Thông tin cho đối tác
 
Hai con đường sử dụng tài nguyên

Cho tới nay, có thể nói mô hình phát triển của VN vẫn dựa chủ yếu trên xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu thô và một số mặt hàng sơ chế. Điều này có thể được thấy rõ qua cấu trúc xuất nhập khẩu.


Trong số nhiều tài nguyên thiên nhiên xuất khẩu, có nhiều loại không thể tái tạo được như dầu thô, than đá... Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, những đặc điểm này càng lộ rõ khi các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để tăng nguồn thu.
Chẳng hạn, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn công nghiệp Than - khoáng sản VN, lượng than xuất khẩu trong bảy tháng đầu năm tăng 7% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Một hiện tượng cũng mới nổi lên ở ĐBSCL là việc xuất khẩu cát ồ ạt sau khi Campuchia ngừng xuất khẩu mặt hàng này khiến giá cát xuất khẩu tăng.
Sự gia tăng xuất khẩu các loại tài nguyên không thể tái tạo một lần nữa dấy lên câu hỏi liệu mô hình phát triển dựa trên xuất khẩu tài nguyên sẽ đưa nền kinh tế đi tới đâu?
Có nhiều quan điểm xung quanh vấn đề này. Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng do sự hạn chế về nhận thức và hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên không thể tái tạo vào thời điểm hiện tại, cần ngừng việc khai thác và để dành cho các thế hệ sau. Các thế hệ này có thể sẽ sử dụng hiệu quả hơn. Lý thuyết này dựa trên sự thừa nhận khả năng hạn chế về nhận thức hay sự vô minh của hiện tại, để bảo tồn những thứ chưa nhận thức hết cho tương lai. Lý thuyết này cũng được các nhà bảo vệ môi trường cổ xúy để bảo tồn những chủng loài tưởng như không có liên hệ gì tới chúng ta.
Quan điểm kinh tế học về khai thác tài nguyên thiên nhiên dựa trên tính hiệu quả của việc khai thác. Tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên được khai thác quyết định tốc độ khai thác để đạt một mức độ tối ưu.
Một số lý thuyết tăng trưởng hiện đại đã chứng minh được rằng việc phát triển dài hạn dựa trên khai thác tài nguyên không thể tái tạo vào giai đoạn đầu của quá trình phát triển là có thể khả thi nếu nền kinh tế thành công trong việc chuyển đổi nguồn lực khai thác đó thành nguồn lực con người và khoa học công nghệ. Trên cơ sở đó, thu nhập quốc dân ngày càng được thay thế nhiều hơn bởi khu vực công nghệ cao. Đó chính là con đường các nước phát triển đã trải qua, gần đây là mô hình phát triển của Malaysia và Hàn Quốc. Vào những năm 1960, đây là những nước dựa nhiều trên xuất khẩu tài nguyên và sản phẩm thô, nhưng họ đã thành công trong việc chuyển dần lên các nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu. Cụ thể như Malaysia, việc khai thác dầu thô mang lại một khoản thu khổng lồ trong thu nhập quốc gia, nhưng chính phủ đã xây dựng những quỹ nhằm đầu tư vào giáo dục, từ đó tăng trình độ của nguồn lực con người. Có thể coi đó là một hình thức chuyển đổi nguồn vốn tài nguyên sang nguồn vốn con người.
Tuy nhiên, mô hình lý thuyết nêu trên cũng chỉ ra trong những điều kiện nhất định, khi việc chuyển đổi nguồn lực như trên không diễn ra thành công, nền kinh tế có thể bị kẹt trong mỗi cái bẫy nghèo đói, không thể thoát ra được. Có thể tạm coi sự đình trệ kinh tế của nhiều nước châu Phi như một ví dụ minh họa cho tình huống này.
Trở lại vấn đề của VN, trong bối cảnh hiện nay, một lần nữa vấn đề chuyển đổi thành công nguồn lực tài nguyên thiên nhiên sang nguồn lực con người trở nên cấp thiết. Đây là một vấn đề sống còn, và để giải quyết đầy đủ cần có những chiến lược và tầm nhìn đầy đủ, nhằm góp phần đưa đất nước tránh mắc vào cái bẫy thu nhập trung bình đang đe dọa trong thập niên tới.


TS. Nguyễn Đức Thành Trung tâm NCKT&CS, ĐHKT - ĐHQGHN