Thông tin cho đối tác
 
Triển khai gói kích cầu sao cho hiệu quả

TS. Nguyễn Đức Thành
Những lo ngại về việc các ngân hàng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ gói tín dụng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để “đảo nợ” không phải là không có căn cứ. Về vấn để này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường ĐHKT - ĐHQGHN TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, yêu cầu đặt ra là rà soát thận trọng quá trình triển khai gói tín dụng hỗ trợ. Nhưng khó ở chỗ, nếu thận trọng quá thì thời gian cho doanh nghiệp phục hồi bị kéo dài, nguồn vốn không đến kịp được nơi cần đến.


PV: Chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bắt đầu bộc lộ những kẽ hở, trong đó có tình trạng “đảo nợ”. Theo Ông, điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của gói kích cầu?
GĐ NGUYỄN ĐỨC THÀNH: Đối tượng được hỗ trợ, ngành nghề cần hỗ trợ và mục đích sử dụng đã rất rõ ràng là để giải quyết vốn lưu động, khai thông sản xuất. Tuy nhiên vì lãi suất thấp nên nhiều doanh nghiệp có khả năng “đảo nợ”, tức là trước đây đã vay nợ với lãi suất cao để đầu tư và nay có chính sách cho vay với lãi suất thấp hơn nhiều lần thì họ có thể tìm cách trả khoản nợ cũ để có đủ điều kiện được vay mới. Chính điều này đã làm nảy sinh tình trạng sử dụng vốn cho vay mới để trả nợ cũ. Điều này là không đúng với mục đích kích cầu của Chính phủ và sẽ rất nguy hiểm khi các khoản vay mới này được doanh nghiệp dùng để lấp đầy các vụ sa lầy vào thị trường tài chính, bất động sản. Bởi rất có thể, con số dùng sai mục đích này đủ lớn để dẫn đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế vĩ mô cũng như cho các thị trường khác. Đây là điều mà người cho vay cần lưu ý.
PV: Tình trạng “đảo nợ” sẽ đẩy gánh nặng rủi ro về phía ngân hàng. Theo Ông, làm thế nào để kiểm soát được tình trạng này?
GĐ NGUYỄN ĐỨC THÀNH: Khi điều kiện cho vay không được kiểm soát chặt thì rủi ro sẽ tăng lên, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái như hiện nay, môi trường kinh doanh còn tích tụ rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, nếu mở rộng vốn vay một cách vội vàng và ồ ạt thì rủi ro cũng sẽ tăng lên đến mức nguy hiểm. Các ngân hàng thương mại phải nghiêm túc trong chương trình tín dụng của ngân hàng mình. Đồng thời, trong thời điểm các ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh mở rộng tín dụng để tăng thị phần thì vai trò giám sát của Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng. Yêu cầu đặt ra là rà soát thận trọng, nhưng bài toán khó là nếu thận trọng quá thì thời gian cho doanh nghiệp phục hồi sẽ kéo dài, nguồn vốn không đến kịp được nơi cần đến.
PV: Đâu sẽ là dấu hiệu để xác định được việc sử dụng sai mục đích này, thưa Ông?
GĐ NGUYỄN ĐỨC THÀNH: Điều này phụ thuộc nhiều vào nghiệp vụ cho vay của từng ngân hàng, và các cán bộ tín dụng là những người gần khách hàng nhất, thường xuyên theo dõi việc sử dụng vốn vay của khách hàng. Tuy nhiên, đang xuất hiện hiện tượng một số doanh nghiệp trích lại một phần trong 4% lãi suất hỗ trợ cho cán bộ tín dụng khiến động lực cho vay của cán bộ tín dụng tăng lên, phần nào làm giảm các tiêu chí về mục đích cho vay hỗ trợ. Đây là cám dỗ dễ khiến một số điều kiện có thể được nới lỏng...
PV: Những điều này có thể lý giải cho việc các ngân hàng cạnh tranh trong khuôn khổ chương trình kích cầu không?
GĐ NGUYỄN ĐỨC THÀNH: Việc cạnh tranh đã và đang diễn ra. Con số 1 tỷ USD hỗ trợ lãi suất là khá lớn. Các ngân hàng thương mại có thể thông qua chương trình này để nhận được tín dụng hỗ trợ trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là cơ sở để các ngân hàng cạnh tranh nhau, thu hút khách hàng, mở rộng thị phần để được nhận ưu đãi, bởi trong bối cảnh nền kinh tế đang khó khăn như hiện nay thì tổng lượng vốn được hỗ trợ sẽ là rất lớn, chiếm một nửa tổng lượng vốn đầu tư toàn xã hội.
PV: Xin cám ơn ông.

