Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Sinh viên UEB có công bố quốc tế: Trưởng thành từ cái nôi NCKH của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN

Những ngày qua, thầy cô và bạn bè đã gửi nhiều lời chúc mừng tới Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với thành tích có bài báo khoa học được xuất bản trên Tạp chí Forum for Social Economics của NXB uy tín Taylor and Francis, thuộc danh mục ISI (ESCI) và SCOPUS.



Bài Nghiên cứu có tựa đề "Market Reaction to the Announcements of Free Trade Agreements: Evidence from Vietnam" (Phản ứng của thị trường đối với việc công bố các hiệp định thương mại tự do: Bằng chứng từ Việt Nam)* mà Phương Thảo đồng tác giả đã chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có phản ứng tiêu cực với các thông tin về việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA song phương. Thêm vào đó, phản ứng tiêu cực sẽ mạnh mẽ hơn đối với nhóm cổ phiếu thuộc các ngành không có thế mạnh của Việt Nam như tài chính, bất động sản, công nghiệp nặng, và năng lượng. Kết quả nghiên cứu kiến nghị việc cân nhắc kỹ lưỡng việc ký kết FTA, đồng thời có những chính sách hỗ trợ hợp lý với những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi FTA.

Đây là thành quả xứng đáng cho quá trình học tập, nghiên cứu của Phương Thảo tại Khoa Tài chính - Ngân hàng, khẳng định năng lực NCKH của sinh viên trong môi trường nghiên cứu ứng dụng mang tính quốc tế của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.

Cùng gặp gỡ Nguyễn Thị Phương Thảo để tìm hiểu bí quyết thành công của cô gái nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực lớp QH-2018E - TCNH CLC3 Khoá K63 nhé!

Xin chào Phương Thảo!

PV: Chúc mừng em đã đạt thành tích với bài báo khoa học được xuất bản trên Tạp chí uy tín thế giới.

Tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN, Phương Thảo và các bạn sinh viên đã được định hướng như thế nào trong quá trình học tập và làm NCKH? 

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN là một trong số các trường đại học tiêu biểu tại Việt Nam định hướng cho sinh viên nghiên cứu ứng dụng thực tiễn. 

Từ khi là sinh viên năm 2, em và các bạn sinh viên đã được tiếp cận và thực hiện các bài nghiên cứu nhỏ. Sau đó, khi lên năm 3, các bạn sinh viên được tham gia các cuộc thi NCKH cấp khoa, cấp trường và cấp ĐHQGHN, cũng như được tham gia hỗ trợ trong quá trình làm nghiên cứu khoa học của các thầy cô. Các câu lạc bộ sinh viên như CLB nghiên cứu khoa học RCES chính là môi trường ươm mầm và phát triển khả năng, niềm đam mê với NCKH của sinh viên, giúp chúng em được học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. 

Với xu hướng quốc tế hóa trong đào tạo và nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN thực sự đã tạo ra niềm đam mê và phát triển hoạt động NCKH của sinh viên chúng em.

PV: Trong quá trình làm nghiên cứu, em có gặp khó khăn gì không?

Với sinh viên, việc làm NCKH nghiêm túc, bài bản không phải là dễ dàng. Sinh viên chúng em thường không có cơ hội để tiếp cận với nguồn tài liệu chính thống, việc khai thác số liệu sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên bản thân em cũng gặp nhiều trở ngại trong việc chạy mô hình hồi quy cũng như trong quá trình viết bài.

PV: Môi trường học tập và nghiên cứu của UEB đã tạo động lực và điều kiện như thế nào để các em sinh viên vượt qua khó khăn và phát huy năng lực của mình?

UEB thực sự đã tạo cho em động lực lớn trong quá trình làm nghiên cứu khoa học. Nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi Sinh viên NCKH. Các thầy cô tận tâm hỗ trợ sinh viên trong quá trình làm nghiên cứu, như việc mở các lớp tập huấn cho sinh viên về phương pháp làm nghiên cứu, cung cấp nguồn tài liệu uy tín…

Ngoài ra, các nhóm sinh viên khi tham gia các cuộc thi về NCKH đều được hỗ trợ một phần kinh phí, các nghiên cứu có kết quả tốt được cộng điểm vào một số môn học tự chọn.

Đặc biệt, các thầy cô của Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN luôn định hướng và hỗ trợ chúng em để có các bài nghiên cứu tốt nhất gửi tới các hội thảo trong nước và quốc tế, các tạp chí uy tín thế giới. Đây là bước đệm vô cùng quan trọng để chúng em được giao lưu, trưởng thành và vững vàng hơn sau khi tốt nghiệp đại học.

PV: Thầy cô của Khoa Tài chính – Ngân hàng đã truyền cảm hứng và hỗ trợ em như thế nào trong quá trình em làm nghiên cứu nói chung và viết bài báo trên, đặc biệt, đây lại là bài báo NCKH được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín?

Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với định hướng nghiên cứu ứng dụng, quốc tế hóa các sản phẩm nghiên cứu là môi trường để phát triển phong trào NCKH của giảng viên và sinh viên. Trong những năm qua, nhà trường đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu và chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Tinh thần say mê cũng như những thành tựu đã đạt được của các thầy cô đã truyền cho sinh viên nhiều động lực trong quá trình nghiên cứu.

Tham gia và đạt giải Ba trong cuộc thi NCKH cấp Khoa cũng giúp em nhận ra mình yêu thích nghiên cứu. Với có sự hỗ trợ của các thầy cô trong Khoa, em có thêm kiến thức và kinh nghiệm làm nghiên cứu và dần nuôi dưỡng đam mê của mình.

Ngoài phong trào NCKH, các thầy cô Khoa Tài chính Ngân hàng cũng hỗ trợ sinh viên rất nhiều trong các hoạt động khác. Là một thành viên tham gia cuộc thi CFA Research Challenge, em luôn nhận được lời góp ý và hỗ trợ từ các thầy cô, giúp chúng em có thể tiến sâu hơn vào vòng trong, vinh dự trở thành Top 9 CFA Research Challenge Vietnam 2021. 

PV: Em có định hướng phát triển NCKH như thế nào trong những năm tháng học tập tiếp theo tại Trường ĐHKT, ĐHQGHN?

Em mong muốn sẽ được kết nối với các thầy cô trong Khoa nói riêng và trong Trường nói chung để có thể có thêm những bài công bố quốc tế trong thời gian tới. Là sinh viên năm cuối, em cũng đang dần hoàn thành khóa luận tốt nghiệp. Em mong rằng, đề tài khóa luận tốt nghiệp của em có thể sẽ là một bàn đạp giúp em tiếp tục phát triển đề tài đó trong tương lai.

Cảm ơn em và một lần nữa chúc mừng em với thành quả xuất sắc này! Mong em tiếp tục thành công hơn nữa tại Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN với sự hướng dẫn của các thầy cô UEB!

* Thông tin chi tiết về bài báo do Phương Thảo đồng tác giả trên Tạp chí Forum for Social Economics của NXB uy tín Taylor and Francis:  https://doi.org/10.1080/07360932.2022.2037448


Thùy Dung - UEB Media