Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
TS Quách Mạnh Hào: Nếu xăng và điện tiếp tục tăng giá, CPI tháng 4 chưa phải đỉnh

TS. Quách Mạnh Hào
Dựa trên đánh giá của cá nhân và dự báo của các chuyên gia của JPMorgan Chase, Barclays Capital, ông Hào cho rằng CPI trung bình năm khoảng 17-18%.


Trước những diễn biến khó lường của chỉ số giá tiêu dùng cả nước khi giá các mặt hàng trọng yếu như xăng, điện liên tục được điều chỉnh tăng, nhiều nhận định cho rằng CPI trung bình năm (y/y) của cả nước năm 2011 có khả năng lên tới 17%.

Chúng tôi xin trích đăng nhận định được viết trên trang cá nhân của Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, công tác tại CTCP Chứng khoán Thăng Long (TLS) và Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà nội) về 2 kịch bản lạm phát có khả năng xảy ra trong năm 2011.

“Tôi không phải chuyên gia kinh tế vĩ mô, cũng không phải là một nhà mô hình hóa chuyên nghiệp, nhưng khi người ta nói nhiều tới dự kiến tỷ lệ lạm phát năm 2011, tôi cũng cố gắng vận dụng những kiến thức thống kê của mình để xem liệu lạm phát sẽ diễn biến thế nào.

Và đây là những gì tôi tìm thấy qua mô hình thống kê của mình. 

Hai kịch bản CPI

Trong một kịch bản tốt, nghĩa là nếu thông tin tăng giá xăng và giá điện không phải là hiện thực, hoặc không tạo ra tác động đột biến, CPI tháng Tư (m/m- so với tháng trước) là cao nhất, nói bình dân là đạt đỉnh.

Nhưng với dân kinh tế học, điều này chỉ có nghĩa là giảm biên, tức là tốc độ tăng chậm lại, bởi CPI (y/y - so với cùng kỳ năm trước) vẫn tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh vào tháng Tám ở mức 21.92% trước khi giảm dần và kết thúc năm ở mức khoảng 13.08%, trung bình CPI (y/y) cả năm 2011 là 17.23%. Điều này là do tôi dự kiến có tình trạng CPI (m/m) âm trong các tháng cuối năm.

Tuy nhiên, trong một kịch bản xấu hơn, nghĩa là điều dân chúng tin về chuyện tăng giá xăng dầu và giá điện trong thời gian tới là thật và nó sẽ tiếp tục tác động lên giá cả, CPI tháng Tư (m/m) chưa phải là đỉnh.

Khi đó, CPI (y/y) được dự báo sẽ tăng cao hơn trường hợp trước, ở mức 25.60% vào tháng Tám, trước khi giảm dần và kết thúc năm khoảng 17.14%, trung bình CPI (y/y) cả năm là 19.51%. Cũng như trường hợp trước, tôi dự kiến các tháng cuối năm sẽ có tình trạng thiểu phát. 

Điểm chung trong cả hai trường hợp trên là đỉnh của CPI y/y rơi vào tháng Tám.


(Theo kịch bản tốt, CPI (y/y) trung bình năm khoảng hơn 17%,
lạm phát năm 2011 khoảng hơn 13%)


Từ kết quả nêu trên, nếu nhìn vào các nhận định của một số chuyên gia khác, chúng ta có thể hình dung ra một bức tranh CPI chung cho năm 2011.

Chẳng hạn, Tổng cục thống kê nhận định CPI (m/m) đã đạt đỉnh trong tháng Tư, điều này sẽ giúp tôi tự tin hơn về trường hợp tốt nêu trên.

Còn Ngân hàng JPMorgan Chase thì đưa ra dự báo lạm phát ở Việt Nam sẽ đạt đỉnh vào tháng Tám với mức tăng 22% (y/y) và đạt 18% trong năm 2011. Hoặc như Barclays Capital dự báo thì CPI (y/y) sẽ vào khoảng 21-22% vào giữa năm và kết thúc năm CPI (y/y) trung bình cả năm là 17.5%.

