Trang tuyển sinh
 
Seminar khoa học “Công nghệ mới, nguồn vốn con người, năng suất tổng thể các nhân tố và quá trình tăng trưởng đối với các nước đang phát triển và mới nổi”

Ngày 9/7/2008, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức seminar khoa học với chủ đề “Công nghệ mới, nguồn vốn con người, năng suất tổng thể các nhân tố và quá trình tăng trưởng đối với các nước đang phát triển và mới nổi” (New Technology, Human Capital, Total Factor Productivity and Growth Process for Developing and Emerging Countries).


Tham dự buổi seminar có các nhà khoa học, các chuyên gia, các giảng viên hiện đang công tác tại các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn tại Hà Nội. Về phía Trường ĐHKT có PGS.TS Phùng Xuân Nhạ - Hiệu trưởng; TS. Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Hiệu trưởng; các thầy cô giáo, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu tại Trường.
Diễn giả chính trong buổi seminar là GS. Lê Văn Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Sorbonne - ĐH Paris 1, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, một chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình tăng trưởng tối ưu.
Đây là một bài trình bày có quy mô lớn, đề cập tới nhiều vấn đề, phản ánh thành tựu nghiên cứu của tác giả sau một quá trình nghiên cứu lâu dài, với một chương trình nghiên cứu có hệ thống từ nhiều năm qua.
Mở đầu bài thuyết trình, GS. Lê Văn Cường đã điểm lại cuộc tranh luận về quan điểm nguồn gốc tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, ông đã điểm lại các mô hình tăng trưởng cơ bản, gồm các mô hình kinh điển như mô hình Solow, mô hình Ramsey, mô hình có hàm sản xuất uốn từ lõm sang lồi, mô hình của Lucas (1988), và Romar (1986)... Đồng thời, ông đã giới thiệu một phiên bản nâng cấp từ mô hình Romar qua bài nghiên cứu của hai tác giả là Le Van and Saglam (2004). Nghiên cứu này đã cho thấy tồn tại một loại bẫy nghèo đói do chi phí cố định cho sản xuất quá lớn (chi phí đầu tư ban đầu cho công nghiệp hoá là quá lớn).
Cũng trong bài thuyết trình, GS. Cường đã giới thiệu mô hình của chính mình và giải bài toán tăng trưởng tối ưu dưới cả hai dạng Solow và Ramsey. Kết quả nghiên cứu đưa tới một phát hiện quan trọng, là trong giai đoạn đầu của quá trình tăng trưởng kinh tế, các nước đang phát triển thường lựa chọn đầu tư vào tư bản hữu hình và lao động đơn giản, sau đó mới chuyển sang đầu tư vào công nghệ mới và tư bản con người. Cuối cùng, tác giả đã sử dụng số liệu thực tế để kiểm định những giả thuyết được xây dựng từ mô hình lý thuyết. Các số liệu cho thấy thực tế khá nhất quán với dự báo từ mô hình của tác giả.
Nhìn chung, bài thuyết trình đã gói gọn hầu như toàn bộ lịch sử tư tưởng về tăng trưởng kinh tế. Do đó, trong khuôn khổ một seminar, bài trình bày dường như khá dài và khó hiểu đối với người ngoài chuyên môn, song nó lại rất hữu ích và đặc biệt thú vị cho những người nghiên cứu trong cùng lĩnh vực, đem lại một sự tổng kết gọn gàng và đầy đủ, cùng những đóng góp rất mới (của tác giả). Buổi seminar đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà chuyên môn. Các ý kiến thảo luận tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Các mô hình tăng trưởng nội sinh; Cách xác định giá công nghệ cao, nhân lực trình độ cao, vốn con người?; Khả năng mở rộng các biến sang các biến thể chế? Khả năng áp dụng Mô hình tăng trưởng tối ưu đối với Việt Nam.
Seminar được Trường ĐHKT tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn khoa học cho cán bộ và sinh viên của Trường được trao đổi, học tập với các nhà khoa học có uy tín cao ở trong và ngoài nước về kỹ năng, kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo - nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Các đại biểu thảo luận tại seminar.

Toàn cảnh buổi seminar, ngày 9/7/2008.


Mai - Thành - Hội Ảnh: Thúy Diệp