gian tới.

 

Vương quốc Anh là một trong những đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Âu

Kể từ khi đặt quan hệ ngoại giao chính thức, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký kết nhiều Hiệp định song phương nhằm thúc đẩy mối quan hệ toàn diện về kinh tế, chính trị và văn hóa. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu (sau Đức và Hà Lan). UKVFTA được ký kết vào ngày 29/12/2020 và chính thức có hiệu lực vào năm 2021. UKVFTA được dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong EVFTA với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.

Tại diễn đàn, những vấn đề về chính sách, rào cản thương mại, xúc tiến thương mại và đầu tư đã được các nhà khoa học đưa ra thảo luận, từ đó khai mở những cơ hội và thách thức đối với quan hệ kinh tế thương mại Việt - Anh từ UKVFTA như thuế quan, phi thuế quan, phát triển bền vững, quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ đầu tư.

 

Doanh nghiệp bền vững và nền kinh tế cacbon thấp - vấn đề nóng của nhiều quốc gia

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Khu vực ven biển và đồng bằng, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng, xâm nhập mặn và các hiểm họa liên quan đến khí hậu như bão và áp thấp nhiệt đới, lũ lụt, hạn hán. Khu vực miền núi cũng thường xuyên bị lũ quét và sạt lở đất với tần suất ngày càng gia tăng.

Để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, bên cạnh việc tích cực lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch quốc gia, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, Việt Nam cũng đã tích cực tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính. Nhằm thực hiện mục tiêu phát thải khí nhà kính, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu, đã giao Chính phủ quy định chi tiết Điều 91 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, Điều 92 về bảo vệ tầng ô-dôn và Điều 139 về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã tích cực tham gia vào các cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ song phương và đa phương nhằm tạo các kênh thu hút đầu tư từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, như Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) và các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ tự nguyện khác. Qua đó, doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm kinh nghiệm, chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam.

 

TS. Nguyễn Quang Tân, Đại diện trưởng, Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế

Tháng 11/2021, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP 26) tại Glaslow, Scotland. COP 26 được coi là cơ hội và hi vọng cuối cùng để kìm hãm sự nóng lên của Trái Đất như Thoả Thuận Paris đã được thế giới thông qua vào năm 2015 với kì vọng giảm nhiệt độ nóng lên toàn cầu dưới mức 1,5-20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và xã hội của Việt Nam sẽ kết nối với Vương quốc Anh với tư cách nước chủ trì COP 26 nhằm thúc đẩy các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật, xã hội hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững và Cam kết tự nguyện quốc gia (NDC) để có thể đạt được mục tiêu giảm phát thải trong Thỏa thuận Paris.

 

Hiện nay, phát triển bền vững doanh nghiệp là quá trình thực hiện mục tiêu trở thành doanh nghiệp bền vững. Doanh nghiệp được kỳ vọng trở thành “công dân doanh nghiệp” với những liên hệ chặt chẽ hơn với môi trường và xã hội, áp lực lớn hơn trong việc giảm thiểu suy thoái môi trường, bất bình đẳng và bất công bằng trong xã hội. Các nhà đầu tư sẽ đánh giá doanh nghiệp trên các yếu tố: dấu chân carbon, lượng nước sử dụng trong sản xuất, nỗ lực phát triển cộng đồng và bảo toàn đa dạng sinh học. Bởi vậy, phát triển bền vững là chìa khóa giúp doanh nghiệp thực hiện vai trò đóng góp và nền kinh tế carbon thấp.

 

Những khuyến nghị chính sách về quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương Quốc Anh hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững

Tại diễn đàn, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới. Đó là việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong các các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTAs) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định UKVFTA, bổ sung các cam kết quốc tế về quy định an toàn thực phẩm và môi trường. Các bên cần đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các chuỗi cung ứng toàn cầu dựa trên các FTAs.

Hai bên đang có mối quan tâm chung về một số mục tiêu phát triển bền vững, do đó cần hướng tới một số lĩnh vực ưu tiên như năng lượng sạch, công nghệ cao, giáo dục, đào tạo…Bên cạnh đó, cần tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác quốc tế lớn giữa Việt Nam và Anh, tổ chức các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam từ UKVFTA, thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm tư vấn cung cấp thông tin về thương mại và đầu tư Việt - Anh.

