Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Sự giàu có đến từ những hành vi chi tiêu chính xác về tài chính

Chúng ta chắc chắn không thể trở nên giàu có bằng cách thực hiện phần hành xử trước khi có đủ nguồn lực tài chính để chi trả cho một cuộc sống ngọt ngào.


Hãy xem những triệu phú thực sự chi tiêu tiền bạc như thế nào và những gì họ trả cho hàng hóa, dịch vụ.
Triệu phú thực thụ trả khoảng 16 đô la (kể cả tiền bo) cho một lần cắt tóc ở một tiệm hớt tóc truyền thống – không phải hẹn trước, không phải chọn màu.
Chỉ có 5,7% triệu phú được khảo sát trên toàn nước Mỹ trả 1.000 đô la hay hơn cho y phục mà họ mua gần đây nhất. Thực tế, ngay cả những người rất giàu có (những người có tài sản ròng theo giá trị tài chính 10 triệu đô la hay hơn), trung vị giá trả cho một bộ trang phục chỉ là 482 đô la. “Trang phục góp phần tạo nên thành công” vẫn là câu cách ngôn có giá trị cho môi trường văn phòng, nhưng chi tiêu quá lố trước cả sự thịnh vượng tài chính trong tương lai sẽ không giúp ai trở nên giàu có.
Những người giàu có mua đồng hồ đắt tiền không? Trey có tài sản trị giá hơn 20 triệu đô la. Đồng hồ mà ông ấy mang hằng ngày mua ở cửa hàng Wal-Mart giá 15 đô la.
Jim H. ở Texas có tài sản ròng trên 30 triệu đô la. Jim và gia đình của mình cùng sáu con chó sống trong ngôi nhà làm bằng gỗ súc. Đồng hồ ông ấy chọn là nhãn hiệu Swiss Army giá 300 đô la.

