Thông tin cho đối tác
 
Thị trường vàng 2008: Hai nửa đối lập

Biểu đồ giá vàng thế giới tính đến từ ngày 12/12/2007-12/12/2008 dựa trên giá vàng giao ngay đóng cửa tại thị trường New York - Nguồn: Kitco.
Giá vàng thế giới năm 2008 đã có quý 1 tăng như vũ bão, quý 2 vững vàng ở mức cao, quý 3 trồi sụt mạnh, và quý 4 dần lấy lại ưu thế.


Nếu lấy thị trường vàng thế giới làm thước đo, năm 2008 có thể được chia làm hai nửa đối lập.
Ở nửa thứ nhất, vàng được coi là vịnh tránh bão an toàn số một trong mắt giới đầu tư trong bối cảnh lạm phát leo thang, sự trượt giá của đồng USD và sự đổ vỡ của các tổ chức tài chính. Ở nửa thứ hai, kim loại quý này lại được xem là kênh đầu tư cần phải bán ra đầu tiên để huy động tiền mặt trong bối cảnh thế giới rơi vào tình trạng thắt chặt tín dụng hiếm gặp, USD lấy lại ưu thế, nỗi lo giảm phát, và sự suy thoái đồng loạt của những nền kinh tế lớn.
Do đó, nếu như ở khoảng thời gian đầu của năm nay, giá vàng liên tục thiết lập những đỉnh cao lịch sử, thì nửa sau của năm lại chứng kiến sự “lừng khừng” ở mức thấp của giá kim loại này trong một khoảng thời gian tương đối dài. Giá vàng trong nước năm nay lúc đầu biến động cùng nhịp với giá vàng thế giới, nhưng về sau lại lệch pha nghiêm trọng với thị trường bên ngoài.

Quý 1 và 2: Thời “hoàng kim” của vàng

Tại thị trường New York ngày 2/1/2008 - ngày giao dịch đầu tiên của năm nay - giá vàng giao ngay đóng cửa ở mức 857,4 USD/oz, giá vàng giao kỳ hạn chốt phiên tại 860 USD/oz. Ở thời điểm đó, đây là những mức giá cao nhất trên thị trường vàng thế giới kể từ năm 1990.
Tiếp đó, trong quý 1, việc giới đầu tư ồ ạt chuyển vốn sang thị trường vàng đã khiến thị trường này liên tục thiết lập kỷ lục giá. Đỉnh cao mọi thời đại của giá vàng đã được thiết lập vào ngày 17/3/2008 - ngay sau vụ tan rã của tập đoàn ngân hàng đầu tư Phố Wall Bear Stearns - với mức giá đóng cửa lên tới 1.002,8 USD/oz của giá vàng giao ngay tại thị trường New York. Trong phiên giao dịch, có lúc giá vàng thế giới ngày 17/3/2008 đã vọt qua “mức xà” 1.030 USD/oz.
Nỗi lo lạm phát, sự trượt giá mạnh mẽ của đồng USD, và những dấu hiệu leo thang - dù chưa phải là căng thẳng nhất trong năm 2008 - của khủng hoảng tài chính… là những nhân tố chính đẩy giá vàng tăng vọt trong quý 1 năm nay. Sang tới quý 2, đây vẫn là những nhân tố chính tác động tới thị trường vàng, khiến giá vàng thế giới duy trì trong khoảng 860 - 930 USD/oz.
Năm 2008 khởi đầu với nỗi ám ảnh về bóng đen lạm phát đe doạ cả thế giới từ Mỹ sang châu Âu, tới châu Á. Mức giá 100 USD/thùng dầu xuất hiện ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm nay đã khiến giới đầu tư tin rằng, hợp lý nhất và an toàn nhất chỉ là đầu tư vào vàng.
Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu từ mùa hè năm 2007 đã như một gọng kìm uy hiếp nước Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang nước này (FED) phải liên tục hạ lãi suất từ mức khởi đầu của chu kỳ cắt giảm là 5,25% khiến đồng USD “trượt dài” so với các ngoại tệ khác, nhất là Euro.
