Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
UEB - Nâng cao năng lực nghiên cứu, công bố quốc tế cho giảng viên, cán bộ với các chương trình Đào tạo nội bộ 2021

Trong 3 ngày 3,4,10/7/2021, có hơn 400 lượt GV, CB đã tham gia Khóa đào tạo nội bộ nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế. Chương trình do trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức theo định hướng phát triển mạnh mảng nghiên cứu khoa học, khẳng định chất lượng của đội ngũ và các đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, định hình thương hiệu cá nhân và nhà trường trên “bản đồ uy tín học thuật” của Việt Nam và khu vực. Đây cũng là cơ hội giao lưu kết nối, trao đổi kinh nghiệm học thuật, chia sẻ bí quyết, các mô hình mới giữa các chuyên gia và giảng viên trong hoạt động nghiên cứu.


Các diễn giả là 5 trong số những nhà khoa học của UEB đã có những dấu ấn nhất định trong quá trình NCKH, công bố quốc tế, đó là: PSG.TS Lê Đình Hải – Phó trưởng khoa KTPT; TS. Lưu Quốc Đạt – Phó Trưởng khoa KTPT; TS. Nguyễn Thị Vĩnh Hà – Phụ trách bộ môn Kinh tế Tài nguyên Môi trường, Khoa KTPT; TS. Vũ Văn Hưởng – Chủ nhiệm bộ môn Thống kê & Phương pháp nghiên cứu Kinh tế, Khoa... và TS. Nguyễn Thế Kiên – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dữ liệu và Phân tích Kinh tế - Xã hội (CSEAD).Khóa đào tạo chia thành 6 chuyên đề từ tổng quát đến chuyên sâu về lĩnh vực nghiên cứu:         

Chuyên đề 1: Cơ sở lựa chọn mô hình phân tích định lượng         

Chuyên đề 2: Ứng dụng mô hình Bayesian Belief Network (BBN) trong nghiên cứu kinh tế xã hội         

Chuyên đề 3: Lý thuyết và ứng dụng mô hình DEA và SFA         

Chuyên đề 4: Lý thuyết và thực hành mô hình SEM         

Chuyên đề 5: Lý thuyết và thực hành machine learning trong kinh tế và quản trị         

Chuyên đền 6: Kỹ năng viết và công bố bài báo quốc tế  

Khóa đào tạo với 6 chuyên đề chuyên sâu là cơ hội trau dồi và phát triển toàn diện từ kiến thức đến kỹ năng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên

Thông qua các bài trình bày, diễn giả mang lại những kiến thức, thông tin để tiếp cận với các mô hình kinh tế như BBN (Bayesian Belief Network), SEM (Structural Equation Modeling), DEA (Data Envelopment Analysis), SFA (Stochastic Frontier Analysis), Machine Learning, … từ lý thuyết đến thực tế đã giúp các giảng viên tham gia có cái nhìn bao quát nhất về các vấn đề trong nghiên cứu cũng như quản trị. Lựa chọn áp dụng mô hình nào trong nghiên cứu, nghiên cứu các biến số như thế nào, phân tích mối quan hệ giữa các biến ra sao, sử dụng phương pháp phân tích số liệu nào là phù hợp,… Tất cả những thắc mắc chuyên ngành chuyên sâu về từng vấn đề trong nghiên cứu được giải đáp qua từng chuyên đề trong khóa đào tạo.

Với sự tham gia của các Phó giáo sư, Tiến sĩ hàng đầu, khóa đào tạo là không gian trao đổi mở, đưa ra những giải pháp thực tiễn cho các vấn đề được đặt ra

Cũng trong mỗi chuyên đề, các diễn giả đều đem đến những “bài toán” kinh tế thực tế, thiết thực trong xã hội để các giảng viên có cơ hội áp dụng những lý thuyết được đào tạo, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp để giải quyết thực tiễn. Việc áp dụng tức thời lý thuyết gắn với thực tiễn giúp các giảng viên ghi nhớ kiến thức cũng như hiểu rõ các vấn đề trong quá trình nghiên cứu, đồng thời có thể tìm ra những giải pháp tốt nhất để “gỡ rối” những khó khăn mà mình đang gặp phải trong công tác nghiên cứu.

