Thông tin cho đối tác
 
Tọa đàm Viễn cảnh kinh tế và tầm nhìn chính sách Việt Nam 2011

Sáng 17/2/2011, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức buổi Tọa đàm “Viễn cảnh kinh tế và tầm nhìn chính sách Việt Nam 2011” với sự tham dự của nhiều chuyên gia và cố vấn kinh tế cao cấp của Chính phủ.


Năm 2011 là năm mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của Việt Nam, đồng thời là năm định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020. Đại hội Đảng XI đã kết thúc, hứa hẹn sự ổn định bộ máy điều hành chính sách trong thời gian tới. Tuy nhiên, dù cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tiếp tục tích lũy những dấu hiệu tích cực, các khu vực kinh tế lớn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thêm vào đó, những biến động chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi có nguy cơ tạo ra những rủi ro toàn cầu mới. Đồng thời, những vấn đề nền tảng của nội bộ nền kinh Việt Nam về cơ bản chưa có gì thay đổi. Do đó, việc cân nhắc và xác định một cách rõ ràng những thuận lợi, rủi ro tiềm ẩn và nguy cơ chiến lược của nền kinh tế, trên cơ sở đó hình dung viễn cảnh kinh tế và tầm nhìn chính sách phù hợp cho Việt Nam là điều cần thiết.

Buổi tọa đàm được tổ chức trong quy mô giới hạn, tập hợp những chuyên gia kinh tế hàng đầu để cùng chia sẻ những suy nghĩ, ý tưởng về viễn cảnh kinh tế năm 2011 và quan điểm sử dụng công cụ chính sách vĩ mô trong năm nay và xa hơn nữa.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm bao gồm: Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, thành viên Hội đồng Tài chính - Tiền tệ Quốc gia; TS. Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia; TS. Võ Trí Thành và TS. Nguyễn Đình Cung - hai Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương; bà Phạm Chi Lan - Chuyên gia kinh tế độc lập, Nguyên Phó chủ tịch VCCI.

Buổi tọa đàm còn có các ý kiến tham luận của GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Việt Nam; PGS.TS. Lê Bộ Lĩnh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược - Bộ Kế hoạch và Đầu tư  cùng nhiều lãnh đạo các viện nghiên cứu hàng đầu và các chuyên gia kinh tế cao cấp khác. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN chủ trì buổi tọa đàm.

Tại đây, sau khi cập nhật thực trạng bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đều đồng thuận rằng đối với năm 2011, việc ổn định kinh tế vĩ mô cần được thực hiện một cách quyết liệt, tránh tình trạng do dự, bất nhất như trong năm 2010. Các chuyên gia cũng đều cho rằng, tình hình kinh tế Việt Nam hiện đang trong tình thế cấp bách, đòi hỏi một chương trình tổng thể để ổn định kinh tế vĩ mô. Cải tổ hệ thống doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nói chung và tập đoàn Nhà nước nói riêng là một vấn đề nên chú trọng và cần làm ngay trong năm 2011 cũng như trong dài hạn. Sự méo mó trong hệ thống lãi suất do nợ xấu của khu vực DNNN làm hệ thống ngân hàng trở nên thiếu minh bạch và thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, nghiêm trọng hơn, thiếu tin tưởng vào Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó là “vòng xoáy định mệnh” (lời TS. Lê Xuân Nghĩa) của lạm phát và tỷ giá hối đoái có thể dẫn tới những tình huống xấu khó lường. Các chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng theo cách gia tăng đầu tư nói chung, đầu tư công nói riêng thông qua tăng trưởng tín dụng cho khu vực nhà nước sẽ ngày càng trở nên ít hiệu quả, mà kết quả sẽ chỉ là đẩy lạm phát tăng cao, kéo theo bất ổn vĩ mô triền miên.

Các chuyên gia tham gia buổi tọa đàm đa số là các nhà kinh tế hàng đầu, có vai trò cố vấn chính sách trực tiếp cho Chính phủ hoặc tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và giám sát, kỳ vọng rằng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, với tư cách một trung tâm nghiên cứu học thuật độc lập, có thể đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng, phản biện và đề xuất chính sách một cách hữu hiệu.


  Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia, cố vấn kinh tế - tài chính hàng đầu Việt Nam.

Với vai trò chủ tọa, PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐHKT đã giới thiệu khái quát mục đích và ý nghĩa của buổi tọa đàm.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương, thành viên Hội đồng Tài chính Tiền tệ Quốc gia.

GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phát biểu đóng góp ý kiến tại tọa đàm.


Phạm Tuyết Mai - Ảnh: Thùy Dung