Bên cạnh đó, trong quý 1 và quý 2, khủng hoảng tài chính vẫn còn là một điều gì đó còn “xa vời” đối với châu Âu và các chỉ số kinh tế của khu vực này vẫn ổn, trừ việc lạm phát cao. Do đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu vẫn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ chống lạm phát, chủ trương giữ lãi suất đồng Euro ở mức cao. Chính sách tiền tệ này của ECB đi ngược chiều với chính sách tiền tệ của FED, khiến USD càng mất giá so với Euro.
Những dấu hiệu xấu đi của khủng hoảng ở Mỹ, nhất là từ sau vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Bear Stearns, như “tiếp thêm dầu vào lửa”, khiến sự mất giá của USD mỗi ngày thêm trầm trọng. Tới ngày 15/7/2008, USD đã rớt giá xuống mức thấp kỷ lục so với Euro, với 1 Euro đổi được 1,6038 USD, so với mức 1 Euro đổi được hơn 1,45 USD trong phiên giao dịch đầu tiên của năm nay.
Ngoài ra, sự giảm sút của thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là các cổ phiếu của ngành tài chính, cũng khiến một lượng vốn lớn được chuyển từ thị trường này sang thị trường vàng.
Chưa hết, trong nửa đầu năm, những dự báo về kinh tế thế giới vẫn chưa có gì nghiêm trọng. Giới quan sát cho rằng, khủng hoảng có lẽ chỉ gói gọn trong phạm vi nước Mỹ, trong ngành tài chính, và sự phát triển năng động của các nền kinh tế ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ… và các nền kinh tế đang nổi lên khác sẽ bù đắp được sự giảm tốc kinh tế ở Mỹ. Một khi kinh tế thế giới vẫn ổn, thì nhu cầu đối với vàng như một nguyên liệu đầu vào và trong ngành công nghiệp chế tác nữ trang vẫn tăng vững.
Tại thị trường vàng trong nước, quý 1-2/2008, đặc biệt là trong quý 1, cũng là thời kỳ giao dịch cực kỳ sôi động. Trên thị trường vàng tự do, giao dịch đặc biệt sôi động ở những ngày giá vàng tăng vọt, vì hễ có tin vàng tăng giá mạnh là các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại đổ xô đi mua. Khi giá vàng thế giới lập kỷ lục, giá vàng trong nước cũng lên tới mức 1.950.000 đồng/chỉ.
Trong hai quý này, vàng trong nước chủ yếu được giao dịch ở các mức giá 1.800.000 - 1.900.000 đồng/chỉ và nhiều lúc thấp hơn giá vàng thế giới.
Nhu cầu trong nước tăng vọt, khiến lượng vàng nhập khẩu về Việt Nam cũng tăng mạnh theo. Số liệu từ Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho thấy, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, Việt Nam đã nhập tới 43 tấn vàng, bằng 1/2 khối lượng nhập khẩu của cả năm 2007 và với trị giá khoảng 1,2 tỷ USD. Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay, quý 1/2008, Việt Nam đã “đánh bật” Ấn Độ để trở thành quốc gia tiêu thụ vàng nhiều nhất với tổng nhu cầu đầu tư vàng trong quý là 32 tấn, chiếm 43% nhu cầu vàng của thế giới.
Ngoài tác động của giá vàng thế giới, lạm phát leo thang, sự xuống dốc của thị trường chứng khoán và tình trạng ảm đạm trên thị trường bất động sản… cũng là những lý do khác khiến các nhà đầu tư trong nước tìm tới vàng như một kênh đầu tư được hy vọng nhiều hơn.
Quý 3: Giằng co và trồi sụt mạnh
Tuy nhiên, sang tới quý 3/2008, ưu thế của vàng với tư cách là một vịnh tránh bão trong khủng hoảng dường như giảm dần.
Thời gian này, khủng hoảng tài chính đã bắt đầu len lỏi khắp thế giới. Các nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phát đi những dấu hiệu giảm tốc, dưới tác động của sự suy giảm của kinh tế Mỹ - thị trường nhập khẩu hàng hóa số một của nhiều nước châu Á và châu Âu. Lo ngại về một viễn cảnh xấu của kinh tế thế giới trong thời gian cuối năm 2008 và năm 2009 đã khiến giá dầu mất 28% trong quý 3, đánh dấu quý sụt mạnh nhất từ năm 1991 tới nay.
