Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Khó khăn trong bối cảnh mới: Cơ hội nào cho hoạt động kinh tế quốc tế?

Webinar quốc tế với chủ đề “Các biến động của kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới” được tổ chức bởi khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã diễn ra vào ngày 24/08/2021 vừa qua với sự tham dự của gần 200 khách mời là giảng viên, sinh viên, các học giả trong nước và quốc tế.


Trong bối cảnh toàn cầu hoá với mức độ hội nhập ngày càng cao, nền kinh tế thế giới đang ngày càng mở rộng cùng với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ số. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nền kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động khi phải đối mặt với các khó khăn từ các cú sốc kinh tế do sự bùng phát của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Bên cạnh đó, những yếu tố như chiến tranh thương mại, thiên tai, xung đột, bạo động, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, sự thay đổi trong chiến lược của các nước lớn… đã gây ra những tác động lớn đến nền kinh tế thế giới. Điều này đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp và chính phủ các nước khi cần nỗ lực để duy trì và phát triển nền kinh tế, đồng thời tận dụng các cơ hội phát triển để vươn lên trong bối cảnh nhiều biến động này với những chính sách và chiến lược phù hợp.

 Từ thực tế đó, Webinar quốc tế với chủ đề “Các biến động của kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới” được tổ chức bởi Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã được tổ chức và là diễn đàn để các nhà nghiên cứu kinh tế, nhà quản lý kinh tế, các học giả, các giảng viên, học viên, sinh viên cùng trao đổi kinh nghiệm, quan điểm, kiến thức, đưa ra các giải pháp thiết thực trong vấn đề khắc phục khó khăn và nắm bắt các cơ hội trong hoạt động kinh tế quốc tế từ những khó khăn trong bối cảnh mới.

 

PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu khai mạc Webinar

Webinar vinh dự đón các diễn giả chính, gồm: Giáo sư Craig Parsons, Khoa Kinh tế học – Trường Đại học quốc gia Yokohama, Nhật Bản; Ông Daniel Dobrev, Phòng Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Cộng hoà Bungari tại Việt Nam; Thạc sĩ Lương Hữu Lâm, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Về phía trường ĐH Kinh Tế có PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Nhà trường ; PGS.TS Hà Văn Hội - Chủ nhiệm Khoa KT&KDQT; các thầy cô giảng viên trong trường cùng toàn thể học viên cao học, sinh viên Khoa KT&KDQT.

 

 Giáo sư Craig Parsons, Khoa Kinh tế học – Trường Đại học quốc gia Yokohama

Mở đầu buổi Webinar, GS Kinh tế. Craig Parsons đã đi sâu phân tích chủ đề “Các FTA của Nhật Bản và tác động của chúng trong quá khứ, hiện tại và tương lai”. Ông là thành viên tích cực của Hiệp hội Kinh tế Đông Á và là Tổng biên tập của Tạp chí Kinh tế Châu Á. Với 20 năm kinh nghiệm làm việc cùng với nhiều nghiên cứu chuyên sâu, giáo sư đã đưa ra các nhận định về tác động của các hiệp định thương mại tự do của Nhật Bản. Theo giáo sư, trong các FTA Nhật bản đã ký kết thì FTA với Việt Nam năm 2009 là FTA có cam kết sâu nhất cho đến thời điểm hiện tại. Đặc biệt, các FTA của Nhật Bản nhìn chung có rất ít ảnh hưởng bởi vì các mức thuế quan trung bình tại Nhật Bản đã tương đối thấp. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn tham gia ký kết nhiều FTA vì nhiều lợi ích khác nhau ngoài hưởng lợi từ hàng hoá rẻ hơn. Sự đa dạng hàng hoá trong thị trường và hoạt động thương mại quốc tế chính là một lợi ích quan trọng đối với Nhật Bản. Do đó, Ông khẳng định khó khăn đi cùng với thách thức, nhưng cũng nảy sinh nhiều cơ hội. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, tham gia FTA là một con đường để giúp các quốc gia đón nhận các cơ hội mới.

 

Ông Daniel Dobrev, Phòng Kinh tế Thương mại, Đại sứ quán Cộng hoà Bungari tại Việt Nam

Tiếp theo Webinar là chủ đề “Hoạt động đầu tư của Bulgaria: Các cơ hội trong những khó khăn từ 2021 trở đi” được trình bày bởi Ông Daniel Dobrev, một nhà ngoại giao người Bulgaria có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Ngoại giao kinh tế trên thế giới. Hiện ông đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên Thương mại tại Đại sứ quán Bulgaria tại Hà Nội và tham gia thực hiện nhiều dự án để hỗ trợ Việt Nam phát triển. Với những kinh nghiệm ngoại giao kinh tế cùng với kinh nghiệm từng làm Giám đốc quỹ đầu tư của Mỹ tại Châu Âu, ông đã đưa ra những phân tích sâu về các thế mạnh của Bulgaria trong thu hút đầu tư nước ngoài, các cơ hội và các lĩnh vực mà Bulgaria nên tập trung đầu tư tại thời điểm này. Đặc biệt, tại thị trường Việt Nam, các lĩnh vực tiềm năng để Bulgaria đầu tư là nông nghiệp, IT và dịch vụ. Trong bài thuyết trình, ông Dobrev đặc biệt có nhấn mạnh đến tầm quan trọng và tiềm năng phát triển của các ngành dịch vụ. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nên quan tâm trong thời điểm này. Ông cũng đưa ra những gợi ý cho Việt Nam để phát triển kinh tế và thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư trong thời gian tới như nâng cao giá trị gia tăng của hàng hoá, khuyến khích vai trò của nhà nước và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác công tư (PPP).

