Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Lớp học đảo ngược - Kích hoạt sáng tạo thế hệ Z

Đông đảo giảng viên trong ĐHQGHN tham dự tọa đàm
Nhằm thay đổi tư duy người học, Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN đã phối hợp với các đơn vị trong ĐHQGHN tổ chức tọa đàm Lớp học đảo ngược - Kích hoạt sáng tạo thế hệ Z ngày 17/12/2019.


Chủ trì tọa đàm có TS. Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế cùng nhóm giảng viên gồm TS. Lê Thị Hồng Duyên, ThS. Nguyễn Thị Hải Hà, ThS. Trịnh Thu Thủy đến từ Trường ĐH Ngoại ngữ và TS. Nguyễn Thị Thư, Trung tâm Giáo dục Thể chất và Thể thao. Tọa đàm thu hút gần 100 giảng viên và đông đảo sinh viên trong ĐHQGHN tham dự.

Nội dung tọa đàm tập trung thảo luận các đặc điểm của người học thế hệ Z và phương pháp tiếp cận giảng dạy hiệu quả; ứng dụng Microsoft Office trong giảng dạy lớp học đảo ngược; phạm vi, điều kiện áp dụng và vai trò của giảng viên trong lớp học đảo ngược; và tích hợp lớp học đảo ngược trong Google classroom.
  TS. Nguyễn Thị Hương Liên chia sẻ kinh nghiệm triển khai lớp học đảo ngược tại tọa đàm

Lớp học đảo ngược là một phương pháp sư phạm trong đó hướng dẫn trực tiếp chuyển từ không gian học tập nhóm sang không gian học tập cá nhân, không gian nhóm được chuyển thành môi trường học tập tương tác tích cực khi giáo viên hướng dẫn sinh viên áp dụng các khái niệm và tham gia sáng tạo vấn đề (Flipped Learning Network).

  Tập thể diễn giả tham gia tọa đàm

Theo mô hình lớp học đảo ngược, sinh viên xem các bài giảng trực tuyến trước khi đến lớp. Giờ học trên lớp sẽ dành cho các hoạt động học tập giúp sinh viên làm chủ các kỹ năng thông qua bài tập thực hành và thảo luận cộng tác. Lớp học đảo ngược cho phép giáo viên dành thời gian nhiều hơn với từng cá nhân học sinh chưa hiểu kỹ bài giảng. Điều này giúp người học tự tin hơn và học tập hiệu quả hơn. Theo Hamdan và McKnight (2013), để lớp học đảo ngược diễn ra cần có 4 điều kiện FLIP như sau: (i) Môi trường giảng dạy linh hoạt (Flexible environments); (ii) Văn hóa học tập (Learning culture); (iii) Nội dung học tập có chủ ý (Intentional content) và (iv) Nhà giáo dục chuyên nghiệp (Professional educators).

  Giảng viên tích cực tham gia các hoạt động tại tọa đàm

Muốn quá trình đảo ngược thành công thì bài giảng online phải hấp dẫn để lôi cuốn người học không bị sao lãng việc học tập. Một trong những bước để nghịch đảo bài giảng là thiết kế các video bài giảng ngắn từ 5 đến 7 phút và đăng tải lên hệ thống quản lý lớp học Google classroom để người học có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, một bước quan trọng trong quá trình triển khai mô hình lớp học đảo ngược là khâu kiểm tra, đánh giá. Giảng viên có thể sử dụng các công cụ Kahoot, Quizizz, Microsoft form, Google form,… để thiết kế các bài kiểm tra trực tuyến. Qua đó, giảng viên có thể đánh giá được mức độ hiểu bài của từng sinh viên và tập trung thời gian trên lớp chữa các câu hỏi, bài tập có tỷ lệ lỗi cao nhất và củng cố lại kiến thức và kỹ năng làm bài cho sinh viên.

Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những nhược điểm khi vận dụng vào quá trình dạy học do đặc thù của giáo dục mỗi nước cũng như trình độ và đặc điểm của người học. Giáo viên phải dành nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với lớp học truyền thống, ít nhất là trong thời gian đầu. Đặc biệt, giảng viên có thể phải đối diện với các vấn đề như học sinh không chuẩn bị bài trước khi đến lớp, hoặc quan ngại về thời gian ngồi trước màn hình nhiều hơn tiếp xúc với mọi người và địa điểm thực tế của sinh viên.

Mặc dù còn tồn tại những vấn đề trên, mô hình lớp học đảo ngược vẫn được đánh giá là mô hình giáo dục tiên tiến dựa trên sự phát triển của công nghệ, có thể sử dụng hiệu quả nhằm kích hoạt sự chủ động, sáng tạo của sinh viên.

Tọa đàm kết thúc với thông điệp được gửi tới từng giảng viên là “Đừng chỉ đảo ngược lớp học, hãy đảo ngược giảng viên”. Mỗi giảng viên muốn thay đổi sang một phương pháp tiếp cận mới thì điều đầu tiên cần phải làm là thay đổi chính mình.

Một số hình ảnh khác tại tọa đàm: 

 
 
Các giảng viên đến từ các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN chăm chú theo dõi và tích cực trao đổi tại tọa đàm.

Hương Liên