Thông tin cho đối tác
 
Để một công trình nghiên cứu có nền tảng tốt

Bài thuyết trình của chuyên gia đến từ Trường ĐH Lincoln đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các giảng viên Trường ĐHKT - những người sẽ trực tiếp tham gia vào các dự án nghiên cứu.
Ngày 22/11/2010, TS. Christopher Gan, Trường ĐH Lincoln (New Zealand) đã thuyết trình tại hội thảo các phương pháp nghiên cứu khoa học nói chung và phương pháp viết một công trình cho các tạp chí khoa học quốc tế nói riêng được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN.


Hội thảo do PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐHKT  chủ trì và với sự tham dự của các giảng viên, cán bộ Nhà trường.

Đây là hoạt động nằm trong lộ trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ các giảng viên nòng cốt để trở thành các chuyên gia nghiên cứu theo định hướng của một trường đại học nghiên cứu. Ngoài vị trí là giảng viên, chuyên gia nghiên cứu tại Trường ĐH Lincoln, TS. Christopher Gan còn là nhà tư vấn cho Kế hoạch Phnom Penh phát triển quản lý tại tiểu vùng sông Mekong mở rộng (Ngân hàng Phát triển Châu Á tài trợ).

Tại hội thảo, TS. Christopher Gan trình bày tổng quan về các phương pháp nghiên cứu cơ bản gồm quá trình điều tra khoa học, các phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Công tác điều tra trong nghiên cứu đóng vai trò rất quan trọng, quyết định tính chân thực, tin cậy và phù hợp của đề tài. Với một đề tài có quá trình điều tra kỹ lưỡng, mục tiêu của đề tài nghiên cứu sẽ được tập trung và diễn tiến logic, chặt chẽ hơn, nhờ đó tác giả sẽ chủ động theo dõi, phân tích và bổ sung hơn. Theo TS. Christopher Gan, thực ra hầu như tất cả chúng ta đều đã tham gia vào một nghiên cứu nào đó nhưng chưa ý thức được ý nghĩa của nó. Ví dụ khi tham khảo và so sánh giá cả của một món đồ ngoài thị trường để quyết định mua nó hoặc cách thăm dò thái độ của người khác để đưa ra cách ứng xử phù hợp… chính là lúc chúng ta tiến hành “nghiên cứu”, tìm hiểu.

Bàn về phương pháp để có đề xuất nghiên cứu đáng chú ý, chuyên gia cho rằng chủ đề có thể tương đồng nhưng cách tiến hành của mỗi người thường khác nhau. Dù được tiến hành hay tiếp cận bằng cách nào thì sự thống nhất kiên định suốt đề tài là yếu tố đầu tiên cần đảm bảo.

Tại đây, các giảng viên, cán bộ Trường ĐHKT cũng đã có nhiều trao đổi thông tin với TS. Christopher Gan không chỉ về các vấn đề liên quan đến các phương pháp nghiên cứu khoa học mà còn chia sẻ các kinh nghiệm viết bài đăng báo, công bố các công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành của thế giới. Việc chia sẻ của TS. Christopher Gan đã giúp các giảng viên, cán bộ nhà trường hiểu thêm nhiều về cách tiếp cận và thể hiện đề tài.

Cuối buổi hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn đã một lần nữa cảm ơn sự cộng tác của TS. Christopher Gan và hy vọng ông tiếp tục có những buổi thuyết trình trong tương lai tại Trường ĐHKT. PGS. TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, Trường ĐHKT đang hướng đến mô hình trường nghiên cứu nên những thông tin mà TS. Christopher Gan cung cấp là rất thiết thực.


PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn trao đổi với TS. Christopher Gan.


Các giảng viên Trường ĐHKT và khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.


Thùy Dung - Ảnh: M.T