Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Trường ĐHTK - ĐHQGHN tham dự hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu giáo dục đại học: kinh nghiệm thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa”

PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN phát biểu tại hội thảo.
Từ ngày 10 đến 11/8/2009, tại TP. Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễn ra Hội thảo quốc tế “Xây dựng thương hiệu giáo dục đại học: kinh nghiệm thực tiễn trong bối cảnh toàn cầu hóa” do Tổ chức Bộ trưởng giáo dục các nước Ðông Nam Á (SEAMEO) tổ chức. Đây là hội thảo quốc tế quy mô lớn về xây dựng thương hiệu đại học với sự tham dự của trên 40 đại biểu quốc tế đến từ các quốc gia: Mỹ, Thụy Sĩ, Australia, Thailand, Anh… và hơn 150 đại biểu đến từ các trường đại học trên cả nước.


Đoàn đại biểu của Đại học Quốc gia Hà Nội do GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN dẫn đầu cùng Hiệu trưởng các trường đại học thành viên và Chủ nhiệm Khoa Quốc tế đã tham gia hội thảo.
PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã thay mặt đoàn trình bày tham luận với chủ đề “Xây dựng thương hiệu đại học tại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế”. Trong bài tham luận, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đã khái quát các vấn đề mang tính lý luận về thương hiệu nói chung và thương hiệu đại học nói riêng, và sử dụng tình huống thực tiễn về thực trạng thương hiệu Đại học Quốc gia Hà Nội để nêu lên nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến khía cạnh hoạch định chiến lược thương hiệu đại học như: Cấu trúc thương hiệu đại học; Vai trò của thương hiệu đối với đại học; Chiến lược phát triển thương hiệu và các tiêu chí đánh giá thương hiệu đại học… Kết thúc bài tham luận PGS.TS Phùng Xuân Nhạ kết luận: “Chất lượng là yếu tố cốt lõi tạo lên thương hiệu đại học, chỉ có chất lượng và duy trì được chất lượng đại học mới có thương hiệu, khi đó thương hiệu sẽ là tài sản lớn của đại học. Vì vậy, trong môi trường cạnh tranh, doanh nghiệp hay trường đại học đều cần phải có chiến lược thương hiệu. Chiến lược thương hiệu phải được coi là một phần trong chiến lược phát triển của mỗi đại học. Thương hiệu đại học thể hiện danh tiếng và năng lực cạnh tranh của trường đại học đó (giá trị của trường đại học được xem xét dưới khía cạnh chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ khoa học…). Mỗi đại học cần có chiến lược thương hiệu và quản trị thương hiệu riêng phù hợp với đặc điểm và quy mô đào tạo của trường”. Bài phát biểu của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ đã thu hút được sự quan tâm và trao đổi của hội thảo.
Cùng với quan điểm của PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, GS.TS Mai Trọng Nhuận và nhiều đại biểu cũng tập trung nhấn mạnh: Hiện nay, thương hiệu giữ vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của một đơn vị, tổ chức. Do đó, việc xây dựng thương hiệu trong giáo dục đại học đã trở nên rất cấp bách, nhất là xây dựng thương hiệu gắn với công tác kiểm định và bảo đảm chất lượng; kèm theo đó là xây dựng quan hệ, hợp tác quốc tế. Các đại biểu cũng quan tâm đến phương thức xây dựng thương hiệu cho các trường đại học ở khu vực Ðông Nam Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng nhằm tạo dựng nên những trường đại học danh tiếng.
Các kinh nghiệm, ý kiến của các trường đại học, trung tâm đào tạo quốc tế đóng góp tại hội thảo sẽ là những tham khảo, bài học để giáo dục đại học ở nước ta có thể xây dựng thương hiệu tốt hơn.


Trần Việt Dũng Khoa QTKD - ĐHKT, ĐHQGHN