Khoa Tài chính - Ngân hàng
 
Kinh tế năm 2008: Nhiều gam màu đan xen

Mặc dù có những khó khăn, song nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng năm 2008 vẫn hoàn thành kế hoạch.


Một bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế năm 2008 với nhiều gam màu, sắc thái khác nhau vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 sẽ khai mạc vào ngày 15/10 tới đây.
Cũng như mọi năm, mặc dù việc chỉ đạo điều hành kinh tế năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn, cả trong nước lẫn trên thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan nhưng về cơ bản, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng vẫn hoàn thành kế hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc, ngân sách nhà nước, tiền tệ - tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng lên; nhập siêu giảm dần.
Mặc dù lạm phát 9 tháng đầu năm tăng 21,87%, nhưng bội chi ngân sách vẫn bảo đảm dưới 5% GDP; tốc độ lạm phát đã được kiềm chế và nhiều khả năng chỉ tăng 24% - thấp xa so với con số mà các chuyên gia kinh tế đã từng dự báo cách đây vài tháng là tốc độ lạm phát năm 2008 vào khoảng 29 - 30%...
Ở phương diện vĩ mô, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng, kết quả trên có được là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và dư nợ tín dụng của nền kinh tế như tăng dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất cơ bản và đổi mới cơ chế lãi suất cho vay, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư chứng khoán và bất động sản, đồng thời có biện pháp quản lý đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) gặp khó khăn, tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động của các NHTM.
"Hệ quả tất yếu của các giải pháp mạnh mẽ này là tính đến đầu tháng 10/2008, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 6,54% so với thời điểm 31/12/2007, thấp hơn rất nhiều so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2007", Bộ trưởng Võ Hồng Phúc phát biểu và dự báo, tổng phương tiện thanh toán năm 2008 chỉ tăng 16 - 18%, tổng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế tăng dưới 30% - ngưỡng tối đa mà NHNN đặt ra hồi đầu năm.
Mặc dù đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, nhưng khi xem xét, đánh giá tình hình kinh tế năm 2008, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra không ít hạn chế, nếu không kịp thời khắc phục sẽ ảnh hưởng, tác động không tốt tới tình hình kinh tế năm 2009 và những năm tiếp theo.
Đơn cử, mặc dù thu ngân sách vượt 76 nghìn tỷ đồng, nhưng nếu loại bỏ yếu tố tăng thu nhờ "ăn theo" giá dầu thô thế giới, tăng thu từ các khoản liên quan đến nhà đất thì tốc độ tăng thu lại có xu hướng giảm và tạo ra nhiều yếu tố không ổn định.
Điều này rất dễ nhận thấy là từ khoảng giữa tháng 6 trở lại đây, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm, giá nhà đất cũng giảm dần thì tốc độ tăng thu ngân sách chỉ còn khoảng 16%, trong khi con số này của 5 tháng đầu năm lên tới 44%.
Hay như xuất khẩu (tăng 39%) là một trong những điểm sáng của nền kinh tế năm 2008, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chưa đạt 15%.
"Quy mô, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu không có nhiều thay đổi, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là khoáng sản ở dạng thô, hàng sơ chế, nông sản hoặc hàng gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp", Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Hà Văn Hiền phân tích.
Đối với vấn đề nhập siêu, theo Báo cáo của Chính phủ thì nhập siêu đã dần được kiểm soát, song khi phân tích kỹ, ông Hiền cho rằng "nhập siêu có vấn đề". Vấn đề ở đây là nhập siêu ở khu vực kinh tế trong nước lại cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều.
Tại một cuộc hội thảo về hạn chế nhập siêu mới được Viện Khoa học tài chính tổ chức, TS. Vũ Đình Ánh (Viện Khoa học thị trường giá cả) cho biết, năm 2007, trong khi nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước lên đến 7,5 tỷ USD thì khu vực đầu tư nước ngoài chỉ có 1,5 tỷ USD. Trong 9 tháng đầu năm nay, khoảng cách này đã bị nới rộng lên đáng kể: 21 tỷ USD so với 5,2 tỷ USD.
"Đầu tư nước ngoài gia tăng, theo lý thuyết thì khu vực này phải tăng cường nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên nhiên vật liệu để phục vụ sản xuất, nhưng tình hình lại không diễn ra như vậy. Vì sao lại có sự mâu thuẫn này?", ông Ánh đặt câu hỏi.
Cũng so sánh về 2 khối DN kể trên, ông Hiền nhận định, hiệu quả đầu tư của DN có vốn nhà nước (kể cả công ty cổ phần) thấp hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN dân doanh.
"Mặc dù đều chịu ảnh hưởng từ những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, song trị giá sản xuất công nghiệp của khu vực DN dân doanh 9 tháng đầu năm vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao (xấp xỉ 21%) và DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 18% (không kể dầu thô) thì khu vực DN có vốn nhà nước chỉ tăng 5,9%.
Điều đáng nói là từ Kỳ họp Quốc hội thứ 2 (tháng 10/2007) đến nay, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết về tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nhưng theo ông Hiền, qua giám sát, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: "Hoạt động của các "đầu tầu kinh tế" vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Một số tập đoàn đã đầu tư khá lớn sang nhiều ngành nghề, lĩnh vực không thuộc chuyên ngành, thế mạnh của mình, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản… vừa giảm hiệu quả đầu tư, vừa gây khó khăn cho việc quản lý thị trường tiền tệ, thị trường vốn, thị trường bất động sản, song các bộ, ngành vẫn chưa chỉ rõ được trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng này", ông Hiền lo lắng nói.
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN nhỏ và vừa (SME) tiếp tục gặp khó khăn do thiếu vốn và do nhu cầu của thị trường thế giới sụt giảm cũng là mối quan tâm của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi thảo luận về tình hình thực hiện kinh tế năm 2008.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, trong khi SME chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, NHNN thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất cho vay bị đẩy lên rất cao trong một thời gian dài cùng với điều kiện cho vay chặt chẽ đã làm hạn chế khả năng tiếp cận vốn của không ít SME, buộc nhiều DN phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, điều chỉnh kế hoạch đầu tư, giảm lao động…
"Trong khi báo cáo của các cơ quan chức năng cho biết, do các điều kiện trên, năm 2008 có khoảng 20% SME phải tạm ngừng sản xuất - kinh doanh, nhưng khi chúng tôi đi khảo sát trực tiếp tại các hiệp hội ngành hàng thì lại thu được con số hoàn toàn khác: 20% SME đã giải thể, phá sản; 40% tạm thời ngừng sản xuất - kinh doanh. Nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ SME thì ngoài việc không tạo được thêm công ăn việc làm, còn tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trung và dài hạn", ông Hiển cảnh báo.


(Theo Đầu tư chứng khoán)