Thông tin cho đối tác
 
Hội thảo: Biến động kinh tế năm 2008 và dự báo năm 2009: “Giải pháp và tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam”

Ảnh toàn cảnh hội thảo
Ngày 11/1/2009, tại Khách sạn La Thành đã diễn ra Hội thảo nhằm cung cấp một tầm nhìn cho lãnh đạo và quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, để từ đó chèo lái con thuyền Doanh nghiệp của mình vững bước trong công cuộc kinh doanh.


Hội thảo do Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Hà Nội (HaNoiSDC) kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, với sự hỗ trợ của Dự án hỗ trợ Thương mại Đa biên MUTRAP 3 của EU, đồng tổ chức; và được INFOTV tài trợ thông tin.
Hội đã đã hội tụ được sự góp mặt của các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại tham dự: Bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), GS. TS. Claudio Dordi - Trưởng nhóm chuyên gia tư vấn của Dự án EU-Việt Nam MUTRAP III, Chuyên gia tư vấn của Dự án hỗ trợ Thương mại Đa biên do EU tài trợ tại Việt Nam; TS. Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (CEPR), Trường ĐHKT; PGS. Phạm Duy Nghĩa - Chuyên gia về quản trị và tái cấu trúc công ty, Khoa Luật ĐHQGHN.
Có 4 tham luận đã được trình bày tại hội thảo: “Nâng cao năng lực quản trị để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh kinh tế mới” của PGS.TS. Phạm Duy Nghĩa; “Hai năm gia nhập WTO và tầm nhìn phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới các chiến lược đột phá phát triển trong môi trường hội nhập” của GS.TS Claudio Dordi; “Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh suy thoái kinh tế và ảnh hưởng của các chính sách chống suy thoái của Chính phủ” của TS. Phạm Chi Lan. “Biến động kinh tế vĩ mô năm 2008 và dự báo 2009: Tầm nhìn cho doanh nghiệp Việt Nam” của TS. Nguyễn Đức Thành.
Sau hai năm gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu hơn vào thế giới. Năm 2009 là một năm bản lề thực hiện những cam kết thương mại gây ảnh hưởng to lớn và trực tiếp đến doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là khối dịch vụ và phân phối, bản lẻ. Suy thoái toàn cầu và khó khăn kinh tế trong nước đòi hỏi những phản ứng chính sách của Chính phủ. Điều này đặt các doanh nghiệp đứng trước nhiều câu hỏi: Suy thoái toàn cầu và khó khăn kinh tế trong nước có ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp? Doanh nghiệp nên đóng góp vào các chính sách như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?…
Hội thảo đã tập trung vào làm sáng tỏ một số nội dung chính như: bản chất diễn biến kinh tế của năm 2008 và một tầm nhìn mang tính chiến lược cho năm 2009 như thế nào để có thể ứng phó tốt hơn trong hoạt động kinh doanh; những biến động của nền kinh tế và thay đổi môi trường kinh doanh dưới áp lực của hội nhập quốc tế đang đặt doanh nghiệp Việt Nam trước những khó khăn chưa từng có tiền lệ... đồng thời cung cấp cho các nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp các định hướng và giải pháp chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ, qua đó giúp cho các doanh nghiệp có được một lợi thế canh tranh…
Các cá nhân, doanh nghiệp tham dự hội thảo đã được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, Dự án hỗ trợ Thương mại Đa biên MUTRAP III của EU và Công ty cổ phần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận.

Chủ tọa hội thảo.
Chủ tọa hội thảo.

Phạm Diệp