Điểm chung ở đây là các con số 21-22% (vs 21.92%) tháng Tám và mức trung bình năm khoảng 17%-18% (lạm phát năm 2011 khoảng 13,08%). Như vậy, tôi tin rằng trường hợp tốt nhiều khả năng sẽ diễn ra.

Phản ứng của TTCK

Nếu chúng ta cần một điều gì liên hệ tới thị trường chứng khoán năm 2008 thì mức CPI y/y khi đó cũng nằm tại tháng Tám còn thị trường chứng khoán thì tăng trưởng mạnh trong hai tháng kể từ cuối tháng Sáu đến cuối tháng Tám. Đỉnh của CPI (m/m) thời kỳ đó rơi vào tháng Năm.

Nếu bạn tin rằng việc chống lạm phát là có tính chu kỳ thì bạn hoàn toàn có thể luận được lời giải cho việc khi nào thị trường chứng khoán sẽ khả quan hơn trong tình cảnh hiện tại.

Còn cá nhân tôi thì suy nghĩ khá đơn giản thế này. Với bất cứ mức CPI như thế nào thì với nhà đầu tư cổ phiếu, xu thế của CPI đáng quan tâm hơn là con số cụ thể. Nếu quá khứ là cảnh báo của tương lai, nhà đầu tư thường phản ứng một cách ngây thơ (naïve) ngay khi nhìn thấy sự sụt giảm của CPI (m/m) bởi họ dễ nhầm lẫn giữa hai khái niệm tốc độ tăng lạm phát chậm lại và lạm phát đã đạt đỉnh. Điều này sẽ giúp cho thị trường có sự tăng điểm ngắn hạn dựa hoàn toàn vào yếu tố tâm lý.

Nhưng gần như ngay lập tức, những sự cân nhắc chín chắc sẽ thấy rằng cần thời gian để lạm phát (CPI y/y) thực sự sụt giảm. Sự tăng trưởng thực sự của thị trường (giả sử yếu tố lạm phát là quan trọng) chỉ có thể bền vững khi lạm phát thực sự đạt đỉnh bởi chỉ có điều này mới ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ lỏng hơn và mặt bằng lãi suất thấp hơn – những yếu tố thuận lợi cho thanh khoản chung trong nền kinh tế.

Tôi cho rằng thị trường hiện tại đang trong giai đoạn phản ứng ngây thơ, và sẽ chỉ trong giai đoạn phản ứng thực sự vào khoảng cuối tháng 6.

Phương pháp tính

Những kết quả thống kê đã được nêu ở trên nhưng tôi tin bạn đang tự hỏi tại sao tôi lại có những kết quả như vậy. Tôi đã làm một vài thao tác thống kê đơn giản với giả định về tính chu kỳ của chỉ số giá cả.

Bước một tôi tính toán trung bình mức CPI (m/m) theo từng tháng trong khoảng thời gian từ 2000 đến năm 2010 trong đó tôi loại bỏ tất cả những tháng có CPI lớn hơn 1.5%. Tôi làm vậy vì tôi tin rằng tăng hơn 1.5% thường sẽ là đột biến. Trung bình theo tháng sẽ là con số cơ sở.

Sau đó, tôi ước lượng các cú sốc CPI đơn giản bằng sự khác biệt giữa các tháng có xảy ra sốc (đột biến) với con số cơ sở nêu trên. Cuối cùng, tôi tìm tổng thời gian trong quá khứ xảy ra biến cố CPI đang bình thường bỗng nhiên tăng đột biến và sau đó lại trở lại bình thường. Tôi áp dụng khoảng thời gian này cho chu kỳ hiện tại.

Cuối cùng, tôi đưa ra dự báo CPI cho các tháng còn lại trong năm bằng cách lấy con số cơ sở cộng với sốc của giai đoạn hiện tại. Tôi có điều chỉnh con số cho phù hợp với giả định tăng hoặc không tăng giá xăng dầu và giá điện. Tuy nhiên, xu hướng CPI là kết quả khách quan từ phương pháp nêu trên”.

>> Xem bài gốc


CAFEF