Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo “Thực tiễn lãnh đạo, quản lý tại khu vực công và tư ở Việt Nam hiện nay: những điển hình tiên tiến”

Ngày 21/8/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (ĐHKT) phối hợp với Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II đã tổ chức Hội thảo “Thực tiễn lãnh đạo, quản lý tại khu vực công và tư ở Việt Nam hiện nay: những điển hình tiên tiến” nằm trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Khoa học lãnh đạo, quản lý và sự vận dụng vào Việt Nam giai đoạn hiện nay” do quỹ NAFOSTED, Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ.


Tham dự hội thảo, về phía Trường ĐHKT, có PGS.TS. Trần Anh Tài - Phó Hiệu trưởng, chủ trì Hội thảo; PGS.TS. Hoàng Văn Hải - Chủ nhiệm Khoa Quản trị Kinh doanh (QTKD), Trưởng Ban tổ chức; PGS.TS. Đỗ Minh Cương - Chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa Doanh nghiệp, Chủ nhiệm Đề tài cùng các thành viên tham gia Nhóm nghiên cứu. Về phía Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II, có ThS. Dương Thị Thanh Thuỷ - Phó Hiệu trưởng cùng các nhà báo, cán bộ, giảng viên của Trường. Tham dự Hội thảo còn có các vị khách mời: ông Trần Xuân Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giấy Sài Gòn; ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Tháp; ông Đỗ Xuân Quảng - Phó Giám đốc Chi nhánh 10 Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank); ông Nguyễn Quang Long - Tổng giám đốc Công ty CP xây lắp Giang Vũ.

Hội thảo lần này là cơ hội để các nhà khoa học, các cán bộ lãnh đạo, quản lý các tổ chức công và tư gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và thực tiễn nhằm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến khoa học lãnh đạo, quản lý và đặc biệt là những vấn đề về thực tiễn lãnh đạo, quản lý từ các điển hình tiên tiến tại khu vực công và tư ở miền Nam nước ta hiện nay.
PGS.TS. Trần Anh Tài phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Anh Tài đã nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo và quản lý đối với sự phát triển của một quốc gia, địa phương hay tổ chức. Ông cũng cho biết, thực tiễn phát triển đã chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại và nêu cao vai trò của các nhà khoa học trong việc đưa ra các biện pháp giúp các nhà lãnh đạo có đường hướng và cách thức làm đúng đắn để phát triển. Bốn câu hỏi được đặt ra đối với đề tài bao gồm 1) Vai trò của lãnh đạo, quản lý đối với sự phát triển của một tổ chức ở khu vực công và tư ở Việt Nam; 2) Các đặc trưng chủ yếu về năng lực lãnh đạo, phong cách lãnh đạo của lãnh đạo trong khu vực công và tư; 3) Làm thế nào để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho các nhà lãnh đạo trong khu vực công và tư; và 4) Những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, quản lý rút ra từ kinh nghiệm lãnh đạo quản lý của các tổ chức và cá nhân điển hình tiên tiến.

Các đại biểu tham dự thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, thông qua các bài tham luận của các chuyên gia và lãnh đạo các đơn vị, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề, bao gồm (1) đánh giá thực trạng và nguyên nhân về chất lượng và hiệu quả lãnh đạo, quản lý; (2) phân tích nguyên nhân về tình trạng không muốn, không có nhu cầu học tập thật và áp dụng các lý luận, mô hình khoa học, công nghệ và kỹ năng tiên tiến của công việc lãnh đạo, quản lý vào các tổ chức công ở nước ta hiện nay; (3) xem xét, đánh giá tình trạng bất cân xứng, lạc hậu hơn về khoa học và công nghệ lãnh đạo, quản lý giữa các khu vực và địa phương, vùng ở nước ta hiện nay, trong đó có mối quan hệ giữa công và tư và (4) phát hiện, đánh giá, xây dựng các mô hình xuất sắc/tiên tiến về hiệu quả lãnh đạo của các tổ chức và địa phương ở nước ta để đề xuất, kiến nghị các giải pháp đổi mới, hoàn thiện thể chế, trước hết là trong các cơ chế, chính sách quản lý của Nhà nước.

Hội thảo lần này có sự tương tác, hỏi đáp, bình luận thẳng thắn giữa người trình bày và người nghe, nhờ vậy vấn đề được nhìn nhận sâu sắc từ nhiều quan điểm và khía cạnh khác nhau. Việc kết hợp thế mạnh giữa hai trường trong hợp tác nghiên cứu, tổ chức và truyền thông kết quả hội thảo cũng góp phần làm nên thành công của Hội thảo.

Trần Minh - Ngọc Hà