Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội nghị triển khai Chỉ thị 03/CT-NHNN của Thống đốc NHNN và dự kiến kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng đến năm 2020

Ngày 2/6/2015, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường & xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; dự kiến kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của ngành Ngân hàng đến năm 2020.


Hội nghị do Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến, chủ trì. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các đơn vị tại Hội sở chính NHNN, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố (63 chi nhánh), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường), Bộ Tài nguyên và Môi trường (Tổng Cục Môi trường) và các tổ chức quốc tế như GIZ Việt Nam; IFC Việt Nam; Cục Liên bang kinh tế Thụy Sĩ (SECO) Việt Nam; Quỹ Bảo vệ môi trường...

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu, tình hình cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, môi trường ô nhiễm đang ảnh hưởng đến sự ổn định môi trường sống của con người, đây là vấn đề mà tất cả các quốc gia quan tâm. Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật các kịch bản đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao đang được Chính phủ quan tâm. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu cũng nhấn mạnh mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sự phát triển bền vững, đồng thời thừa nhận biến đổi khí hậu là một thách thức chung, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, bao gồm Chính phủ, khu vực tư nhân, các tổ chức xã hội và các tổ hợp địa phương.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng lần thứ XI năm 2011 đã khẳng định: Nền kinh tế Việt Nam phát triển kinh tế thị trường gắn với giải quyết hài hòa các vấn đề xã hội, môi trường, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng cho xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội thông qua chứa đựng nhiều nội dung quan trọng về sự phát triển bền vững, gắn phát triển với kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường. Một trong những nội dung được thảo luận và thống nhất tại Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI vừa qua liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, tài nguyên, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường đã đưa ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2020 Việt Nam chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ cường độ, giảm khí thải nhà kính, kiềm chế ô nhiễm môi trường, duy trì cân bằng sinh thái hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1393/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Tăng trưởng xanh được xác định là phương thức thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế theo định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính thông qua các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hiện đại, phát triển hạ tầng để cải thiện tính hiệu quả của nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần giảm nghèo và tạo động lực tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 403/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Theo nhiệm vụ tại Kế hoạch này, NHNN được giao hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực hoạt động tài chính, tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ cho tăng trưởng xanh. Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN ngày 24/3/2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, đồng thời cũng đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng nhằm góp phần và hỗ trợ thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia. Đây được coi là những bước đi đầu tiên trong định hướng hoạt động ngân hàng hướng tới mục tiêu Quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Hoạt động của các tổ chức tín dụng của Việt Nam trong những năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế đã có nhiều hoạt động nhằm thực hiện các chương trình tín dụng để hướng tới thực hiện theo các tiêu chuẩn tín dụng xanh và bảo vệ môi trường.

Phó Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn, Hội nghị này không chỉ giới thiệu các nội dung liên quan đến Chương trình phát triển tín dụng xanh, Chỉ thị 03/CT-NHNN của NHNN và biện pháp triển khai của NHNN, mà còn là dịp để các tổ chức cùng nhau trao đổi chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến tăng trưởng xanh để các bên triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Toàn cảnh Hội nghị

Tiến sĩ Michael Krakowski - Cố vấn trưởng Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh (GIZ) chia sẻ, việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của tất cả các cơ quan. Việc ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN của NHNN là thực sự cần thiết, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ, kịp thời của NHNN đối với tăng trưởng xanh. Theo Chỉ thị này thì ngành Ngân hang cần phải chú ý đến các vấn đề về bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, hiệu quả năng lượng trong quá trình cung cấp tín dụng cho các ngành kinh tế, cần phải ưu tiên tín dụng cho những doanh nghiệp tích cực trong việc bảo tồn phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các tổ chức tín dụng cũng phải thiết lập và thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và khuyến khích các hoạt động kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và xã hội. Chỉ thị 03 cũng nhằm thúc đẩy các hoạt động tự nguyện khu vực ngân hang theo hướng đi phù hợp, minh bạch quá trình triển khai các biện pháp này cũng rất hữu ích để mở rộng phạm vi áp dụng của Chỉ thị.

