Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Xanh hóa và số hóa trong Thương mại và Đầu tư quốc tế - hàm ý chính sách cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh giải quyết hậu Covid-19

Ngày 26/11/2021, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” CIECI 2021, phối hợp cùng Trường Đại học Adelaide, Úc và Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan.


Ngày 26/11/2021, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã chủ trì tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” CIECI 2021, phối hợp cùng Trường Đại học Adelaide, Úc và Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan. Hội thảo được được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tài trợ của Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam (FNF Việt Nam), với sự tham dự của 400 khách mời đến từ nhiều cơ quan hoạch định chính sách (Văn phòng Chính phủ, Thanh tra chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...), đại diện các Đại sứ quán tại Việt Nam (Đại sứ quán Australia, Anh, Ailen, Nhật Bản, Thụy Điển, Cộng hòa Bulgaria, New Zealand, Ba Lan); các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đây là Hội thảo thứ 9 nằm trong chuỗi Hội thảo thường niên về Hội nhập Kinh tế quốc tế CIECI (Conference on International Economic Cooperation and Integration) được khởi xướng từ năm 2013 tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Hội thảo là diễn đàn để các học giả, các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thảo luận về xanh hoá và số hoá các hoạt động thương mại và đầu tư, tăng cường trao đổi học thuật cũng như thực tiễn trong vấn đề nóng đang được nhiều quốc gia quan tâm.

PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đánh giá cao những đóng góp khoa học và khuyến nghị chính sách của các diễn giả tham dự hội thảo.
Giáo sư Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia Viện Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom tại Việt Nam

 Trong bài phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chia sẻ: "Với tư cách là một trong những trường đại học nghiên cứu hàng đầu về kinh tế và kinh doanh, trường Đại học Kinh tế - đơn vị thành viên dẫn đầu của ĐHQGHN, đã từng bước hiện thực hóa tầm nhìn trở thành trường đại học theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, xếp hạng ngang tầm với các đại học tiên tiến trong khu vực Châu Á.  Nhà trường đã và đang thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu với các nước trong khu vực và trên thế giới; tạo ra một môi trường học thuật giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam chủ động trao đổi, giao lưu tri thức với các đồng nghiệp trong mạng lưới nghiên cứu quốc tế; đồng thời thu hút được nhiều diễn giả quốc tế tham gia hội thảo, trao đổi học thuật và làm việc, trong đó có việc tổ chức Hội thảo “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”. Chúng tôi tin tưởng rằng Hội thảo sẽ thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cúu khoa học trong lĩnh vực kinh tế và kinh doanh; đồng thời bổ sung thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần đưa Việt Nam hội nhập thành công với thế giới.”

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số - vấn đề của toàn cầu trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động chưa từng có trong tiền lệ trên phạm vi toàn cầu. Giãn cách xã hội ở nhiều quốc gia đã làm gián đoạn hoạt động sản xuất, thương mại và đầu tư, gây ra sự đứt gãy các chuỗi giá trị toàn cầu. Nền kinh tế thế giới đã rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cùng với đó, biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ hết, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của con người trên nhiều khía cạnh, bao gồm cả các hoạt động kinh tế và quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở khắp nơi trên thế giới được đẩy mạnh, đã và đang góp phần giúp các quốc gia và doanh nghiệp vượt lên khó khăn của đại dịch toàn cầu, giúp hoạt động giao tiếp, kết nối, kinh doanh sản xuất, thương mại và đầu tư của con người được duy trì và tiếp tục phát triển.

Trong bối cảnh đó, các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế theo hướng tích hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là một lựa chọn góp phần giúp các quốc gia thúc đẩy phát triển bền vững và chủ động phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Một trong những vấn đề nóng ở các diễn đàn nghị sự thế giới là mục tiêu trung hoà cacbon để phục hồi xanh từ COVID-19. Hơn 190 quốc gia đã đồng ý thực hiện Thỏa thuận Paris và các thỏa thuận Glasgow mới. Tại Hội thảo CIECI 2021 lần này, GS. Peter Draper, Trưởng Khoa Kinh tế và Chính sách công, Giám đốc Viện Thương mại Quốc tế, Trường ĐH Adelaide, Úc đã đề cập đến đề xuất của EU về cơ chế điều chỉnh giới hạn cacbon. EU đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện các biện pháp để đáp ứng chứng chỉ về chỉ tiêu cacbon, nhất là với các doanh nghiệp nhập khẩu vào EU.

