Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Tận dụng tiềm lực Kinh tế biển Việt Nam

Biển Việt Nam (Ảnh VOV)
Việt Nam là nước có đường bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế diện tích lớn, và là nơi giao thương huyết mạch giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.


Du lịch biển

Đường bờ biển của nước ta dài 3260 km trải dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), trong đó có rất nhiều bãi biển và vịnh nổi tiếng thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm như Hạ Long, Nha Trang, Lăng Cô, Mỹ Khê, Bãi Trứng, Gành Đá Dĩa, Phú Quốc…. Du lịch biển là ưu thế đặc biệt. Nhưng theo báo cáo, lợi nhuận từ du lịch biển của nước ta so với Thái Lan vẫn còn kém xa cho dù tài nguyên du lịch của Thái Lan chưa chắc đã bằng nước ta.

Ở Việt Nam có hai hòn đảo rất nổi tiếng đó là Phú Quốc và Côn Đảo nhưng trên đảo lại ít chỗ vui chơi giải trí. Tuy Phú Quốc rất đẹp nhưng đường đi lổm chổm, không thuận tiện. Ở Côn Đảo tuy rộng mà chỉ có vài ba cửa hàng bán hải sản khô, đồ lưu niệm nghèo nàn. Cả hai nơi đều chỉ có khu chợ đêm bán hải sản là hơi đông đúc và vài ba quán cà phê, quán bar nhỏ. Sau 22h, mọi thứ hầu như chìm vào im lặng.

Trong khi đó, đảo Kol Samui (Thái Lan) có diện tích chỉ bằng một nửa Phú Quốc, nhưng lại vô số thứ hay, từ những nơi tưng bừng nhộn nhịp kiểu walking street, tới những làng cổ truyền thống nhỏ nhắn dễ thương. Khi đến Ko Samui, du khách đã bất ngờ khi thấy Central World và Big C ở ngay trung tâm đảo. Hay đảo Koh Tao diện tích chỉ bằng 1/3 Côn Đảo nhưng nhà hàng, resort san sát nhau, trên đảo có hàng trăm cửa hàng lặn, cửa hàng tiện lợi 7Eleven, dorm, guesthouse, phòng tập gym, yoga, mát xa, muay Thai. Bar club thỏa sức cho các bạn tây thích rượu chè tiệc tùng từ khuya đến sáng. Các bãi biển khác đầy san hô và cá. Không cần thuê tàu ra xa như Phú Quốc hay Côn Đảo, chỉ cần kính bơi và ống thở, cứ thế bơi gần bờ biển là thỏa sức nhìn ngắm thế giới đại dương.

Khai thác tài nguyên biển

Tài nguyên biển Việt Nam phong phú và đa dạng. Các ngành kinh tế liên quan đến khai thác tài nguyên biển như đóng tàu biển, sửa chữa tàu biển, chế biến thủy sản, khai thác và chế biển dầu khí, thông tin liên lạc, khai thác muối, titan… bước đầu đều phát triển mạnh.

Bờ biển nước ta có trên dưới 100 hải cảng, hầu như tỉnh ven biển nào cũng có cảng, trong đó có nhiều cảng nước sâu quy mô lớn như cảng Vân Phong (Khánh Hòa), cảng Quảng Ninh, cảng Vũng Tàu…Các hải cảng là nguồn lực cực kỳ quan trọng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, so sánh với thế giới, khai thác lợi thế từ biển của nước ta còn nhiều hạn chế, khó khăn và yếu kém. Quy mô kinh tế chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hàng năm còn nhỏ bé. Tính trung bình trên 1 km2 biển, chúng ta mới chỉ đạt bằng 1/20 của Trung Quốc; 1/94 của Nhật Bản; 1/7 của Hàn Quốc và 1/20 kinh tế biển của thế giới.

Nhận thấy vai trò của kinh tế biển đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định trong tương lai không xa Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu tử biển. Trong đó nhấn mạnh phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển với một cơ cấu hợp lý, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ vững chủ quyền quốc gia.

Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp khoảng 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển… Bên cạnh đó là nhiều chiến lược, sách lược khác để khai thác, phát triển kinh tế biển.

Các ngành kinh tế biển đóng góp lớn như: dầu khí 64%; hải sản 14%; vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%; du lịch biển khoảng 9%.

Đối với các nước trên thế giới, để có nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên sâu về kinh tế biển, họ đã nghiên cứu và thiết kế chương trình dạy và học ngành kinh tế biển trong các trường đại học danh tiếng như ở Mỹ, Anh, Pháp…. Tại Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu trên ngày 1/8/2016, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành quyết định số 2236/QĐ-ĐHQGHN về việc phê duyệt Đề án mở chương trình đào tạo chất lượng cao theo đặc thù đơn vị chuyên ngành Kinh tế biển, bậc đào tạo thạc sĩ. Đây là chương trình lần đầu tiên được thiết kế và triển khai ở Việt Nam. Chương trình do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức thực hiện. Theo kế hoạch, chương trình sẽ bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào tháng 4/2017.

 

Để tìm hiểu thông tin chi tiết về chương trình, vui lòng liên hệ:

Văn phòng Khoa Kinh tế Phát triển, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Địa chỉ: Phòng 306, Nhà E4, số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: (04) 3754 7506 - Máy lẻ: 309 - 310.

Website: http://ueb.edu.vn; http://ktpt.ueb.edu.vn


Nguyễn Công