Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp ĐHQGHN mã số QG.06.09

Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài NCKH cấp ĐHQGHN
Sau khi bảo vệ cấp cơ sở vào ngày 12/6/2008, ngày 12/9/2008 PGS.TS Trịnh Thị Hoa Mai, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường ĐHKT, đã bảo vệ cấp ĐHQG đề tài "Cải cách hệ thống ngân hàng ở Việt Nam và Trung Quốc: Nghiên cứu so sánh và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam" mang mã số QG.06.09.


Trong phần tóm tắt kết quả đã nghiên cứu, PGS.TS Trịnh Thị Hoa Mai đã nêu khái quát bức tranh tổng thể về hệ thống ngân hàng Việt Nam và Trung Quốc, và nhấn mạnh quá trình cải cách hệ thống ngân hàng ở hai quốc gia có rất nhiều nét tương đồng: mạng lưới lớn, tập trung cao, cho vay là chủ yếu, dịch vụ yếu... Tiến trình cải cách hệ thống ngân hàng ở Trung Quốc bắt đầu năm 1979, còn ở Việt Nam là năm 1986 và đều đi theo mô hình hệ thống ngân hàng kết hợp nhưng cả hai hệ thống ngân hàng đều có bất cập chung là cải cách trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra chậm hơn các lĩnh vực khác. Tác giả cho rằng công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng ở Việt Nam đang ở ngã ba đường và Việt Nam cần một triết lý phát triển cho hệ thống ngân hàng. Tác giả cũng gợi ý một số triết lý như “Chịu đau để tiến”, “Đau đến đâu tiến đến đấy”…
Hội đồng xét duyệt đề tài đã đưa ra nhiều ý kiến nhận xét về kết quả nghiên cứu của tác giả. TS. Nguyễn Trọng Tài (Học viện Ngân hàng, Phản biện 1) cho rằng đây là đề tài lớn với khối lượng kiến thức sâu rộng, cách tiếp cận khoa học, logic. Trong bối cảnh hiện nay những công trình nghiên cứu về tiến trình đổi mới hệ thống ngân hàng như thế này là hết sức cần thiết và luôn được đánh giá cao “có ý nghĩa sâu sắc về lý luận, đáp ứng được thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam đang đòi hỏi”.
TS. Bùi Thiên Sơn (Viện Chiến lược Chính sách - Bộ KHĐT, Uỷ viên Hội đồng) cũng đánh giá đây là công trình nghiên cứu đồ sộ huy động được đông đảo các nhà khoa học có uy tín tham gia, khối lượng tài liệu tham khảo lớn, chủ yếu sử dụng tư liệu nước ngoài; Đề tài có giá trị lý luận và thực tiễn cao và sẽ được đánh giá cao hơn nữa nếu tác giả nêu bật những khiếm khuyết, nhược điểm của hệ thống ngân hàng Trung Quốc thành bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (bộ máy cồng kềnh, chậm đổi mới…).
PGS.TS Phạm Hồng Tung (Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ - ĐHQGHN, Uỷ viên Hội đồng) đưa ra bình luận từ trước đến nay mọi người thường quan niệm các công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn không có tính ứng dụng thì đây chính là minh chứng phản bác lại quan điểm trên vì giá trị thực tiễn của công trình này là rất lớn trong việc gợi ý chính sách cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Trên cơ sở các ý kiến nhận xét, đánh giá của các thành viên hội đồng, TS. Nguyễn Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội đồng, kết luận: “đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cao, có khả năng ứng dụng thực tế cho Việt Nam” và đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội cho xuất bản thành sách sau khi đề tài đã chỉnh sửa theo góp ý của Hội đồng.