Trang tuyển sinh
 
Chương trình ngoại khoá hè 2016 “Tham gia các FTAs: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam”

Sinh viên thuyết trình tại khoá học
Từ ngày 15/7 đến 17/7/2016 tại Thái Nguyên, Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã tổ chức chương trình ngoại khoá mùa hè cho các sinh viên của khoa với chủ đề: “Tham gia các Hiệp định thương mại tự do: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam”.


Chương trình được thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF). Đây là chương trình ngoại khoá mùa hè đầu tiên được Khoa KT&KDQT tổ chức nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức căn bản về hội nhập kinh tế quốc tế, tập trung vào cơ hội và thách thức mà các hiệp định thương mại tự do chủ yếu mang đến cho Việt Nam.

Tham dự chương trình ngoại khoá về Quỹ FNF có ông Hans Georg Jonek - Giám đốc và TS. Phạm Hùng Tiến - Cán bộ quản lý dự án. Về phía Khoa KT&KDQT có PGS.TS. Hà Văn Hội - Chủ nhiệm khoa, PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên - Phó Chủ nhiệm khoa cùng các giảng viên và 25 sinh viên khoá QH-2013-E.

Trong chương trình, sinh viên đã được PGS.TS. Hà Văn Hội giới thiệu về quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, các hiệp định thương mại - đầu tư trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sự tham gia của Việt Nam, tác động của hội nhập AEC và TPP đến nền kinh tế đất nước, đánh giá ảnh hưởng của TPP tới một số lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam bao gồm: hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo, ngành dệt may, ngành thực phẩm, dược phẩm.

Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Anh đã trao đổi với sinh viên về chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài “thế hệ mới” hay còn gọi là chính sách đầu tư hướng tới phát triển bền vững, trong đó tập trung vào các nội dung khái niệm và bối cảnh ra đời chính sách đầu tư “thế hệ mới”, hướng dẫn chính sách đầu tư “thế hệ mới” quốc gia và một số nhân tố cần làm rõ khi đàm phán các hiệp định đầu tư quốc tế “thế hệ mới”.

Những nội dung về “Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA): Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam” cũng được trình bày trong khóa học này. ThS. Vũ Thanh Hương và ThS. Trần Việt Dung đã đưa ra các dẫn chứng và phân tích về thương mại Việt Nam - EU, các cam kết trong khuôn khổ EVFTA, sau đó tập trung vào đánh giá các cơ hội thách thức mà hiệp định thương mại này sẽ mang đến cho Việt Nam.

Ông Hans Georg Jonek giảng dạy trong chương trình

Một hiệp định thương mại tự do quan trọng đối với Việt Nam khác, đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) được PGS.TS. Nguyễn Xuân Thiên giới thiệu. Bài trình bày của PGS. Nguyễn Xuân Thiên đã cung cấp đến cho sinh viên các kiến thức căn bản nhất về VJEPA như cấu trúc của hiệp định và các văn kiện liên quan, tính pháp lý của hiệp định, các cam kết trong khuôn khổ hiệp định, … từ đó gợi mở ra những chủ để thảo luận thú vị cho sinh viên.

Tham dự chương trình, ông Hans Georg Jonek - Giám đốc Quỹ FNF đã có bài trình bày rất thú vị về những vấn đề cơ bản trong marketing quốc tế. Đây là những kiến thức rất cần thiết đối với sinh viên chuyên ngành Kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay. Các kiến thức căn bản về marketing được ông Hans truyền đạt đến sinh viên theo một cách rất mới mẻ và hấp dẫn.

Sau mỗi phần trình bày của giảng viên, các sinh viên tham dự khoá học đã thảo luận và trình bày những hiểu biết và quan điểm của mình về các vấn đề trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam như: vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ (đặc biệt là các nhà khổng lồ ẩn danh - hidden champions) đối với phát triển bền vững của Đức; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững ở một số nước ASEAN sau khi AEC hình thành và hàm ý cho Việt Nam. Hay các nội dung khác như: ảnh hưởng của các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam và EU trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đến Việt Nam nói chung và học sinh và sinh viên Việt Nam nói riêng trong quá trình học tập, định hướng nghề nghiệp và tìm việc làm; di chuyển lao động có tay nghề trong AEC; đánh giá tác động của TPP tới ngành Nông nghiệp của Việt Nam và các nhân tố quyết định quan hệ Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản.

Đại diện Quỹ FNF, giảng viên và sinh viên Khoa KT&KDQT tham gia khoá học


Qua phần trình bày của cả 6 nhóm sinh viên với các phần phản biện, tranh luận sôi nổi cùng với sự giúp đỡ từ các giảng viên, 25 sinh viên tham dự khoá học tỏ ra rất thích thú vì đã có những hiểu biết sâu hơn về các FTA cũng như tác động của các FTA này đối với Việt Nam.

Tham gia chương trình ngoại khoá, sinh viên Khoa KT&KDQT còn được tham quan khu bảo tồn nhà sàn, được giới thiệu về văn hoá của dân tộc Tày, được nghe hát Then và tham gia các trò chơi dân tộc tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải của tỉnh Thái Nguyên. Hoạt động này đã mang lại nhiều niềm vui và kết nối của giảng viên và sinh viên của khoa.

Sinh viên của Khoa KT&KDQT được nghe giới thiệu về văn hoá dân tộc Tày


Đây là một chương trình ngoại khoá mùa hè rất bổ ích, không chỉ mang lại cho sinh viên các kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà còn là dịp để sinh viên trong khoa giao lưu và học hỏi về văn hoá dân tộc.

Nguyễn Thanh Mai (Khoa KT&KDQT)