So sánh thống kê các chỉ số hạn chế thương mại số, GS. Craig Robert Parsons, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản cho biết, có nhiều chỉ số đánh giá khác nhau như ECIPE và OECD, ở từng nhu cầu đánh giá ở các quốc gia khác nhau mà sử dụng những tiêu chí của chỉ số đó.

GS. Craig Robert Parsons, Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản trình bày tham luận tại Hội thảo
Prof. Robin K. Chou - Giáo sư danh dự về Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Châu Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Thương mại, Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan trình bày trong Hội thảo với chủ đề: “Tâm lý CEO và việc nắm giữ tiền mặt của công ty: Bằng chứng từ các dòng tweets của CEO trên Twiter”.

Một vấn đề khá thú vị về tâm lý của CEO đã được Prof. Robin K. Chou - Giáo sư danh dự về Tài chính, Chủ tịch Hiệp hội Tài chính Châu Á, Phó Chủ nhiệm Khoa Thương mại, Trường Đại học Quốc gia Chengchi, Đài Loan trình bày trong Hội thảo với chủ đề: “Tâm lý CEO và việc nắm giữ tiền mặt của công ty: Bằng chứng từ các dòng tweets của CEO trên Twiter”. Theo kết quả nghiên cứu về đặc điểm của 5 nhóm tính cách của CEO thể hiện trên các mạng xã hội, trong đó nổi bật là Twiter Với những lãnh đạo đang là trung tâm của công chúng, giáo sư Chou cho biết, những CEO càng bất ổn tâm lý thì càng nắm giữ tỷ lệ tiền mặt của doanh nghiệp cao hơn. Những minh chứng được diễn giả đưa ra phân tích là những như CEO nổi tiếng như tỷ phú Elon Musk - người nắm giữ 15.2% tiền mặt của Tesla, tỷ phú Warren Buffet, …

Cũng theo nghiên cứu, việc nắm giữ tiền mặt tỷ lệ cao và tâm lý bất ổn của CEO ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp. Ở các ví dụ tiêu biểu cho thấy sự bất ổn tâm lý của CEO lại làm tăng giá trị doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình ảnh hưởng của COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Diệu Trinh - Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường Bộ Kế hoạch và Đầu tư mang đến Hội thảo những thông tin về kết quả của COP 26 và tác động đến thương mại và đầu tư quốc tế tại Việt Nam.

Lê Thị Hà - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho biết, một trong những điểm nhấn để thay đổi trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi về nhận thức của doanh nghiệp và người dân. Vấn đề đặt ra là cần thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương về thương mại điện tử và kinh tế số để đảm bảo cân bằng cho sự phát triển vĩ mô cũng như hoàn thiện chính sách, thể chế trong phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam.

Hội thảo “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh” thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia đến từ các nước.

Đánh giá về những kết quả thích ứng của Việt Nam trong tình hình mới, PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT HTX Liên hiệp Kinh tế số Việt Nam, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh, Công ty CP XNK&TM Green Path Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam - Armenia, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại Việt Nam cho biết: “COVID-19 đã có nhiều tác động tiêu cực trên phạm vi toàn cầu, gây ra đứt gãy thương mại toàn diện. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những thích ứng nhanh chóng để khắc phục những rào cản của giãn cách xã hội, triển khai nhiều hoạt động phù hợp với tình hình mới. Ứng dụng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đã mang lại những tác động tích cực với thị trường, phục hồi nhanh nền kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.”

Chiến lược thương mại của EU hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh và các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Phiên thảo luận về Xanh hóa và số hóa trong thương mại và đầu tư quốc tế - Hàm ý chính sách cho Việt Nam đã có sự tham gia của nhà khoa học, đại diện từ các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương; đại diện của FNF Việt Nam và Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Thương Mại Green Path Việt Nam. Các chuyên gia tập trung chia sẻ về chính sách số hoá và xanh hoá của các nước, khu vực và của Việt Nam; kinh nghiệm của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Kết quả của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu cũng như những tác động của các kết quả trên cũng được chia sẻ tại phiên thảo luận này.

