Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Xây dựng cộng đồng chung ASEAN và các thách thức về an ninh

PGS.TS Ravichandran Moorthy
Là chủ đề bài giảng của PGS.TS Ravichandran Moorthy từ Chương trình Đào tạo chiến lược và Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Malaysia (UKM) sáng 31/7/2015 cho các giảng viên và sinh viên Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Buổi thỉnh giảng do Khoa Kinh tế Phát triển tổ chức với sự góp mặt của giảng viên và sinh viên trong khoa cùng một số khoa khác trong trường.

Chia sẻ trước bài giảng, TS. Nguyễn Quốc Việt - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Phát triển đã nêu lên tầm quan trọng của việc nâng cao kiến thức và sự hiểu biết của thế hệ trẻ về ASEAN và sự hội nhập ASEAN của Việt Nam; cũng như các thách thức đặt ra trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN trong đó có Cộng đồng Kinh tế (AEC) chuẩn bị được thành lập năm 2015.

Trong phần đầu tiên của bài giảng, PGS.TS Ravichandran đã giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, lịch sử hình thành và phát triển, các đặc điểm nổi bật và các nguyên tắc cơ bản chi phối hoạt động của Cộng đồng ASEAN như: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết tranh chấp và xung đột bằng phương pháp hoà bình, không sử dụng sức mạnh quân sự và vũ lực nhằm đe dọa lẫn nhau…

Tiếp đó, ông giới thiệu về các sáng kiến xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột chính: Cộng đồng Chính trị - Quân sự ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN (ASCC), từ đó làm rõ các khó khăn trong việc xây dựng một cộng đồng chung năng động và hiệu quả nhưng thiếu sự tham gia của người dân hay không có một cơ chế và quy tắc chung trong giải quyết xung đột.

Cuối cùng, PGS.TS Ravichandran tập trung vào phân tích các thách thức về an ninh trong hội nhập ASEAN đối với các quốc gia thành viên trong đó có Việt Nam. Các thách thức này bao gồm các vấn đề an ninh truyền thống như: sự phát triển của Trung Quốc, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, tranh chấp lãnh hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, xung đột tôn giáo và sắc tộc hay phi truyền thống như các vấn đề môi trường, năng lượng, khan hiếm nước sạch, bệnh dịch, khủng bố tin học, ma tuý, tội phạm xuyên quốc gia và nạn buôn người.

Sau bài giảng, rất nhiều câu hỏi của sinh viên liên quan tới chủ đề ASEAN đã được PGS.TS Ravichandran giải đáp nhiệt tình và hiệu quả.



Các giảng viên và sinh viên tham dự bài giảng của chuyên gia Malaysia

Cũng trong chuyến thăm và làm việc lần này, nhóm nghiên cứu của Chương trình Đào tạo chiến lược và Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Malaisia do PGS.TS Ravichandran chủ trì đã phối hợp với các giảng viên Bộ môn Chính sách công của Khoa Kinh tế Phát triển thực hiện khảo sát về nhận thức của thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp sinh viên và học viên cao học về quá trình hội nhập Cộng đồng ASEAN.

Hai bên đã thảo luận những kết quả khảo sát thu hoạch được và cùng trao đổi để xây dựng các nghiên cứu chung nhằm công bố các kết quả khảo sát. Hy vọng trong tương lai, sự hợp tác giữa hai nhóm nghiên cứu nói riêng và giữa hai trường: Đại học Quốc gia Malaysia và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung sẽ phát triển toàn diện và hiệu quả hơn nữa.

Ngô Minh Nam (Khoa KTPT)