Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 29/02/2016, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2/2016 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.


Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và hai tháng đầu năm 2016 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực; các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì được sự ổn định, lạm phát được điều hành theo mục tiêu; tổng dư nợ tín dụng tăng lên; xuất khẩu 2 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ và có xuất siêu; các ngành kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, sản xuất ở các khu vực kinh tế đều tốt, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp tuy bị ảnh hưởng bởi thiên tai song vẫn giữ được sự ổn định và phát triển; khu vực dịch vụ, du lịch có nhiều khởi sắc; công tác văn hóa, y tế, giáo dục, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trong 2 tháng đầu năm được triển khai toàn diện, hiệu quả.

Ngoài những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn mà các bộ, ngành, địa phương cần sức quan tâm, xử lý, khắc phục. Theo nhiều dự báo, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng chậm và chứa đựng nhiều rủi ro, thách thức; thương mại toàn cầu dự báo sẽ giảm dẫn đến tình trạng cạnh tranh sẽ rất quyết liệt về đầu tư và xuất khẩu; cùng với đó, giá dầu thô xuống thấp và có diễn biến phức tạp, khó lường…

Do vậy, để khắc phục hạn chế, khó khăn, cần đề ra các giải pháp hiệu quả để ứng phó, bảo đảm nhanh nhất, có lợi nhất và phải luôn luôn cố gắng giành được thế chủ động, không được để bị động, bất ngờ; phải hạn chế thấp nhất khó khăn thách thức, thậm chí là phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, thành thuận lợi, hành động để phát triển.

Về các nhiệm vụ cụ thể triển khai trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết số 01 của Chính phủ. Trong đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là thị trường xuất khẩu đối với những mặt hàng chủ lực, thế mạnh của Việt Nam.

Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tăng thu ngân sách; thắt chặt chi tiêu; triệt để thực hành tiết kiện, chống lãng phí; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách. Thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vốn đầu tư trung hạn, trái phiếu Chính phủ…

Thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn nữa các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thúc đẩy phát triển y tế, văn hóa, giáo dục gắn liền với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội…


Theo http://www.sbv.gov.vn