Trey và Jim còn chia sẻ vài điểm chung khác. Cả hai đều cảm thấy tự hào khi được Hiệp hội thương mại ngành công nghiệp mà họ tham gia công nhận như những người chiến thắng. Ngược lại, họ hiểu rằng thật vô nghĩa để được những người lạ công nhận và ghen tị chỉ vì một chiếc đồng hồ. Họ giàu có và không cần khoe khoang điều đó với những người họ tiếp xúc trong công việc hằng ngày.
Những người giàu, những triệu phú cũng rất thích thú với đồ ăn và thức uống ngon, đúng không?
Carlton, người có tài sản đến hơn 30 triệu đô la. Ông là thành viên một nhóm đặc biệt gồm những người giàu chi khoảng 17 đô cho một chai rượu Scotch 1,75l. Họ cũng thường tiệc tùng và xem mình là những chủ nhân hiếu khách. Nhưng tiệc tùng của họ là để thắt chặt quan hệ xã hội chứ không phải để khoe những nhãn hiệu rượu mà họ chiêu đãi.
Tất cả những người thành đạt đều lái xe “xịn” đúng không?
Nhiều người tin rằng tất cả những người thực sự giàu và thành đạt đều lái những chiếc xe hơi cao cấp. Đó là lý do tại sao có quá nhiều người muốn thành đạt lái những loại xe này. Nhưng, trung vị về giá mua xe của những triệu phú được khảo sát là 31.367 đô la. Người giàu thực sự không lái BMW, họ lái Toyota.
Không uống Grey Goose hay mua rượu vang đắt tiền, cũng không lái xe hơi hiệu châu Âu. Chắc họ phải mua du thuyền!
Không! Đa số triệu phú ở Mỹ (70%) chưa bao giờ sở hữu một chiếc thuyền hay du thuyền, thậm chí là xuồng hơi.
Thế còn những triệu phú đã từng mua thuyền trong đời thì sao? Hầu hết đều mua một chiếc, bán đi và không bao giờ mua lại chiếc khác. Những người này nhận ra họ không có chút thỏa mãn nào khi sở hữu và điều khiển thuyền. Nhưng sự thỏa mãn với cuộc sống của họ tăng lên ngay sau khi vứt bỏ gánh nặng tàu thuyền.
Nhiều nông gia giàu có vì họ kiên định với quy tắc nền tảng để xây dựng sự giàu có: Dù bạn thu nhập bao nhiêu, hãy sống thấp hơn khả năng tiền bạc của mình. Điều này rất khó làm nếu bạn sống ở khu vực siêu tiêu dùng. Chuyển đến vùng giàu có, sống cận kề các bác sĩ, gia nhập các CLB thể thao, bạn sẽ giao du với những người siêu tiêu dùng. Nhưng không nên lầm lẫn điều đó với triệu phú thực sự.
Chiếc áo có làm nên thầy tu?
Người ta không đạt được thành công vì họ mang đôi giày 800 đô la. Phải là điều ngược lại. Hầu hết động lực của các triệu phú là nhu cầu độc lập về tài chính. Với họ, tiêu dùng chỉ là khía cạnh phụ của việc trở nên giàu có. Nếu phải chọn, họ sẽ sẵn sàng vứt bỏ những thứ tiêu dùng chứ không bao giờ từ bỏ sự độc lập tài chính.
Những người trở thành triệu phú trong độ tuổi 20 hay 30 thường trở thành người siêu tiêu dùng.
Hầu hết triệu phú không đạt ngưỡng triệu phú cho đến khi gần 50 tuổi. Họ trở thành triệu phú vì họ có phong cách sống tiết kiệm. Sau khi trở thành triệu phú, họ vẫn giữ thói quen tiết kiệm đó.
Một nữ triệu phú tiêu biểu không bao giờ trả hơn 140 đô la (trung bình) cho một đôi giày, dù mua cho mình hay bất kỳ ai. Nữ triệu phú thường mang hiệu giàu “chất lượng tốt” chứ không phải hiệu giày đắt tiền.
Hầu hết triệu phú, đặc biệt là những siêu triệu phú, dường như không nhạy cảm lắm với giá thành hay giá mua giày. Họ nhạy cảm hơn với chất lượng nên thường chú trọng vào sự khác nhau của vòng đời sản phẩm.
Hầu hết triệu phú hết sức hài lòng với thành công nên họ không cần phải mặc những bộ comple thuộc bộ sưu tập trị giá 4 chữ số. Rất hiếm có triệu phú nào mặc bộ comple 5.000 đô la. Hơn nữa, triệu phú thực sự sẽ mua y phục chất lượng với giá hợp lý. Họ không mặc vì sự thành công, mà vì công việc, tập trung cho công việc.
Một doanh nhân Texas có tài sản ròng ở khoảng giữa của tám chữ số mời tôi ăn tối sau cuộc phỏng vấn. Ông ấy hỏi tôi thích ăn món nào. Mexico là nguyện vọng của tôi. Al và vợ ông ấy đề nghị đưa tôi đến “điểm ăn tối ưa thích” của họ, cũng là điểm đến thường xuyên của các triệu phú sinh ra và lớn lên ở Texas.
Al và vợ đón tôi bằng chiếc Lincoln 10 tuổi cũ mèm của Al. Sau một quãng đường ngắn, chúng tôi dừng xe tại một bãi đỗ kế bên nhà hàng. Nó trông giống một nhà máy nhỏ hơn là một nhà hàng. Nơi này không có người chào đón, không quản lý trưởng, không áo đuôi tôm và không người phục vụ rượu. Chỉ có tấm biển ghi “Bạn tự tìm chỗ ngồi”. Bàn và ghế đều sơn màu vàng sáng, loại ghế dài dã ngoại thường thấy ở các công viên. Ngoài ra, một số bẫy côn trùng bằng điện (loại để dùng ngoài trời) cũng được treo có tính toán trên xà nhà trong quán.
Al nhận thấy chút ngạc nhiên của tôi về thiết kế nên nói, “Đừng để vẻ bề ngoài của nơi này đánh lừa anh. Đây là nhà hàng Mexico ngon nhất Texas”.
Niềm tin của tôi lại thêm lung lay khi nhìn vào thực đơn. Món đắt nhất có giá 9,95 đô la. Chỉ có hai loại vang được liệt kê: đỏ và trắng.
Sau khi người phục vụ dọn ra rổ bánh tráng ngô và nước sốt cay, Al đứng dậy và thọc tay vào túi áo khoác. Ông lấy ra từ áo khoác khoảng hơn một lạng bơ “thật” mang theo từ nhà. Al đặt nó giữa bàn dã ngoại và nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: “Tôi ghét những thứ tổng hợp. Đó là điểm dở duy nhất của chỗ này, không có bơ. Dùng tự nhiên nhé!”.
Bạn có thể tự hỏi tại sao một triệu phú lại mang bơ của mình đến nhà hàng. Tại sao một cặp đôi triệu phú nhiều đô la vẫn nghĩ đến việc ăn tối tại một nhà hàng toàn những chiếc bàn dã noại và “đồ tổng hợp”, đến nỗi khách hàng phải tự mang đồ ở nhà theo. Tại sao những người tự do về tài chính như Al và vợ lại ăn tối ở một nơi mà món đắt nhất là 9,95 đô la? Câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này hết sức đơn giản, nhưng có vài ý mà nhiều người không thể hiểu được.
Không có mối tương quan hoàn hảo nào giữa mức độ thỏa mãn với món ăn mà khách hàng chọn và giá mà một nhà hàng tính cho nó. Al và vợ rõ ràng đã hiểu thấu đáo điều này. Hơn nữa, phán xét của họ về thức ăn của nhà hàng ưa thích không bị tác động tiêu cực vì những chiếc bàn dã ngoại, chọn lựa hạn chế về rượu vang hay ngay cả chuyện không có bơ.
Al và vợ ăn tối ở nơi mà họ muốn ăn chứ không phải ở chỗ những nhà phê bình ẩm thực chỉ bảo. Chắc chắn họ đủ khả năng để ăn tại nhà hàng bốn sao vào tất cả các ngày trong tuần. Nhưng theo Al thì đã nhiều năm rồi kể từ lần cuối cùng họ đặt chân vào cái gọi là nhà hàng bốn sao.
Một vài người có thể lập luận rằng Al và vợ không có gu ẩm thực. Họ có thể giàu nhưng họ không biết thưởng thức những thứ tinh tế trong cuộc sống.
Al và vợ không chỉ giàu, cả hai đều tốt nghiệp đại học “top 20″. Nhưng họ không cần phải khẳng định mình bằng nơi họ ăn tối. Giống với hầu hết người giàu tự tay làm nên, họ làm những gì muốn làm và không hề bối rối về cách họ sống. Họ không lo sợ về giá trị của bản thân khi ra ngoài ăn tối trên chiếc bàn dã ngoại với thanh bơ mang theo từ nhà.
Bạn có muốn ngày nào đó trở nên giàu có? Nếu thực lòng muốn vậy, hãy hoãn việc tạo bộ sưu tập lớn rượu vang, hoãn việc ăn tối ở những nhà hàng cao cấp và không thuê người làm cho đến khi bạn trở nên độc lập về tài chính.


Nguồn: http://taichinhtieudung.info