Theo các chuyên gia, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ). Quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển rất nhanh và hiệu quả với kim ngạch hai chiều tăng hơn 12 lần từ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên gần 50 tỷ USD năm 2020; xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 13 lần từ 2,8 tỷ USD lên 35,1 tỷ USD năm 2020. Năm 2020, Việt Nam là nước xuất siêu sang thị trường EU với mức xuất siêu 29.307,1 triệu USD.

Theo PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, chiến lược thương mại mới của EU đã có nhiều điểm mới quan trọng, tự chủ chiến lược mở với mục tiêu xanh hóa và số hóa hướng tới công bằng, bền vững, đưa EU thành khối dẫn dắt toàn cầu về thương mại. Việc ký kết và thực thi Hiệp đinh EVFTA mang đến nhiều thuận lợi cho Việt Nam trong điều kiện EU áp dụng chiến lược thương mại mới.

Việt Nam đang gặp phải nhiều vấn đề khó khăn để đáp ứng các quy định của EU như các biện pháp phi thuế quan, các quy định về phòng vệ thương mại, các vấn đề phát triển bền vững, lao động, nhân quyền với thương mại, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam lại đứng trước nhiều cơ hội, như việc khi những hiệu ứng tích cực khi EU giảm bớt sự phụ thuộc từ Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế hơn nhờ quá trình chuyển dịch chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam sẽ có nhiều thời cơ để chứng minh và tạo sự khác biệt của Việt Nam so với Trung Quốc theo tiêu chuẩn mới của EU, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới xanh, sạch, hiện đại.

PGS.TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho biết Việt Nam có nhiều cơ hội trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững.

Với những phân tích về thách thức, thời cơ trên, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong việc phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đó là Việt Nam cần xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến nền kinh tế xanh, bền vững và kỹ thuật số để đáp ứng tiêu chuẩn của EU; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển quốc gia về kinh tế số và xã hội số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, phát triển chuỗi giá trị xanh & bền vững, không chỉ tập trung vào các sản phẩm cuối cùng xanh để đáp ứng các tiêu chí quan trọng (minh bạch, trách nhiệm với môi trường thành mô hình cạnh tranh, mở rộng các sáng kiến ​​từ tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô đến hậu cần cuối cùng…); phát triển công nghiệp hỗ trợ (nguyên liệu đầu vào phải xanh: phân bón, linh kiện, ...); khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn để giúp các công ty trong nước tiếp cận thị trường EU cũng là những nội dung mà các chuyên gia khuyến nghị tại Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 30 bài viết giàu giá trị lý luận và thực tiễn tập trung vào ba nhóm chủ đề chính: (1) Kinh tế xanh, (2) Kinh tế số, và (3) Phát triển bền vững của các học giả đến từ các trường đại học trong và ngoài nước (Úc, Ba Lan, Nga, Đài Loan, Nhật Bản..) và được thảo luận trong phiên buổi chiều.

Đánh giá về giá trị của Hội thảo, PGS.TS Mai Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT HTX Liên hiệp Kinh tế số Việt Nam cho biết: “Tôi ấn tượng với sáng kiến của Trường Đại học kinh tế, ĐHQGHN khi tổ chức Hội thảo “Thương mại và đầu tư quốc tế hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”. Hội thảo đã đề cập tới vấn đề mà cả nhân loại cũng như Việt Nam đang chạy đua để giải quyết, đó là công cuộc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đang diễn ra trên toàn thế giới. Thành tựu của công cuộc chuyển đổi này đã thể hiện rõ, giúp toàn nhân loại thích ứng với những khó khăn chưa từng có, thu được nhiều kết quả để phần nào giảm bớt sự đứt gãy của chuỗi kinh tế, luân chuyển hàng hóa và phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội… Hy vọng với các ý kiến của diễn giả, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia, Hội thảo sẽ có tác dụng lan tỏa lớn, góp phần giúp Việt Nam tiến nhanh tới hội nhập kinh tế, chuyển đối số và chuyển đổi xanh hiệu quả”.

Tin bài liên quan:

Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Anh 2021 và cơ hội rộng mở cho quan hệ hợp tác chiến lược đảm bảo phát triển bền vững của hai quốc gia 

Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2021: Đề cập đến những vấn đề nóng về vị thế của Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu


Bài và ảnh: Thùy Dzung – Quang Trung – UEB Media