Tại Hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam – Động lực phát triển kinh tế của đất nước” diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh sáng 29/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mặc dù còn nhiều khó khăn trước sức ép lạm phát và lãi suất tăng nhưng các ngân hàng đều đã đồng thuận trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực và đối tượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2016, NHNN đã tổ chức, triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và tiền tệ.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định (lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,2-0,3%/năm nhưng mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định và hiện dao động từ 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung dài hạn; Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định sau khi NHNN chuyển sang cách thức điều hành mới, NHNN mua ngoại tệ trở lại để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước; Tín dụng đã lưu thông trở lại và tăng ngay từ đầu năm, góp phần cung ứng vốn cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế (tính đến 20/4/2016, tín dụng tăng 2,99% so với cuối năm 2015 và cao hơn cùng kỳ các năm trước); An toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) được bảo đảm, hệ thống tiếp tục thực hiện các bước tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Những diễn biến tích cực về tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian qua đã góp không nhỏ vào việc ổn định môi trường kinh tế vĩ mô nói chung cũng như môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng của doanh nghiệp.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi như đã nêu trên, kinh tế vĩ mô, tiền tệ đang nổi lên một số vấn đề, đặt ra thách thức cho Chính phủ và NHNN trong việc điều hành.
Tăng trưởng kinh tế có biểu hiện chậm lại (quý I/2016 chỉ đạt mức tăng 5,46%, thấp hơn mức 6,12% của quý I/2015; với những khó khăn về tình trạng thời tiết hạn hán, ngập mặn, để đạt được tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu 6,7% hết sức khó khăn.
Chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 1,33% so với cuối năm 2015 và tăng 1,89% so với cùng kỳ, là xu hướng tăng nhanh hơn so với cùng kỳ các năm gần đây và cả năm có thể vượt mục tiêu 5% nếu giá lương thực và giá dầu tăng nhanh trở lại, nguy cơ khủng hoảng lương thực thế giới, giá các mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh tăng theo lộ trình.
Tín dụng tăng ngay từ đầu năm hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế nhưng tín dụng trung dài hạn và tín dụng vào lĩnh vực bất động sản đang có xu hướng tăng nhanh (Tính đến ngày 20/4, tín dụng trung dài hạn tăng 5,55% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng 55%; tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 3,92% so với cuối năm 2015 và chiếm tỷ trọng 8,51%) ; lãi suất huy động tăng nhẹ và có thể tiếp tục chịu sức ép tăng trong thời gian tới; tỷ giá và thị trường ngoại hối cơ bản ổn định nhưng diễn biến kinh tế thế giới khó lường, nhập siêu quay trở lại khi cầu trong nước tăng lên, tín dụng tăng cao...
Các NH đồng thuận trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp
Trước bối cảnh nêu trên, để thực hiện quyết tâm của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7% đồng thời đảm bảo kiểm soát mục tiêu lạm phát dưới 5% như Quốc hội đề ra, thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, tập trung vào một số định hướng sau:
Một là, theo dõi sát mặt bằng lãi suất, diễn biến tín dụng, tình hình thanh khoản của hệ thống cũng như từng TCTD để chủ động thực hiện đồng bộ các công cụ và giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.
Hai là, kêu gọi các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có thể hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp. Vừa qua, NHNN tổ chức họp với các ngân hàng thương mại, tại cuộc họp này, mặc dù còn nhiều khó khăn trước sức ép lạm phát và lãi suất tăng nhưng các ngân hàng đều đã đồng thuận trong việc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay ở một số lĩnh vực và đối tượng.
Ba là, điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ để không tạo sức ép lên mặt bằng lãi suất; kịp thời cảnh báo các TCTD có tín dụng tăng trưởng cao, nhất là đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, các TCTD có tỷ lệ tín dụng trên huy động vốn và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức cao...;
Bốn là, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, nâng cao vị thế đồng Việt Nam; trường hợp có biến động lớn, thực hiện can thiệp kịp thời, kết hợp cùng các giải pháp phù hợp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối;
Năm là, tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống TCTD và xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo hoạt động của hệ thống các TCTD an toàn, hiệu quả.
