Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Chuyên gia CEDS tham gia phỏng vấn với Viện Brookings

Cán bộ CEDS chụp ảnh lưu niệm với chuyên gia của Viện Brookings
Chiều ngày 26/3/2015, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Phát triển (CEDS), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tham gia buổi phỏng vấn với Viện Brookings (Mỹ) về cải cách giáo dục phổ thông của Việt Nam. Mục đích của buổi phỏng vấn nhằm trao đổi, tìm hiểu về đổi mới giáo dục của Việt Nam.


Trước đó, chuyên gia của Viện Brookings đã thực hiện cuộc phỏng vấn với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc - UNICEF), các đại sứ quán, tổ chức Cứu Trẻ Em (Save the Children), Viện Nghiên cứu phát triển Mekong (Mekong Development Research Institute - MDRI), các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông ở địa bàn Hà Nội, Hồ Chí Minh và Lào Cai. Trong khuôn khổ dự án Learning Millions, CEDS được mời tham gia phỏng vấn với tư cách là đơn vị có các chuyên gia giàu kinh nghiệm và uy tín đã thực hiện nhiều nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục.
Tại buổi phỏng vấn, TS. Phạm Vũ Thắng - Giám đốc CEDS đã chia sẻ về các dự án mà CEDS đã thực hiện như: Xác định chi phí đơn đào tạo một học sinh ở Việt Nam, Xác định phạm vi thực hiện giáo dục và đào tạo kỹ thuật bậc đại học tại Việt Nam, Đánh giá độc lập trong hoạt động đào tạo giáo viên của chương trình SEQAP, Nghiên cứu tính toán chi phí đầu tư để thực hiện Dạy học cả ngày (Full day schooling - FDS) ở các trường tiểu học, Nghiên cứu Đánh giá chi tiêu công ngành giáo dục (Public Expenditure Review - PER)… Các kết quả của dự án cho thấy, Việt Nam có nhiều đổi mới trong  lĩnh vựcgiáo dục như: Ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, chương trình học học, chi phí đơn vị, đào tạo giáo viên, v.v.. Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ nhất định và sự nỗi lực của các bên liên quan trong việc nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam, còn nhiều điểm hạn chế cần có những lộ trình thay đổi phù hợp.
Cũng tại đây, ThS. Nguyễn Thị Hương Huyền - Phó giám đốc CEDS đã chia sẻ thêm về các dự án quy mô nhỏ đang được thực hiện tại Việt Nam, trong đó có chương trình học bổng Interhands (Nauy) do CEDS phát triển và điều phối với mục đích hỗ trợ các học sinh dân tộc thiểu số học cấp 3 và đại học đồng thời hướng nghiệp, bồi dưỡng kỹ năng để các học sinh đó quay về phát triển các dự án kinh tế hoặc dự án cộng đồng tại địa phương.
Kết thúc buổi phỏng vấn, các chuyên gia của Viện Brookings đã có chia sẻ thêm các dự án giáo dục đang được tổ chức này triển khai và bày tỏ mong muốn hợp tác với CEDS trong thời gian tới.

Dự án Learning Millions được Viện Brookings thực hiện nhằm tìm hiểu những đổi mới và hoàn thiện về hệ thống giáo dục của các nước trên thế giới thông qua những chính sách và chương trình được triển khai. Trên cơ sở đó, Viện Brookings sẽ đưa ra bài học của các nước được nghiên cứu trong dự án và đưa những phân tích, bình luận về các yếu tố cần thay đổi, góp phần cải cách nền giáo dục của các nước trên thế giới trong thời gian tới.

Với những thành tựu nổi bật của giáo dục và sự đa dạng, cải thiện trong các chính sách, các chương trình giáo dục, Việt Nam là một trong 16 nước được lựa chọn tham gia nghiên cứu trong khuôn khổ dự án Learning Millions do Viện Brookings thực hiện.


Ngọc Ánh (CEDS)