Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Hội thảo “Phương pháp xây dựng đề cương luận án nghiên cứu tiến sĩ” với Giáo sư Trường ĐH Massey

GS. Stuart Birks thuyết trình tại hội thảo
Nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho các cán bộ, giảng viên chuẩn bị làm nghiên cứu sinh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN tổ chức Hội thảo “Phương pháp xây dựng đề cương luận án nghiên cứu tiến sĩ” vào ngày 8 và 9/4/2010.


Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước là các ứng viên tiềm năng cho Chương trình phối hợp đào tạo tiến sĩ.
Tại hội thảo, GS. Stuart Birks đã chia sẻ với các ứng viên những kinh nghiệm trong việc xây dựng đề cương nghiên cứu khoa học để làm tiến sĩ tại các trường đại học trên thế giới, cách viết bản đề cương nghiên cứu khoa học và ý tưởng khoa học.
Theo GS. Stuart Birks, nội dung nghiên cứu của một đề tài khoa học được phản ánh một cách cô đọng nhất trong tiêu đề/ tên của nó. Vì vậy, việc lựa chọn tên đề tài có ý nghĩa hết sức quan trọng. Giáo sư nhấn mạnh, tên đề tài cần có tính đơn nghĩa, khúc triết, chuyên biệt, không trùng lặp với tên các đề tài đã có, không dẫn đến những hiểu lầm, hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đề tài phải phù hợp với mã ngành đào tạo; không nên có nội dung nghiên cứu quá rộng; vần đề được nghiên cứu phải có giá trị khoa học và thực tiễn. GS. Stuart Birks khuyên các ứng viên nên đi sâu vào nghiên cứu từ một đến hai vấn đề để kết luận có tính khoa học cao và cần tránh các đề tài có chung nhiều chuyên ngành hay quá đặc thù - đây cũng lỗi mà rất nhiều nghiên cứu sinh mắc phải.
Một đề cương nghiên cứu luận án tiến sĩ thường gồm 6 phần chính: Đặt vấn đề; Tổng quan tài liệu; Nội dung, địa điểm, vật liệu và phương pháp nghiên cứu; Dự kiến kết quả; tiến độ; Tài liệu tham khảo. Trong đó, tổng quan tài liệu là phần rất quan trọng mà nghiên cứu sinh cần trình bày kỹ, có logic các vấn đề để thể hiện đúng tầm quan trọng của đề tài.
Kết luận cho bài thuyết trình, Giáo sư nhấn mạnh: “Nghiên cứu giống như một quá trình điều tra, vì vậy, đừng hy vọng có thể đoán được kết quả trước khi bắt đầu và kết quả cuối cùng có thể rất khác so với ý tưởng ban đầu”
Không khí của Hội thảo càng trở nên sôi nổi khi các ứng viên tích cực thảo luận, trao đổi với GS. Stuart Birks về cách chọn đề tài nghiên cứu, cách trình bày đề cương nghiên cứu sinh, phương pháp giải quyết các vấn đề cần nghiên cứu và được diễn giả giải đáp chi tiết, nhiệt tình.

Nguyễn Bình Minh - Ảnh: Thùy Dung