Trang tuyển sinh
 
Bảo vệ luận văn Khóa 4 chương trình Thạc sĩ Quản lý công

Sau hơn 1 năm miệt mài học tập, các sinh viên Khóa 4 Chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết giữa Đai học Uppsala Thụy Điển và Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN đã bước vào thử thách cuối cùng của chương trình, đó là bảo vệ luận văn tốt nghiệp.


Trong 3 ngày từ 13 đến 15/3/2012, các giáo sư Thụy Điển, giảng viên trong nước và học viên đã cùng thảo luận sôi nổi với 30 đề tài khác nhau, liên quan đến nhiều chủ đề quan trọng trong quản lý công như các chính phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo ở các xã 135; rủi ro trong quản lý tài chính công; thu hút và quản lý sử dụng vốn ODA vào phát triển nông nghiệp; vai trò của nữ giới trong khu vực công...
Luận văn tốt nghiệp được Đại học Uppsala đặc biệt quan tâm vì qua đó, sự tiến bộ của sinh viên về mọi mặt kiến thức, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu sẽ được đánh giá. Mỗi luận văn được yêu cầu viết không quá 40 trang, tuy nhiên đây chính là một thách thức cho các sinh viên vì viết ngắn mà xúc tích, viết theo tư duy phân tích, phản biện vốn không phải là thế mạnh của sinh viên Việt Nam nói chung. Một điểm mới nữa trong buổi bảo vệ luận văn là chính các học viên trong lớp phải đưa ra các ý kiến phản biện, đánh giá về đề tài luận văn được bảo vệ. Phần phản biện là phần sôi nổi nhất trong buổi bảo vệ, vì đây là lúc mà các yếu tố “tình cảm” cần được xóa bỏ, và được thay thế bằng sự “đối đầu” giữa các quan điểm khoa học khác nhau, các cách tiếp cận giải quyết vấn đề khác nhau.
Mặc dù đa số các đề tài sẽ cần phải tiếp tục chỉnh sửa, cập nhật dựa trên ý kiến đánh giá phản biện của các nhóm phản biện và của Hội đồng, tuy nhiên theo đánh giá của TS. Sven Erik, Giám đốc chuyên môn của Chương trình MPPM, “Hầu hết các luận văn đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc của sinh viên về khả năng phân tích, tiếp cận vấn đề nghiên cứu. Tôi rất tự hào về các sinh viên của tôi trong chương trình MPPM, tôi hoàn toàn tin tưởng những kiến thức và kỹ năng học được từ chương trình này sẽ giúp các em có thể tự tin giúp nâng cao chất lượng xử lý công việc, nâng cao hiệu quả tổ chức tại nơi mình công tác”.


UEB - CITE