Tới thời điểm đó, lạm phát đã không còn là mối bận tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách trên thế giới, mà thay vào đó là sự sụt giảm tăng trưởng. Nỗi lo kinh tế giảm tốc cũng ảnh hưởng mạnh tới triển vọng nhu cầu vàng của thế giới.
ECB lúc này bắt đầu “băn khoăn” về việc có nên tiếp tục theo đuổi chính sách lãi suất cao để chống lạm phát, hay cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Cùng với đó, sự xấu đi của kinh tế châu Âu vô tình lại trở thành nhân tố giúp đồng USD lấy lại ưu thế so với Euro.
Những lý do này khiến giá vàng đi xuống trong quý 3 - quý giảm giá đầu tiên của kim loại quý này kể từ khi khủng hoảng tài chính bắt đầu. Trồi sụt mạnh là xu thế chính của thị trường thế giới quý này, khi tâm lý nhà đầu tư vàng thế giới bị giằng co theo hai hướng: một mặt, lo nhu cầu vàng giảm sút vì suy thoái, mặt khác, lại muốn giữ vàng để đề phòng khủng hoảng. Kết quả, biên độ dao động của giá vàng quý 3 khá rộng, trong khoảng từ 750 - 980 USD/oz.
Quý 3 cũng chứng kiến một phiên tăng giá hiếm gặp trong lịch sử thị trường vàng thế giới vào ngày 17/9 - với mức tăng trên 80 USD/oz trong một phiên trên thị trường vàng giao ngay, và trong nước vào ngày 18/9 - với mức tăng hơn 100.000 đồng/chỉ chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, đây chỉ là phản ứng tức thời của giới đầu tư trước những diễn biến căng thẳng của khủng hoảng tài chính ở Mỹ bao gồm vụ phá sản của Lehman Brothers và nguy cơ đổ vỡ của hãng bảo hiểm AIG.
Quý này ghi nhận những diễn biến hoàn toàn ngược lại của giá vàng trong nước. Với lý do từ đầu tháng 6/2008, Nhà nước ngừng cấp phép nhập khẩu vàng, trong khi nhu cầu vàng trong nước tăng cao, các nhà kinh doanh vàng trong nước liên tục duy trì khoảng cách khá lớn giữa giá vàng thế giới cao hơn giá vàng trong nước. Kết quả là, có lúc, giá vàng thế giới quy đổi đứng ở mức trên dưới 1.500.000 đồng/chỉ, thấp hơn giá vàng trong nước tới 200.000 đồng/chỉ.
Đáng chú ý, ở thời điểm giữa tháng 8, do giá vàng thế giới sụt mạnh, nhu cầu mua vàng vào tại thị trường trong nước tăng vọt, các tiệm vàng tại Hà Nội đã áp dụng phương pháp bán hàng bằng… ticket, giao hàng sau.
Quý 4: Sự “trở lại” của vàng
Tới quý 4, khủng hoảng tài chính đã hoàn toàn không còn nằm trong biên giới nước Mỹ. Từ đầu tháng 9, “cơn sóng thần” từ Phố Wall đã khiến cả thế giới nghiêng ngả theo.
Tại Mỹ, sau sự sụp đổ của ngân hàng đầu tư Phố Wall Lehman Brothers và sự chao đảo của nhiều đại gia tài chính khác trong đó có hãng bảo hiểm AIG, đã phải đi tới một kế hoạch giải cứu ngành tài chính trị giá 700 tỷ USD. Sau đó là hàng loạt chiến dịch giải cứu các lĩnh vực khác như doanh nghiệp, người tiêu dùng, các con nợ địa ốc, ngành công nghiệp xe hơi… cũng được lên kế hoạch.
Khủng hoảng cũng leo thang mạnh mẽ ở châu Âu, khiến cả châu lục này cũng liên tục công bố việc quốc hữu hóa một phần hoặc toàn bộ nhiều ngân hàng lớn.