 

  ThS. Lương Hữu Lâm, giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường ĐHKT - ĐHQGHN

Tiếp cận từ góc độ doanh nghiệp, Thạc sĩ Lương Hữu Lâm đã mang đến cho Webinar một chủ đề rất thực tế và cập nhật là “Cách các nhà bán lẻ thời trang có thể vượt qua Khủng hoảng Covid-19 tại Việt Nam: trường hợp của Tập đoàn Giovanni”. Với kinh nghiệm học tập và làm việc tại Châu Âu nhiều năm trong ngành thời trang xa xỉ cũng như từng giữ vị trí Giám đốc thương hiệu và Phó Tổng giám đốc tại Tập đoàn Giovanni, ông đã phân tích các chiến lược Giovanni đã thực hiện tại thị trường Việt Nam để vượt qua những khó khăn từ đại dịch Covid-19 và biến khó khăn thành cơ hội để duy trì và phát triển. Theo phân tích của ông Lâm, bên cạnh nhưng giải pháp ngắn hạn như các chiến dịch giảm giá sản phẩm, Giovanni đã thực hiện các chiến lược trung và dài hạn. Cụ thể, Giovani đã giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp trên toàn cầu khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy bằng cách chủ động trong sản xuất bằng các cơ sở sẵn có và đặc biệt là đẩy mạnh thương mại điện tử để đón nhận các cơ hội mới từ đại dịch. Thông điệp mà ThS.Lương Hữu Lâm đưa ra với các doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng là: cần hành động nhanh, áp dụng công nghệ số và luôn có phương án dự phòng để chủ động trong mọi tình huống.

 

 TS. Vũ Thanh Hương - Phó chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế

Các chủ đề trong chương trình nhận được sự quan tâm của rất nhiều người tham dự thông qua các câu hỏi và phản hồi tích cực. Đây được coi là một diễn đàn giúp cho các nhà nghiên cứu và quản lý chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm về những cách thức vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, Webinar quốc tế cũng là một sự kiện có ý nghĩa đối với các sinh viên và học viên khi có cơ hội tham gia vào các sự kiện quốc tế để có thêm nhiều góc nhìn mới, trải nghiệm mới trong quá trình tìm kiếm và khám phá tri thức.

  

 Webinar đã thu hút sự quan tâm của nhiều giảng viên, nhà nghiên cứu trong và ngoài Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Thông tin các diễn giả:

· Giáo sư Craig Parsons là Giáo sư Kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama (YNU), là người Mỹ nhưng ông đã làm việc tại YNU từ năm 2001. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của ông là thương mại thực nghiệm và tổ chức công nghiệp thực nghiệm. Ông là thành viên tích cực của Hiệp hội Kinh tế Đông Á và là Tổng biên tập của Tạp chí Kinh tế Châu Á.

· Ông Daniel Dobrev: là nhà ngoại giao người Bulgaria có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực Ngoại giao kinh tế trên thế giới. Ông đã được bổ nhiệm làm Ủy viên Thương mại tại Ý, Áo, Croatia, Hoa Kỳ và các quốc gia khác. Hiện ông đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên Thương mại tại Đại sứ quán Bulgaria tại Hà Nội và có quan hệ hợp tác hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam. Daniel từng là giám đốc quỹ đầu tư của Mỹ tại Châu Âu, từng làm việc tại Viện Dự án Nghiên cứu Phát triển ở Bulgaria, một tổ chức nhà nước ở Bulgaria, kinh doanh trong lĩnh vực CNTT (giao thức IP, dự án R&D, điều phối lĩnh vực CNTT và an ninh mạng).

·  Thạc sĩ Lương Hữu Lâm: hiện là giảng viên bộ môn Kinh tế Quốc tế, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế. Lương Hữu Lâm có 3 bằng thạc sĩ: Quản trị Kinh doanh (MBA), Khoa học về Quản lý (MSc.), Nghiên cứu khoa học (MRes) và hiện là Nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học Paris 1 Panthéon Sorbonne với đề tài nghiên cứu về Thị trường xa xỉ phẩm với nhân tố Phát triển bền vững. Ông Lâm từng giữ vị trí Giám đốc thương hiệu và Phó Tổng giám đốc tại Giovanni Group.

 
Tin bài liên quan: 
 

Phạm Thị Phượng - Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế


Các tin khác