Tiến sĩ Michael Krakowski cho biết thêm: Trên thực tế, trước khi NHNN ban hành Chỉ thị này thì một số ngân hàng trong nước cũng đã thể hiện mối quan tâm tới tín dụng xanh thông qua áp dụng hệ thống quản lý rủi ro môi trường - xã hội và tích hợp hệ thống này vào trong quy trình, thủ tục cấp tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, sẽ phải có một thời gian để thấy tín dụng xanh trở thành thông lệ chung của ngành Ngân hàng và một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công đó, theo Tiến sĩ Michael Krakowski là phải sự phối hợp hiệu quả của cơ quan Chính phủ, ngoài ra là nâng cao nhận thức và phát triển năng lượng cũng rất là quan trọng để triển khai chính sách này. Chính phủ CHLB Đức thông qua GIZ cam kết tiếp tục đồng hành cùng các đối tác trong quá trình này và tích cực hỗ trợ khu vực tài chính Việt Nam để đáp ứng với những thách thức mới của quá trình phát triển bền vững cũng như quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo điều kiện để phát triển xanh hóa nền kinh tế Việt Nam.

Đại diện SECO Việt Nam cũng cho biết, SECO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng khuôn khổ chính sách môi trường để đảm bảo tăng trưởng bền vững với tất cả mọi người, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự hợp tác với NHNN và IFC tiếp tục là trọng tâm trong chiến lược phát triển của SECO.

Tại Hội nghị, ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu tổng quan về Chiến lược tăng trưởng xanh và Chương trình hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; Nhu cầu cho tài chính phục vụ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020; Nguồn vốn ODA, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế tài trợ cho vấn đề môi trường và khí hậu và việc chuẩn bị tiếp nhận nguồn vốn của Quỹ khí hậu xanh (GCF).

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng phòng Xây dựng chiến lược, Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, ngân hàng xanh, tín dụng xanh là xu thế chung các nước trên thế giới hướng tới để đảm bảo phát triển bền vững quốc gia. Phát triển tín dụng xanh cũng là yêu cầu cần thiết để các ngân hàng tránh được rủi ro về môi trường, xã hội. Với tư cách là người cho vay, ngân hàng có vai trò lớn trong việc hướng dòng vốn đầu tư vào các dự án sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, chi phí đầu tư, giá thành sản phẩm của các dự án thân thiện với môi trường thường cao. Điều này có thể làm hạn chế khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia. Vì vậy, tín dung xanh có thể phát triển khi có khung chính sách với các công cụ thực hiện có hiêu quả. Cần phải có sự hài hòa trong việc đầu tư phát triển kinh tế với nuôi dưỡng, bảo vệ môi trường và phải có sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương và sự hưởng ứng của người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, trong phần trình bày của mình, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra một số vấn đề rút ra từ kết quả nghiên cứu, khảo sát về ngân hàng xanh, tín dụng xanh tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các khuyến nghị, đề xuất về xây dựng khung chinh sách tín dung xanh.

Ông Cát Quang Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN giới thiệu những nội dung cơ bản của Chỉ thị 03/CT-NHNN; Dự kiến các hoạt động trong Kế hoạch của ngành ngân hàng nhằm triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Đại diện của IFC Việt Nam, ông Alexander Indorf - Trưởng nhóm Môi trường và Xã hội vùng Đông Á của IFC cũng chia sẻ tới các đại biểu kinh nghiệm thế giới trong quản trị rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo ông Alexander Indorf, ngành Ngân hàng ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và thực hiện hóa chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Một nghiên cứu khảo sát do IFC và NHNN thực hiện năm 2012 cho thấy, nhiều ngân hàng chưa nhận thức đầy đủ về rủi ro môi trường xã hội có thể ảnh hướng đến kết quả hoạt động tài chính của ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến tín dụng ngân hàng. Vì vậy, IFC đang hỗ trợ NHNN hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Sự hỗ trợ của IFC bắt đầu từ chính sách, trong đó IFC hợp tác với NHNN để thúc đẩy các hoạt động cho vay trong ngân hàng một cách bền vững hơn bằng cách áp dụng các tài liệu hướng dẫn, công cụ để quản lý rủi ro môi trường - xã hội, IFC cũng khuyến nghị các ngân hàng Việt Nam tiếp tục củng cố công tác quản lý rủi ro, cải thiện năng lực cạnh tranh, thu hút thêm các khách hàng mới và hỗ trợ mở rộng xuyên biên giới thông qua việc áp dụng các chuẩn mực về môi trường xã hội.


Nguồn: http://www.sbv.gov.vn