Định hướng phát triển nghiên cứu trong đội ngũ giảng viên

Với định hướng phát triển nghiên cứu ứng dụng, xây dựng, mở rộng uy tín học thuật ra phạm vi quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã thu được những thành quả nổi bật bước đầu, trong đó đặc biệt nhất là đóng góp vô cùng quan trọng của UEB vào chỉ số xếp hạng 501-550 QS Rankings của VNU ở lĩnh vực Kinh doanh và Nghiên cứu quản lý (Business & Management Studies). Theo đó việc xây dựng được mạng lưới nhà khoa học, uy tín trong giới hàn lâm (Academic Reputation); tỉ lệ trích dẫn trung bình trên một bài báo (Citations per paper); chỉ số H-index đo lường năng suất và mức độ tác động của các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên đã được tăng cao và tác động tích cực vào kết quả lần đầu tiên 1 đơn vị giáo dục của Việt Nam được ghi nhận xếp hạng trong lĩnh vực này.

Để có được thành quả như trên là sự cố gắng, nỗ lực cá nhân của các nhà khoa học, các giảng viên UEB đã luôn tìm tòi, sáng tạo không ngừng nghỉ và cũng là thành quả của quá trình xây dựng môi trường, kích thích sự đam mê, định hướng đúng đắn của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN. Nhà trường luôn tự hào vì có một đội ngũ giảng viên là các nhà khoa học, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có nhiều thành tích nghiên cứu nổi bật cũng như có những công trình công bố giá trị quốc tế và trong nước.

Khóa đào tạo đem đến cái nhìn chuyên sâu về các vấn đề nghiên cứu từ lý thuyết đến “bài toán” thực tế trong xã hội 

Khóa đào tạo này được thực hiện không chỉ mang lại không gian để giảng viên của các Khoa/Viện giao lưu, trao đổi kiến thức mà còn là cơ hội để đội ngũ giảng viên trẻ của nhà trường được học hỏi và trau dồi kiến thức cũng như kỹ năng nghiên cứu từ thế hệ “tiền bối”. Đây cũng là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu của nhà trường là phát triển và lan tỏa “tinh thần” nghiên cứu, xây dựng cộng đồng giảng viên, nhà khoa vững chuyên môn, giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh, thương hiệu cá nhân và đóng góp ngày càng nhiều vào uy tín học thuật của Trường ĐH Kinh tế - ĐHQGHN.

Đại học Kinh tế - Điểm đến của những nhà nghiên cứu với các công bố quốc tế “khủng”

Thuộc top đầu các thành viên có nhiều công bố quốc tế của ĐHQGHN, trường Đại học Kinh tế “sở hữu” lượng giảng viên là các tác giả có số lượng cũng như chất lượng công bố quốc tế giá trị, sức nghiên cứu bền bỉ và cũng đã “bỏ túi” không ít những công bố quốc tế “khủng” được xuất hiện trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS. Với phương châm “Học, học nữa, học mãi”, bên cạnh chia sẻ những kiến thức và phương pháp nghiên cứu hiện đại, trong khóa học này, đội ngũ giảng viên của nhà trường cũng được đào tạo kỹ năng viết và công bố bài báo quốc tế nhằm nâng cao kỹ năng và tạo không gian chia sẻ kinh nghiệm, tri thức. Đây cũng là cơ hội để các giảng viên đã, đang và sẽ có những công bố quốc tế trau dồi thêm kĩ năng của mình, tiếp tục có những cống hiến trên con đường NCKH, khẳng định vị thế đội ngũ giảng viên UEB trong nước và thế giới.

Khóa đào tạo đem đến cái nhìn chuyên sâu về các vấn đề nghiên cứu từ lý thuyết đến “bài toán” thực tế trong xã hội 

Kết thúc 6 chuyên đề chuyên sâu, Khóa đào tạo “Nâng cao năng lực nghiên cứu quốc tế” trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ các thành viên tham dự. 

“Em cảm ơn thầy Hải đã giới thiệu Netica, bản thân em cảm nhận phần mềm được lập trình quá hay, các theo tác đơn giản so với khi build BNN trên SAS. giúp rút ngắn rất nhiều thời gian, kết quả hiển thị cả hình ảnh mạng lưới, quá thiết thực ạ! Em hy vọng sẽ có những chia sẻ chuyên sâu thêm về phần mềm”. Đó là lời chia sẻ của cán bộ giảng viên khi tham gia khóa đào tạo ngắn hạn. Trong thời gian tới, sẽ còn tiếp tục có những hoạt động, buổi đào tạo, giao lưu trao đổi kinh nghiệm để UEB thực sự sẽ là môi trường, là “cái nôi” để “Kích thích Sáng tạo – Nuôi dưỡng Say mê”.


Thu Trang _ UEB Media