TS. NGUYỄN MINH PHONG: Mạnh dạn và mềm mại hơn, nhanh hơn và chặt chẽ hơn
Mạnh dạn giảm sâu hoặc đình hoãn thu thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp và cả thuế thu nhập cá nhân, các chi phí trung gian không cần thiết, nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.
Phát triển một thị trường vốn đa dạng hơn và có tính thị trường thực chất hơn, bao gồm các loại công ty và quỹ đầu tư, trong đó có nhiều loại quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh, kể cả quỹ tư nhân..., tăng cường hỗ trợ lãi suất và bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước một cách linh hoạt và minh bạch.
Cơ chế quản lý tỷ giá VNĐ phải mềm hơn, theo hướng trả đồng tiền về đúng giá trị thực. Hai năm vừa qua, lạm phát ở nước ta xấp xỉ 30% thì ở Mỹ con số này chưa đến 7%. VNĐ đã bị đắt hơn ít nhất 20% do tỷ giá VNĐ gắn chặt và hầu như không đổi so với USD. Xu hướng cố định tỷ giá và ngày càng tăng giá trị đồng nội tệ đã, đang và sẽ tiếp tục khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu kém đi và nhập siêu kéo dài.
Đẩy nhanh tự do hóa và phát triển cạnh tranh thị trường, thúc đẩy sớm hơn (nếu có thể) quá trình tự do hóa theo khuôn khổ WTO. Những lĩnh vực không cần độc quyền thì nên mở sớm và nhanh hơn nữa. Bài học phát triển ngành viễn thông và công nghiệp ôtô vẫn còn nóng cho các lĩnh vực đang có mức độc quyền cao ở nước ta. Khi luồng vốn trong nước đã hạn hẹp và không được sử dụng hiệu quả, thì càng phải mở cửa cho nước ngoài, nếu không sẽ gây đình trệ, ách tắc không cần thiết.
Tăng phạt hành chính những vi phạm về giá cả, chống đầu cơ và lũng đoạn, chống vận động hành lang mang tính chất ngành và doanh nghiệp tạo ra sự lệch hướng hay thiếu thống nhất về chính sách của Chính phủ và gây thiệt hại chung cho xã hội.
Thực hiện nghiêm việc đấu thầu các dự án, đặc biệt là được tài trợ bằng các nguồn lực công, cũng như các hoạt động mua sắm chi từ nguồn đầu tư công. Tạo điều kiện cho các khu vực doanh nghiệp tham gia rộng rãi, bình đẳng, chứ không phải chỉ khép kín trong khu vực Nhà nước. Dự án vì lợi ích công thì ai có đủ năng lực và tiêu chuẩn phù hợp đều có quyền tham gia cạnh tranh .
Kiểm soát thị trường cần chú ý đến liều lượng, thời lượng, chính sách bổ trợ khi xây dựng và thực thi những giải pháp đã, đang và sẽ triển khai. Bất kỳ chính sách nào cũng có tính hai mặt, vì vậy phải lưu ý dự báo trước, chuẩn bị trước phương án, xác định cơ chế phản hồi, phản biện...


Theo "Người đại biểu Nhân dân Online"