Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Ban Giám hiệu Trường ĐHKT gặp gỡ nghiên cứu sinh

Ngày 17/8/2013 vừa qua, Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có buổi gặp mặt và trao đổi với các nghiên cứu sinh thuộc các ngành đào tạo của trường. Đây là lần đầu tiên chương trình gặp gỡ nghiên cứu sinh với quy mô toàn trường, dành cho nghiên cứu sinh các khóa từ năm 2007 đến nay, được tổ chức.


Tham dự buổi gặp mặt có PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, các Phó Hiệu trưởng: PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh, PGS.TS Trần Anh Tài, TS. Vũ Anh Dũng; đại diện lãnh đạo các khoa và các phòng ban liên quan; nghiên cứu sinh thuộc các ngành đào tạo của trường (từ năm 2007 đến nay) cùng giảng viên hướng dẫn.
Buổi gặp mặt được tổ chức nhằm thông báo tới các nghiên cứu sinh những điểm mới của quy chế đào tạo nghiên cứu sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội, cung cấp những quy định, quy chế liên quan của Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), đồng thời tạo cơ hội trao đổi, giải đáp những thắc mắc, tâm tư nguyện vọng của các nghiên cứu sinh (NCS), qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo NCS của trường.



PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT phát biểu tại buổi gặp gỡ NCS

Phát biểu mở đầu chương trình, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, Trường ĐHKT - ĐHQGHN phát triển với mục tiêu trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, coi trọng yếu tố chất lượng; việc đào tạo nghiên cứu sinh chính là một trong những hoạt động quan trọng giúp nhà trường đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, hoạt động này hiện còn một số những hạn chế như chậm trễ trong tiến trình học tập, việc kết nối giữa NCS và nhà trường, giảng viên hay chính giữa các NCS với nhau còn chưa chặt chẽ… Chính vì vậy, ông mong muốn sẽ nhận được những phản hồi, trao đổi của các NCS để công tác đào tạo này sẽ ngày càng được nâng cao hiệu quả.
Tiếp đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh đã trình bày báo cáo về tình hình đào tạo NCS của Trường ĐHKT từ năm 2007 đến nay, trong đó chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của hoạt động này và phân tích những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế đó.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Tuân - Trưởng phòng Đào tạo trình bày những điểm mới trong quy chế đào tạo NCS của ĐHQGHN như: thời gian đào tạo tối đa, quy định về chuẩn B2 ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu, các yêu cầu của NCS trước khi bảo vệ luận án cấp cơ sở về điểm tích lũy, các chuyên đề bắt buộc…Về phía nhà trường cũng có một số quy định cụ thể hơn cho các NCS như: NCS cần báo cáo kết quả học tập cho khoa, cho trường theo thời gian quy định; tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt khoa học của khoa, các hoạt động chuyên môn của bộ môn, của khoa với tổng thời gian sinh hoạt là 12 tháng…

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thanh trình bày báo cáo về tình hình đào tạo NCS tại Trường ĐHKT từ năm 2007 đến nay

Phiên trao đổi nhận được nhiều câu hỏi của NCS, trong đó tập trung vào một số nội dung như: khung chương trình cụ thể đối với mỗi ngành đào tạo; những môn bổ sung đối với NCS các ngành đúng, ngành phù hợp và ngành gần; thời gian nộp chứng chỉ ngoại ngữ; 12 tháng học tập và sinh hoạt chuyên môn tại khoa được tính như thế nào và gồm những hoạt động gì… Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng nhà trường nên thông báo sớm các kế hoạch hoạt động để NCS có thể chủ động tham gia; các buổi học nên tổ chức vào cuối tuần để thuận tiện cho NCS.
Lãnh đạo nhà trường, đại diện Phòng Đào tạo cùng lãnh đạo các khoa đã lần lượt giải đáp cặn kẽ các băn khoăn của NCS; đồng thời cũng đưa ra một số lời khuyên cho họ về quá trình học tập và nghiên cứu tại ĐHKT. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, để đảm bảo thời gian 12 tháng sinh hoạt chuyên môn tại khoa, NCS có thể đăng ký tham gia các đề tài nghiên cứu của giảng viên, hay đăng ký thỉnh giảng/nói chuyện chuyên đề với sinh viên về các lĩnh vực phù hợp… PGS.TS Hoàng Văn Hải - Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh - cho rằng các NCS nên nhìn nhận đúng về lợi ích của việc học tập và nghiên cứu, nếu được tập trung đầu tư thời gian và công sức sẽ mở ra cho họ những cơ hội lớn sau này. PGS.TS Phạm Văn Dũng - Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Chính trị - thì cho biết, trong thời gian tới, công tác quản lý đối với NCS sẽ được khoa thực hiện chặt chẽ hơn, tuy nhiên, khoa sẽ cùng với NCS giải quyết các vấn đề liên quan, tạo điều kiện tốt nhất cho NCS học tập và làm việc.

NCS và giảng viên hướng dẫn trao đổi với các đại diện Trường ĐHKT trong chương trình

Sau 2 giờ trao đổi tích cực, NCS đã nhận được những giải đáp tận tình từ các đại diện nhà trường. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo Phòng Đào tạo phối hợp cùng các khoa thống nhất một số vấn đề (như môn bổ sung cho các đối tượng ngành gần/ngành phù hợp, quy định về 12 tháng sinh hoạt chuyên môn tại trường); hay lên kế hoạch cụ thể, chi tiết lịch học tập cho NCS và thông báo sớm tới NCS để họ yên tâm tham gia nghiên cứu, học tập tại trường. Ông cũng đề nghị các NCS nên chủ động trong khoảng thời gian học tập tại trường, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chế để quá trình học NCS đạt được hiệu quả cao nhất.

Đỗ Đỗ