Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nâng cao chất lượng khóa luận, luận văn, luận án

Các chuyên gia và giảng viên tham dự tọa đàm
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng, chiều ngày 29/8/2014 vừa qua, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức tọa đàm “Hướng dẫn về khóa luận, luận văn, luận án”.


Tham dự tọa đàm có Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế (ĐHKT), Ban Chủ nhiệm các khoa cùng các giảng viên nhà trường. PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, TS. Nguyễn Vũ Hùng (Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) và TS. Vũ Anh Đào (Trường Đại học Victoria) đã tham dự và chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề này.
Phát biểu mở đầu tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT khẳng định mục tiêu nâng cao không ngừng chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo sau đại học nói riêng của nhà trường. Trong rất nhiều hoạt động nhằm thực hiện điều đó, Trường rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng của khóa luận, luận văn, luận án của người học đặc biệt trong điều kiện các quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về luận văn theo định hướng thực hành và định hướng nghiên cứu. PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn hy vọng sẽ nhận được những ý kiến góp ý bổ ích của các chuyên gia, các giảng viên về vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT chủ trì tọa đàm


Tiếp đó, tại tọa đàm, các chuyên gia và giảng viên đã cùng trao đổi về những vấn đề liên quan đến khóa luận, luận văn và luận án như: cách thức thực hiện, hướng dẫn, đánh giá, quản lý và tổ chức đào tạo.

TS. Vũ Anh Dũng - Phó Hiệu trưởng nhà trường trong tham luận “Phân biệt khóa luận, luận văn (thực hành, nghiên cứu) và luận án” đã nhấn mạnh về một số tiêu chí dự kiến đối với khóa luận, luận văn, luận án về: nội dung/đối tượng nghiên cứu, tổng quan tài liệu, phương pháp nghiên cứu, sản phẩm/kết quả, trích dẫn, số từ… Đây sẽ là những nội dung chính sẽ lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia và giảng viên.

TS. Vũ Anh Dũng trình bày tham luận về phân biệt khóa luận, luận văn và luận án

Đồng tình với quan điểm tất cả các khóa luận, luận văn, luận án đều là công trình nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng đưa ra các chuẩn mực chung cho một công trình. Ông cho rằng mục tiêu của nghiên cứu là phát hiện các quy luật mới hoặc kiểm định và ứng dụng quy luật, chính vì vậy đa số khóa luận, luận văn và luận án hiện nay chưa đạt được yêu cầu này.

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng cũng cho rằng nên phân biệt đào tạo thạc sĩ theo định hướng nghiên cứu và thực hành; và luận văn cần được thực hiện theo các tiêu chí tương ứng. Qua đây, ông đưa ra một số “chuẩn” của 2 loại luận văn về: mục tiêu, lý thuyết, phạm vi, phương pháp, kết quả và bình luận/kiến nghị. Về luận án tiến sĩ, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng đưa ra một số yêu cầu chung và chỉ ra những hạn chế hiện nay của nghiên cứu sinh khi thực hiện luận án.


PGS.TS Nguyễn Văn Thắng (giữa), TS. Nguyễn Vũ Hùng (ngoài cùng bên trái) chia sẻ nhiều gợi ý về yêu cầu đối với khóa luận, luận văn và luận án

Đồng tình với các luận điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Thắng, TS. Nguyễn Vũ Hùng nhấn mạnh thêm cần có tiêu chí đánh giá cụ thể cho mỗi loại luận văn (định hướng thực hành, nghiên cứu) và luận án tiến sĩ. Trên cơ sở tiêu chí đó xác định sản phẩm của người học đã đạt, chưa đạt hay đạt được đến mức độ nào. Nhân đây, TS. Nguyễn Vũ Hùng đưa ra kinh nghiệm đánh giá của Chương trình Master of Science (M.S) của Khoa Kinh tế học (Đại học Oregon - USA) và Chương trình thạc sĩ Nghiên cứu quản lý của Viện Quản lý châu Á - Thái Bình Dương (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).


Hai chuyên gia cũng cho rằng người học nên được tham gia một số khóa học bổ trợ (về các phương pháp nghiên cứu, các lý thuyết hiện hành trong lĩnh vực nghiên cứu, các phần mềm thống kê trong phân tích…) trước khi bước vào thực hiện sản phẩm tốt nghiệp.

Trao đổi về những nội dung đã được trình bày cũng như về việc thực hiện khóa luận, luận văn và luận án nói chung, nhiều ý kiến đưa ra những điểm cần lưu ý khác về cách thức trình bày trên cơ sở kinh nghiệm của các chương trình đào tạo quốc tế. TS. Vũ Anh Đào, TS. Đinh Thị Thanh Vân đồng tình việc trích dẫn và tổng quan tài liệu tham khảo cần chặt chẽ hơn và có chuẩn chung. TS. Phan Chí Anh cho rằng việc đưa môn học về thực hiện khóa luận, luận văn và luận án là hợp lý nhưng cần thực hiện sớm hơn để người học có định hướng ngay từ đầu về đề tài của mình. TS. Nguyễn Đăng Minh đề xuất nên phân công giảng viên hướng dẫn cho người học sớm giúp dễ dàng hơn trong việc gắn người học với các đề tài khoa học mà giảng viên đang theo đuổi…

Sau nhiều giờ trao đổi, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn tổng kết tọa đàm và đánh giá đây là một buổi làm việc hữu ích với nhiều ý kiến thiết thực. Các ý kiến đóng góp sẽ được nhà trường tiếp thu trong việc ban hành hướng dẫn làm khóa luận, luận văn, luận án cho người học trong thời gian tới.

Thạch Anh