Từ nửa cuối của tháng 9 trở đi, thị trường chứng khoán toàn thế giới theo hàng loạt vụ đổ vỡ hoặc “suýt đổ vỡ nếu không được cứu” của nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính tại châu Âu và Mỹ, buộc giới đầu tư phải thực hiện việc bán ra ở danh mục hàng hóa để bù đắp thua lỗ. Trong đó, mặt hàng bị bán ra đầu tiên luôn là vàng do tính thanh khoản cao của mặt hàng này.
Thêm vào đó, việc cả ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đồng loạt suy thoái lần đầu tiên kể từ Đại chiến Thế giới thứ hai tới nay cũng đưa thời kỳ “bong bóng” của các loại hàng hóa, trong đó có vàng, đi vào hồi kết. Giá dầu thô quý này liên tục trượt dài và có lúc giảm tới hơn 70% so với mức đỉnh gần 150 USD/thùng hồi tháng 7. Thay vì nói chuyện lạm phát, thế giới lúc này chuyển sang lo vấn đề giảm phát.
Lo sợ khủng hoảng, các ngân hàng khắp thế giới thắt chặt hoạt động cho vay, khiến thế giới rơi vào tình trạng “đóng băng” tín dụng hiếm gặp, dẫn tới thực tế “tiền mặt là vua”. Mặt khác, sự chao đảo của thị trường toàn cầu cũng khiến giới đầu tư ở Mỹ rút vốn về nước, đồng thời giới đầu tư quốc tế đổ xô đi mua trái phiếu kho bạc Mỹ, khiến một lượng lớn các đồng tiền trên thế giới được chuyển đổi sang USD, giúp đồng tiền này phục hồi mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc thế giới chứng kiến nhiều đợt cắt giảm lãi suất đồng loạt của các ngân hàng trung ương lớn, trong đó có ECB, để chặn sự lan rộng của khủng hoảng, cũng giúp USD lấy lại ưu thế. Do đó, tháng 10 là tháng phục hồi kỷ lục của đồng USD so với Euro, với mức tăng lên tới 10,4%, đưa USD về mức tỷ giá 1 Euro bằng chưa đầy 1,3 USD.
Những lý do nói trên khiến hai tháng đầu của quý 4 nhìn chung là một giai đoạn đi xuống của thị trường vàng thế giới và trong nước, với giá vàng thế giới có lúc xuống còn 709,5 USD/oz từ mức trên 900 USD ở thời điểm đầu quý và chủ yếu đứng trên dưới 750 USD/oz. Giá vàng trong nước dao động trong khoảng 1.650.000 - 1.700.000 đồng/chỉ, giữ khoảng cách cao hơn giá vàng thế giới khoảng 100.000 đồng/chỉ.
Tuy nhiên, tháng 12 ghi nhận sự “ưu ái” trở lại của giới đầu tư thế giới dành cho vàng. Chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, với lãi suất đồng USD có thể được đưa về mức 0% và biện pháp bơm USD với khối lượng khổng lồ vào nền kinh tế để chống khủng hoảng, đang tạo áp lực mất giá trở lại đối với USD và khiến người ta đặt câu hỏi về sự hình thành của một chu kỳ lạm phát mới. Bởi vậy, giá vàng thế giới đang có xu hướng phục hồi liên tục từ đầu tháng này. Giá vàng trong nước hiện cũng đã ngang bằng với giá vàng thế giới.
Giao dịch tại thị trường vàng trong nước trong quý 4 ảm đạm, nhu cầu mua vào và bán ra cùng thấp do mức giá không hấp dẫn.
Nhìn chung, trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế của năm 2008 này, vàng vẫn chứng minh được vai trò một kênh đầu tư an toàn của mình. Tính đến ngày 5/12 vừa qua, chỉ số giá Reuters/Jefferies CRB Index của 19 loại nguyên vật liệu thô, trong đó có vàng và dầu thô, đã giảm 35% trong năm nay, nhưng giá vàng thế giới giao ngay chỉ giảm có 10%. Đây thực sự là một mức giảm khiêm tốn so với mức giảm trên 70% của giá dầu thô.


(Theo Economy)