Sáu là, ngay sau cuộc đối thoại này, NHNN sẽ ban hành chỉ thị để chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống triển khai các giải pháp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định lãi suất cho vay và đảm bảo an toàn hệ thống.
Thời gian qua và tại Hội nghị này, NHNN nhận được phản ánh của các doanh nghiệp kiến nghị các vấn đề, chủ yếu liên quan tới tiếp cận tín dụng, giảm lãi suất, tiếp tục cho vay ngoại tệ, lộ trình thực hiện thông tư 36...
Trên cơ sở kiến nghị này, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới, Thống đốc cho hay, NHNN sẽ chỉ đạo các đơn vị trong hệ thống tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với các TCTD, tiếp tục điều hành để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Đối với cho vay ngoại tệ, từ 31/3/2016, NHNN không cho phép các TCTD được tự quyết định cho vay đối với nhu cầu vốn ngắn hạn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thời gian tới, NHNN sẽ xem xét đối với các đề nghị của TCTD cho vay đối với các nhu cầu thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với dự thảo Thông tư 36 về dự kiến sửa đổi quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, hệ số rủi ro đối với các khoản tín dụng bất động sản, NHNN sẽ cân nhắc, xem xét về mức độ và có lộ trình áp dụng phù hợp.
Nhiều ngân hàng tuyên bố giảm lãi suất cho vay
Ngay trong thời điểm diễn ra Hội nghị Đối thoại Thủ tướng với doanh nghiệp này, nhiều ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất ngắn hạn bắt đầu từ 29/4.
Thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính Phủ về việc điều chỉnh lãi suất cho vay với doanh nghiệp và chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nghiên cứu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV cho biết: "Trong ngày hôm nay (29/4), chúng tôi cam kết đối với các khoản vay kỳ hạn ngắn lãi suất cho vay giảm 0,5 điểm %; đối với lãi suất trung và dài hạn là dưới 10%."
Trong khi đó, cũng trong sáng 29/4, Vietcombank thông báo điều chỉnh mức ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn VND về tối đa 10%/năm trong thời gian một năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh; đồng thời Vietcombank cung cấp gói ngân sách khoảng 300 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp trong phương án kinh doanh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Vietinbank cũng phát đi thông cáo sẽ giảm lãi suất cho vay, theo đó với những dự án được đánh giá tốt sẽ giảm lãi suất cho vay 1%/năm so với mặt bằng hiện nay, đối với dự án sản xuất kinh doanh đầu tư trung và dài hạn lãi suất cho vay sẽ không vượt quá 10%/năm. Ngân hàng Agribank cũng đã triển khai cho vay ưu đãi với lãi suất thấp…
Không chỉ những ngân hàng quốc doanh đã tiên phong trong cuộc hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất vay, hỗ trợ doanh nghiệp của Thủ tướng Chính phủ, NHNN mà ngay cả những ngân hàng cổ phần cũng đã bắt đầu nhập cuộc.
TPBank vừa công bố dành 5.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp với mức lãi suất ưu đãi từ 6,9%/năm. Đối tượng được hưởng ưu đãi là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán quốc tế tại ngân hàng này và các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ, bên cạnh đó tư vấn, linh động thủ tục và rút ngắn thời gian chuẩn bị hồ sơ nhằm tạo điều kiện để gói ưu đãi này sớm đi vào cuộc sống.
Trong cuộc họp giữa NHNN với các NHTM, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết các NHTM đã có sự đồng thuận, dự kiến giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 0,3% - 0,5%/năm và giảm lãi suất trung và dài hạn xuống dưới 10%. Như vậy, với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cơ quan điều hành, các doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội để tiếp cận được nguồn vốn với chi phí lãi rẻ hơn, tháo gỡ dần và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.