Bên cạnh những thảo luận của các chuyên gia và học giả, Diễn đàn Kinh tế, thương mại Việt - Anh không chỉ cung cấp cho các bên có liên quan về góc nhìn toàn cầu, những cơ hội, thuận lợi và khó khăn cho các quốc gia trong đó có UK và Việt Nam trong nỗ lực giảm phát thải, thích ứng và giảm thiểu biến đối khí hậu song hành với phát triển bền vững và an sinh xã hội mà còn đưa ra các đề xuất chính sách để các quốc gia có thể xem xét trong tương lai.

 

 Diễn đàn đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách về quan hệ kinh tế và thương mại Việt Nam – Vương Quốc Anh hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững

 

Ra mắt ấn phẩm đặc biệt: “Việt Nam và Vương quốc Anh: Quan hệ kinh tế - thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững”

Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN ra mắt cuốn sách “Việt Nam và Vương quốc Anh: Quan hệ kinh tế – thương mại hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững”. Cuốn sách dày khoảng 720 trang, gồm 34 chương được cấu trúc theo 3 nhóm chủ đề: Hợp tác thương mại, đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 1); phát triển nền kinh tế tuần hoàn, nền kinh tế cacbon thấp định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 2); hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo hướng nghiệp, khoa học và công nghệ tại Việt Nam và Vương quốc Anh (phần 3).

 Đặc biệt, cuốn sách sẽ cung cấp cho người đọc thông tin tổng hợp về thực trạng, bài học kinh nghiệm và những hàm ý chính sách của Việt Nam và Vương quốc Anh trong tất cả các lĩnh vực hợp tác phát triển, đặc biệt là những cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam - Anh đi vào chiều sâu, hiệu quả trong khuôn khổ hiệp định UKVFTA. Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các giảng viên, các chuyên gia, các nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam và Vương quốc Anh. Sách do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Anh, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn làm chủ biên.

 

 

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN giới thiệu ấn phẩm “Việt Nam và Vương quốc Anh: quan hệ kinh tế - thương mại hướng tới nền kinh tế cacbon thấp và phát triển bền vững” do PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê làm chủ biên.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê chia sẻ: “Vương quốc Anh giữ một vị trí quan trọng trong tâm trí và trái tim tôi. Đây là nơi đã dìu dắt tôi trong những năm tháng của tuổi trẻ, cho tôi những tri thức quý báu để giờ đây, khi giữ trọng trách là Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Anh, bằng tất cả tâm huyết của mình cùng tập thể cán bộ nhà trường, tôi mong muốn diễn đàn và ấn phẩm này sẽ góp phần thiết thực vào bồi đắp, phát triển sâu rộng hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh…”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, trong bối cảnh cơ hội và thách thức đặt ra với cả hai bên, “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh” đã tổ chức thành công với 4 mục tiêu: Kết nối các đối tác thương mại, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam và Vương quốc Anh nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên gắn với giáo dục, đào tạo và khoa học công nghệ; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội; Đánh giá thực trạng và tìm kiếm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường góp phần tháo gỡ các rào cản thương mại đầu tư hiện nay và tăng cường hợp tác quốc tế; Cung cấp những luận cứ khoa học, các giải pháp chính sách, tài chính, kĩ thuật và xã hội hướng tới mục tiêu phát triển nền kinh tế phát thải thấp, hỗ trợ Việt Nam và các quốc gia khác thực hiện Thỏa thuận Paris đồng thời đóng góp cho những kiến nghị của Việt Nam tại COP 26.

Việc tổ chức “Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh” đã khẳng định năng lực kết nối và tổ chức các hội thảo mang tầm cỡ quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, là điểm đến quy tụ nhiều nhà khoa học, nhà chính sách, doanh nghiệp, tổ chức. Trước đó, vào tháng 11/2020, Trường Đại học Kinh tế đã tổ chức thành công Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Đức, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng khoa học và các tổ chức.

 

Báo chí đưa tin về sự kiện:

VTV1: Bản tin Tài chính kinh doanh

Truyền hình Nhân dân: Bản tin

Đại học Quốc gia Hà Nội: Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt – Anh với giải pháp phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Cổng thông tin đối ngoại: Diễn đàn kinh tế và thương mại Việt - Anh bàn giải pháp phát triển bền vững

VTC News: Việt Nam - Vương Quốc Anh hợp tác phát triển kinh tế và ứng phó biến đổi khí hậu

Tạp chí Thời đại (Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam): Việt Nam - Vương Quốc Anh: hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và phát triển bền vững


Thùy Dung, Quang Trung – UEB Media