Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Phát triển hệ thống ngân hàng trong cách mạng 4.0: 4 kịch bản được dự báo

Sẽ có 4 kịch bản phát triển của hệ thống ngân hàng trong cuộc cách mạng 4.0
Cuộc cách mạng khoa học 4.0 đang diễn ra trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ có nhiều sự thay đổi rõ nét. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có 4 kịch bản được dự báo, điều này được ông đưa ra trong bài giảng chuyên đề cho lớp cao học Quản trị các tổ chức tài chính, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN ngày 21/4/2019.


Tại buổi giảng, ông Phạm Xuân Hòe đã trình bày tổng quát về tình hình hệ thống ngân hàng thương mại và xu hướng phát triển mới của ngành công nghiệp tài chính. Ngoài ra, ông đi sâu vào giải quyết vấn đề số hóa tạo ra thay đổi quan trọng trong ngành công nghiệp ngân hàng đứng từ góc độ quản lý.

 Ông Hòe là một chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng

Theo đó, ông chỉ ra rằng sự thay đổi căn bản về trải nghiệm khách hàng, ngân hàng khó tính hơn, ít trung thành hơn; Sự gia tăng các hoạt động phi trung gian, nói cách khác vai trò trung gian của ngân hàng sẽ không còn là thế độc tôn trên thị trường mà được thay thế bởi cung ứng trực tuyến trên nền tảng công nghệ (platform của P2P lending, hay P2P payment..); Sự xuất hiện các nguồn dữ liệu khổng lồ và được tích hợp xử lý thu thập tự động, phân tích bởi công nghệ Bigdata sẽ tạo ra bước ngoặt về phát triển doanh thu trên quy mô lớn, ngân hàng có được lợi thế này và công nghệ phát triển đòi hỏi sự thay đổi về môi trường pháp lý (quan điểm cởi mở) để hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các mô hình hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng mới.

Với sự phân tích chi tiết số liệu, khảo sát qua các ngân hàng trong và ngoài nước, ông Hòe đã đưa ra 4 kịch bản dự báo cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới, đây có thể coi là một cơ sở quan trọng để lãnh đạo các ngân hàng tham khảo, 4 kịch bản đó là:

  • Kịch bản 1: Xuất hiện người chơi mới (ví dụ Fintech), ở đó các ngân hàng hiện hữu sẽ có bên thắng và bên thua cuộc.
  • Kịch bản 2: Ngân hàng với các mô hình truyền thống vẫn chiếm ưu thế vơi việc tích hợp theo chiều dọc từ sản phẩm dịch vụ đến khách hàng và quản lý nguồn lực tài chính.
  • Kịch bản 3: Cuộc cách mạng về ngân hàng, ở đó công nghệ và các quy định quản lý mở hơn sẽ làm giảm các rào cản gia nhập thị trường, có thêm nhiều người chơi mới, ngân hàng chỉ còn là các bên cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các đối tác (kết nối mở API với bên thứ 3) mà không trực tiếp tương tác với khách hàng.
  • Kịch bản 4: Các ngân hàng hiện tại chuyển đổi mô hình để tồn tại, ở đó các ngân hàng chuyển sang hoạt động theo từng mô-đun và chuyên biệt hóa.

Kết thúc buổi giảng dạy, ông Hòe đã có cuộc trao đổi bên lề với nhiều học viên đang là lãnh đạo, quản lý tại các ngân hàng, tổ chức tài chính về kinh nghiệm quản lý cũng như vai trò điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.

Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính nhằm mục đích đào tạo những người đã có kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức tài chính, cung cấp các kiến thức chuyên sâu về Tài chính - Ngân hàng và kỹ năng quản trị cao cấp trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm v.v… Học viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận các vị trí quản lý, điều hành, quản trị từ cấp phòng, chi nhánh trở lên gồm: 1) nhóm quản lý trong các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, ii) nhóm quản lý trong công ty chứng khoán và quỹ đầu tư và iii) nhóm quản lý trong các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm. Các học viên đã có kinh nghiệm quản lý có thể lựa chọn các học phần chuyên sâu về quản lý và kỹ năng lãnh đạo trong ngành tài chính ngân hàng để củng cố hoàn thiện năng lực, có thể đáp ứng yêu cầu ở những vị trí cao hơn trong các tổ chức tài chính.

Chương trình đào tạo được thiết kế dựa trên chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới về Thạc sĩ Quản trị các tổ chức tài chính của Đại học Madrid - Tây Ban Nha, dưới sự tư vấn xây dựng chương trình của trường California State University Long Beach (CSULB), một trong những trường đại học công lập top 100 của Mỹ về tài chính và quản trị kinh doanh. Do vậy, chương trình đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại và đồng thời có khả năng ứng dụng cao ở Việt Nam, được thiết kế lần đầu tiên cho các cán bộ lãnh đạo, quản trị điều hành của hệ thống tài chính - ngân hàng ở Việt Nam.

>> Thông tin chi tiết tuyển sinh chương trình Thạc sĩ quản trị các tổ chức tài chính xem tại đây

Văn Công