Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Lạm phát có thể dao động từ 6,3% đến 9,3%

Vào ngày đầu tiên của quý 3, một số các cơ quan chức năng đã nhanh chóng công bố qua báo chí những thông cáo hàm chứa nhiều con số quan trọng của nền kinh tế, trong đó phải kể đến thông cáo của tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế nói chung, và của bộ Tài chính về tình hình ngân sách nói riêng. Từ những tài liệu này, có thể đưa ra một số nhận định sơ bộ như sau:


Tính chung sáu tháng đầu năm, GDP tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số điểm đáng lưu ý là sản lượng công nghiệp chỉ tăng 4,8% và vận tải hàng hoá tính bình quân hầu như không tăng (chỉ tăng 0,3% về khối lượng), trong đó ngoài loại hình vận tải đường bộ tăng, tất cả các loại hình khác đều giảm. Đây là hai chỉ số quan trọng cho thấy nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, vì sản lượng công nghiệp phản ánh sức mạnh cốt lõi của nền kinh tế và thương mại hàng hoá cho thấy mức độ nhộn nhịp của giao dịch kinh tế. Các con số khác có thể tăng giảm khác nhau, nhưng hai chỉ số này phản ánh sức khoẻ và mức độ năng động của nội bộ nền kinh tế. Do đó, có thể tạm nhận định rằng nền kinh tế vẫn chưa bước vào giai đoạn phục hồi thực sự.
Tổng đầu tư tăng mạnh, đạt 322,6 ngàn tỉ trong sáu tháng đầu năm. Điều này có lẽ một phần do chính sách kích thích đầu tư thông qua hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, nhìn vào cấu trúc lượng đầu tư mới theo thành phần sở hữu, thì vẫn chủ yếu đến từ khu vực nhà nước, chiếm 43,9% (tương đương 141,6 ngàn tỉ đồng), còn khu vực tư nhân nội địa chỉ là 34,1% (110 ngàn tỉ đồng). Trong khi đó theo số liệu của ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 6, thì khu vực tư nhân đã nhận vốn vay hỗ trợ lãi suất tới 224,5 ngàn tỉ đồng, còn khu vực nhà nước chỉ nhận 52,4 ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy nguồn vốn hỗ trợ lãi suất có lẽ được khu vực tư nhân sử dụng chủ yếu cho các mục đích ngắn hạn (ví dụ như trả lương công nhân, mua nguyên vật liệu, v.v…), còn khu vực nhà nước tăng trưởng đầu tư thông qua các nguồn khác, không phải vốn hỗ trợ lãi suất.
Về cân đối ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì chênh lệch thu chi ngân sách trong sáu tháng đầu năm là khoảng 33,45 ngàn tỉ đồng. Nguyên nhân đến từ cả hai phía, là nguồn thu giảm trong khi chi tiêu tăng. Tuỳ theo mức độ kích thích tài khoá từ nay đến cuối năm, mức độ thâm hụt cả năm có thể đạt 100 ngàn tỉ đồng. Như vậy, duờng như có thể kiểm soát được mức thâm hụt ngân sách dưới 8% GDP.
Cũng theo nguồn tin từ tổng cục Thống kê, cung tiền trong sáu tháng đầu năm tăng khoảng 16 – 17% so với cùng kỳ năm ngoái, điều này phản ánh chính sách nới lỏng tiền tệ đang phát huy tác dụng. Có ý kiến từ một số chuyên gia ở tổng cục Thống kê gần đây lo ngại vì mức tăng cung tiền lớn hơn mức tăng trưởng GDP. Nhưng thực tế đây không phải điểm cốt yếu, vì trên thực tế tăng trưởng cung tiền thường lớn hơn nhiều lần tăng trưởng GDP.
Chỉ có điều, hiện mức tăng trưởng cung tiền là khá mạnh nhưng chưa có dấu hiệu lạm phát tăng cao, theo chúng tôi, vì vài lý do. Thứ nhất, có độ trễ trong chính sách tiền tệ. Đỗ trễ này thường kéo dài khoảng sáu tháng. Thứ hai, vòng quay của tiền tệ trong nền kinh tế (hay tín dụng nội sinh) còn thấp, vì hoạt động kinh tế chưa phục hồi. Ngoài ra, những nguyên nhân hỗ trợ như mức giá nguyên liệu thô chưa tăng mạnh trở lại cũng là một nhân tố giúp mức giá chung chưa biến động mạnh. Nếu nền kinh tế thế giới và trong nước phục hồi song song (khiến hai nguyên nhân cuối cùng phát huy tác dụng), cộng thêm điểm rơi khi độ trễ của chính sách mở rộng tiền tệ, thì lạm phát có thể bùng lên rất nhanh do hiệu ứng cộng hưởng. Tuy nhiên, thường thì các nhân tố này sẽ phát huy tác dụng vào các thời điểm khác nhau, do đó, có thể không có sự đột biến trong mức tăng giá. Nhưng dù thế nào, chúng ta cũng rất cần thận trọng trong việc điều tiết lượng cung tiền và chính sách hỗ trợ lãi suất, vì điều này có thể khiến tín dụng chảy vào nền kinh tế quá mức cần thiết, gây áp lực lạm phát trong đầu năm 2010.
Với bức tranh kinh tế sáu tháng đầu năm đang dần hé lộ rõ ràng, chúng ta có thể phần nào suy đoán về viễn cảnh kinh tế của cả năm. Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát của năm nay có thể dao động từ 6,3% đến 9,3%. Điều đó có nghĩa là mục tiêu lạm phát một con số có thể đạt được. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở mức lạc quan sẽ đạt khoảng 4,7%, thấp hơn mức mục tiêu một chút. Chúng tôi cho rằng không cần đặt tham vọng cho tăng trưởng năm nay, mà điều lo ngại vẫn là lạm phát. Mặc dù mức lạm phát có thể dưới 10%, nhưng khi lạm phát năm nay tiến tới gần mức này, thì nguy cơ có lạm phát cao trong năm 2010 là hoàn toàn có thể do hiệu ứng tích luỹ, nếu chính sách kích thích kinh tế vẫn được thực hiện ở quy mô lớn như hiện nay, đặc biệt đối với chính sách nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ lãi suất. Có lẽ đã bắt đầu nên thận trọng cân nhắc việc thu hẹp dần dần các kế hoạch kích thích quy mô lớn.


TS Nguyễn Đức Thành Giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN] (SGTT)