Trang tuyển sinh
 
Những trải nghiệm của sinh viên Khoa QTKD sau kỳ học trao đổi tại ĐH Uppsala

Sinh viên Nguyễn Phương Linh (bên trái) và Nguyễn Khánh Vân (bên phải) tại đất nước Thụy Điển
Trong kỳ học mùa xuân năm học 2015-2016, hai sinh viên Nguyễn Phương Linh và Nguyễn Khánh Vân, lớp QH-2013-E Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã có cơ hội tham gia chương trình trao đổi tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, theo khuôn khổ của thỏa thuận hợp tác Linnaeus-Palme ký kết giữa hai trường.


5 tháng trải nghiệm cuộc sống văn hóa - xã hội của đất nước Thụy Điển cũng như nền giáo dục tiên tiến của trường đại học lâu đời nhất Bắc Âu đã đem lại cho hai sinh viên năm 3 nhiều trải nghiệm vô giá. Trở về sau kỳ học đặc biệt này, các sinh viên mang theo rất nhiều những chia sẻ và bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong bối cảnh giáo dục và đời sống tại Việt Nam.


Phương pháp giảng dạy tiến bộ


Nền giáo dục Thụy Điển đề cao tinh thần chủ động (tự học) và hợp tác (làm việc nhóm) dưới sự định hướng và giám sát tận tình của giảng viên. Cụ thể, mỗi môn học đều có một bản đề cương hướng dẫn thông tin chi tiết, yêu cầu sinh viên phải nắm rõ để hiểu và theo kịp tiến độ môn học. Mỗi giờ lên lớp đều là những cơ hội để từng học viên thể hiện bản thân và tinh thần hợp tác.

Ví dụ, với môn học Organizational Behaviour (Hành vi tổ chức), học viên được chia thành nhiều nhóm nhỏ, lần lượt đóng vai trò “chairteam” để điều phối lớp học, và “presenting team” hoạt động tích cực dưới sự điều hành của “chairteam” trong các buổi học. Không chỉ được yêu cầu đóng góp cho công việc chung của nhóm, mỗi học viên còn cần tự mình đẩy mạnh tính tương tác cá nhân để đóng góp cho sự hoàn thiện của từng giờ học trên lớp.

Mỗi sinh viên được đánh giá đều đặn sau từng buổi học, và thành quả sẽ được ghi nhận với những người không ngừng phấn đấu suốt quá trình tiếp nhận kiến thức thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào những bài thi cuối kỳ.

Ở ĐH Uppsala nói chung và Ekonomikum nói riêng cũng đã và đang áp dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào hỗ trợ công tác học tập và giảng dạy. Điều này không chỉ giúp từng học viên cập nhật kịp thời thông tin và yêu cầu môn học mà còn hỗ trợ đắc lực cho hoạt động nhóm trên giảng đường.

Sinh viên Nguyễn Phương Linh tại ĐH Uppsala


Suy nghĩ độc lập, tư duy sáng tạo, tranh luận thẳng thắn


Môi trường xã hội ở phương Tây nói chung và Thụy Điển nói riêng luôn khuyến khích lối tư duy độc lập và phản biện ở mỗi người từ khi còn rất nhỏ. Chẳng hạn, để đạt kết quả tốt tại trường học, ngoài việc chứng minh được rằng mình nắm bắt kiến thức đã học, học sinh/sinh viên cần phải thể hiện khả năng bình luận, đánh giá các thông tin nhận được theo quan điểm và kinh nghiệm riêng của từng cá nhân.

Trong môi trường làm việc, mọi người được động viên tự giải quyết các vấn đề bằng nhiều cách khác nhau, thảo luận ý kiến với các đồng nghiệp, và hướng dẫn nhau cách hợp tác trong làm việc nhóm.

Ngay trong các cuộc hội thoại với bạn bè hàng ngày, hai bên thường không ngần ngại nêu ra và bảo vệ cách suy nghĩ của mình bằng những lý lẽ phù hợp. Từng cái tôi đều có tiếng nói riêng và không bị ảnh hưởng hay phụ thuộc quá nhiều vào ý kiến của số đông. Khi con người được tự chủ, không bị bó buộc vào những lối mòn thì các ý tưởng sáng tạo mới thật sự được hình thành và phát triển.

Bên cạnh đó, chính việc tranh luận thẳng thắn đã tạo điều kiện cho con người được thể hiện mình, học hỏi lẫn nhau, đóng góp ý kiến, và chọn lọc các ý tưởng để đạt tới hiệu quả công việc cao nhất, cũng như tìm ra giải pháp tốt nhất cho nhiều vấn đề.


Tinh thần cầu tiến, học hỏi không ngừng


Ở Thụy Điển, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đủ mọi lứa tuổi chăm chú bên cuốn sách khi đợi tàu, trên xe buýt, hoặc trên những hàng ghế đá dọc bờ sông vào những ngày nắng đẹp. Ngay từ khoảng thời gian học mẫu giáo, trẻ nhỏ đã được giáo dục và tiếp cận tri thức thông qua nguồn sách, truyện thiếu nhi dồi dào.

Tại đây, thư viện với nguồn tài liệu, sách truyện trực tuyến phong phú, trải khắp các lĩnh vực cho phép người dùng có tài khoản truy cập miễn phí. Đặc biệt thư viện online của ĐH Uppsala là nguồn thông tin chính thống, phục vụ đắc lực cho việc tự học và nghiên cứu.  Bên cạnh đó, nền giáo dục hướng tới phát triển toàn diện không giới hạn con người bằng những điều có trong sách vở, mà khuyến khích việc thu lượm kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, bất kể thời gian hay độ tuổi.

Sinh viên ĐHKT và các bạn cùng lớp trong một bữa ăn Việt Nam


Tôn trọng tuyệt đối quyền con người


“Bình đẳng” là một khái niệm quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội Thụy Điển. Bất kỳ ai, ở bất cứ lứa tuổi, ngành nghề, giới tính nào, đều được đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cơ bản, không có sự phân biệt về cấp bậc xã hội.

Trong gia đình Thụy Điển điển hình luôn có sự phân chia công bằng, các cặp vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái và thu xếp về mặt tài chính. Tư tưởng trọng nam khinh nữ không có cơ hội để tồn tại trong xã hội Thụy Điển, dù trong gia đình, nơi làm việc hay học tập. Mọi người đều có cơ hội tiếp cận với hệ thống giáo dục tiên tiến, nắm bắt cơ hội và hưởng các quyền lợi như nhau.

Tại trường học, giữa sinh viên - giảng viên không tồn tại “khoảng cách quyền lực” (Power distance). Hai bên có thể thoải mái trao đổi, tranh luận, phản biện về các vấn đề nghiên cứu, đặc biệt không có sự áp đặt về định hướng nghiên cứu/học tập từ phía giảng viên lên sinh viên. Mọi quyết định của các cá nhân đều được tôn trọng, miễn rằng nó tuân thủ luật pháp, không làm tổn hại tới xã hội và cá nhân đó chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Có thể khẳng định, những chương trình trao đổi sinh viên mà Khoa Quản trị Kinh doanh nói riêng và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN nói chung đang thực hiện đã đem lại những hiệu quả rất tích cực. Mong rằng, trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình giao lưu/trao đổi hiệu quả, để không chỉ mở rộng cánh cửa hội nhập quốc tế cho nhiều thế hệ sinh viên Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN mà còn góp phần mở rộng quan hệ hợp tác giữa các nước, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

Phương Linh (QH-2013-E QTKD)