Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Mở khoá sức mạnh của giáo dục trực tuyến: Cơ hội và chiến lược cho giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh Covid-19

Đây là chủ đề của workshop giữa Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN và Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore – trường đại học có nhiều đột phá và thành tựu trong quá trình số hóa giáo dục. Tại đây, các nhà khoa học đã phân tích thực trạng số hóa của giáo dục Việt Nam trong bối cảnh Covid 19; kinh nghiệm và bài học từ chuyển đổi số tại Singapore, Trung Quốc, Ấn Độ cho Việt Nam.


Workshop được tổ chức vào ngày 14/5/2021 đã thu hút sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới. Về phía Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo khoa Kinh tế chính trị, cùng các giảng viên khoa Kinh tế Chính trị; về phía Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore có sự tham dự của PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên đồng thời cũng là cố vấn của nhóm diễn giả tham gia tham luận.
 Các diễn giả đến từ Singapore, Malaysia, Việt Nam
Các diễn giả đã tập trung trình bày các vấn đề chính như giải thích các thuật ngữ mới về chuyển đổi số; thực trạng chuyển đổi số cũng như những thách thức và cơ hội cho các trường đại học tại Việt Nam, các khuyến nghị quan trọng về quản trị và quy chế dành cho giảng dạy trực tuyến, chiến dịch truyền thông, phương pháp phân tích benchmarking, đào tạo trong vấn đề chuyển đổi số giáo dục đại học cho chính phủ Việt Nam...
Các khuyến nghị được chia ra các cấp độ để áp dụng phù hợp với bối cảnh COVID-19 tại Việt Nam và tiềm lực của từng trường đại học. Trong đó, các vấn đề về quản trị, quy tắc và chiến dịch truyền thông được ưu tiên ở cấp độ quốc gia bởi đây là giải pháp trọng tâm trong việc dẫn dắt sáng kiến toàn quốc về tăng cường áp dụng và sử dụng hiệu quả công nghệ trong giáo dục đại học. Với phương pháp phân tích benchmarking tại các quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, kết quả cho thấy chuyển đổi số thành công được củng cố bởi mức độ đầu tư vào giáo dục và đào tạo, khả năng học hỏi không ngừng của nhà trường và quốc gia. Bài học thành công của các quốc gia khác với những thành tựu về số hoá giáo dục cho thấy họ đã đầu tư không ngừng vào nghiên cứu, phát triển các phương thức học tập và đánh giá kết quả học tập trực tuyến.
 Phương pháp phân tích benchmarking được trình bày trong nội dung workshop
Thạc sĩ Trần Phương Chi - giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN với chủ đề tham luận: “Các bài học từ quốc tế hóa và mối liên hệ giữa quốc tế hóa và chuyển đổi số trong bối cảnh giáo dục đại học” đã nêu rõ 3 luận điểm nổi bật. Đó là: quốc tế hoá giáo dục đại học được coi như một chiến lược mở rộng cộng đồng tri thức và chuyển đổi số trở thành công cụ hữu dụng cho chiến lược đó; quốc tế hoá cần những tiêu chuẩn như kiểm định giáo dục và chuyển đổi số là một trong những tiêu chí cho việc cải tiến liên tục của giáo dục đại học; quốc tế hoá luôn cần những chương trình trao đổi học thuật. Để ứng phó với đại dịch, những chương trình trao đổi online đã được thực hiện trên nền tảng số, trở thành cơ hội trao đổi học thuật đắt giá cho những sinh viên không đủ khả năng chi trả cho những chương trình trao đổi trực tiếp.
 Thạc sỹ Trần Phương Chi, giảng viên khoa Kinh tế Chính Trị,Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN
Tại workshop, PGS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore đồng thời cũng là cố vấn của nhóm nghiên cứu về chuyển đổi số trong giáo dục cho rằng: “Trong thiết kế và thực thi chính sách cần tiến hành đồng bộ cả 4 khuyến nghị, tuy nhiên khuyến nghị về Benchmarking (hiểu rõ trường mình đang ở đâu so với các trường ở các nước khác) có tác động lan tỏa lớn nhất về cả nhận thức và chiến lược.”
 PGS.TS Vũ Minh Khương – Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore
PGS.TS Nguyễn Anh Thu – Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN
Đánh giá cao những giải pháp gợi ý của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu cũng như các trường đại học khác trên thế giới, PGS.TS Nguyễn Anh Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mong muốn kết quả nghiên cứu và trao đổi tại workshop này sẽ góp phần mang lại thành công cho chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam, đặc biêt trong tình hình dịch COVID-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp.
 

Bài và ảnh: Thanh Mai – Quang Trung – UEB Media


Các tin khác