Trang tuyển sinh
 
THÔNG BÁO VĂN BẢN MỚI: Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 6/2021)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN thông báo những mẫu văn bản liên quan đến hoạt động của nhà trường, cập nhập đến ngày 15/6/2021


1. Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 6 năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 07/08/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, viện hàn lâm và viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư này không quy định đối với các chương trình đào tạo do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp, bao gồm cả chương trình liên kết với nước ngoài theo quy định về hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.
Các chương trình đào tạo thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 36 Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018) phải đáp ứng các quy định tại Thông tư này.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 22/06/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Cụ thể, đối với chương trình đào tạo đại học, thạc sĩ giữ nguyên khối lượng tín chỉ tối thiểu lần lượt là 120 tín chỉ, 60 tín chỉ; chương trình đào tạo tiến sĩ tối thiểu 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành. Đồng thời, bổ sung quy định về khối lượng tín chỉ tối thiểu đối với chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 là 150 tín chỉ.
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù bậc 7 yêu cầu khối lượng thực tập 8 tín chỉ; giáo dục đại cương bắt buộc bao gồm các môn lý luận chính trị, pháp luật, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành.
Ngoài ra, chuẩn chương trình đào tạo cho các ngành được xây dựng cho từng trình độ và theo từng lĩnh vực hoặc theo một số nhóm ngành phải đáp ứng yêu cầu sau đây: Phải căn cứ yêu cầu chung về công việc, vị trí việc làm tương lai của người tốt nghiệp các ngành đào tạo thuộc khối ngành; Có tham khảo, đối sánh với mô hình, chuẩn hoặc tiêu chuẩn đối với các chương trình đào tạo của các nước hoặc các tổ chức quốc tế liên quan;...
>>> Xem toàn văn tại đây
 
2. Quyết định số 1949/QĐ-BGDĐT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều động các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 17/6/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm (gọi tắt là các trường) làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2021 tại các Hội đồng thi.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 17/06/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1949/QĐ-BGDĐT về việc điều động các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021
Cụ thể, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm làm nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 điều động 7.747 cán bộ, viên chức tham gia như sau: Đại học Quốc gia Hà Nội cử 680 cán bộ, viên chức tham gia; Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 600 cán bộ, viên chức tham gia; 60 cán bộ, viên chức của Học viện Cảnh sát nhân dân và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội phụ trách tại tỉnh Lào Cai;…
Bên cạnh đó, 81 trường với 3.485 cán bộ, viên chức được dự phòng điều động tham gia Kỳ thi. Các trường lập danh sách cán bộ, viên chức có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia; chịu trách nhiệm thanh toán chế độ công tác phí, chế độ bồi dưỡng cho cán bộ, viên chức của trường tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi...
>>> Xem toàn văn tại đây.
 
3. Công văn số 2540/BGDĐT-QLCL ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc cập nhật dữ liệu Hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 21/6/2021.
b) Đối tượng áp dụng: Các đại học, trường đại học, học viện, các sở giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục - Khoa học và Công nghệ Bạc Liêu.
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 21/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các đại học, trường đại học, học viện, các sở giáo dục và đào tạo yêu cầu cập nhật dữ liệu lên hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ nhằm tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng gian lận sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả.
Theo đó, tại Quyết định số 233/QĐ-BGDĐT ngày 3/2/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt chủ trương xây dựng Hệ thống tra cứu thông tin văn bằng, chứng chỉ.
Để sớm đưa vào sử dụng Hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị phối hợp, cử cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm tải và cập nhật dữ liệu văn bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng tốt nghiệp các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin và chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam của 3 năm (2018, 2019 và 2020) lên Hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ tại địa chỉ website.
Việc thành lập Hệ thống tra cứu văn bằng, chứng chỉ nhằm tăng cường quản lý giáo dục, giúp các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, hạn chế tình trạng gian lận sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả...
>>> Xem toàn văn tại đây. 
 
4. Quyết định 1871/QĐ-BGDĐT ngày 11 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/6/2021.
b) Nội dung cơ bản:
Ngày 11/06/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 1871/QĐ-BGDĐT về việc công bố công khai dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.
Cụ thể, dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2021 phân bổ cho các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau: Tổng thu phí là 2.950 triệu đồng; Số phí nộp ngân sách Nhà nước là 1.480 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2021 là 5.451.145 triệu đồng cho các nội dung gồm: Chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo dạy nghề; Chi các hoạt động kinh tế; Chi sự nghiệp văn hóa thông tin; Chi sự nghiệp khoa học và công nghệ; Chi sự nghiệp bảo vệ môi trường; Chi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị-xã hội;…
>>> Xem toàn văn tại đây. 
 
5. Quyết định số 2108/QĐ-BGDĐT ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công bố Bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 24/6/2021.
b) Đối tượng áp dụng:
1. Giảng viên, cán bộ quản lý thuộc các cơ giáo dục đại học trên toàn quốc.
2. Nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị trong nước, đủ tiêu chuẩn giảng viên và cam kết đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
3. Những người đã trúng tuyển hoặc đang theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ trong nước, nước ngoài hoặc liên kết trong nước và nước ngoài nhưng không thuộc đối tượng của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2010 - 2020 (theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ), cam kết trở thành giảng viên các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam...
c) Nội dung cơ bản:
Ngày 24/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định 2108/QĐ-BGDĐT về việc công bố Bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc phạm vi, chức năng quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Bộ thủ tục hành chính được chuẩn hóa bao gồm: Chấp thuận việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; Thành lập trường đại học công lập, cho phép thành lập trường đại học tư thục; Cho phép trường đại học hoạt động đào tạo; Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;…
Bên cạnh đó, Danh mục 11 thủ tục hành chính bị bãi bỏ lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và lĩnh vực đào tạo với nước ngoài bao gồm: Liên kết đào tạo trình độ đại học; Xét và công nhận tốt nghiệp đại học theo hệ thống tín chỉ; Xét và công nhận tốt nghiệp đại học; Giao nhiệm vụ đào tạo tiền tiến sĩ; Tuyển chọn và cử nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài;…
>>> Xem toàn văn tại đây. 
 
6. Công văn số 2515/BGDĐT-QLCL ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19
a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực thi hành từ ngày 17/6/2021.
b) Nội dung cơ bản:
Ngày 17 tháng 6 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2515/BGDĐT-QLCL về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định sẽ tổ chức đợt thi thứ 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT, cụ thể:
Thí sinh không nằm trong diện F0, F1, F2 dự thi đợt 1 diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường việc chuẩn bị tổ chức đợt 1 kỳ thi nghiêm túc, khách quan, có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế, thí sinh cư trú trong khu vực đang bị phong tỏa, thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng để thực hiện biện pháp cấp cách phòng chống dịch COVID-19 sẽ thực hiện thi đợt 2.
Trong đó, ưu tiên xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 cho những người tham gia kỳ thi, bố trí điểm thi, phòng thi dự phòng để xử lý khi có vấn đề phát sinh về dịch COVID-19.
Tùy theo tình hình thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có quyết định chính thức thời gian tổ chức thi đợt 2 và ban hành hướng dẫn tổ chức đợt thi này...
>>> Xem toàn văn tại đây. 

Phòng Thanh tra và Pháp chế Đại học Kinh Tế - ĐHQGHN