Trang tuyển sinh
 
Những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (cập nhật tháng 3/2022)

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN trân trọng thông báo những văn bản liên quan đến hoạt động của Trường Đại học Kinh tế -  ĐHQGHN (cập nhật tháng 03/2022)



1. Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/3/2022 và thay thế Thông tư 22/2017/TT-BGDĐT ngày 06/9/2017, Thông tư 09/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017.
b) Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản:
Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định điều kiện, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Theo đó, điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có một số điểm mới, đơn cử như:
- Về đội ngũ giảng viên:
  Có đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT) bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo;
  Bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 02 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định;
  Có kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học;
- Về cơ sở vật chất:
  Phải bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo;
  Phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học;
  Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo…
>> Xem chi tiết công văn tại đây. 

2. Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT ngày 18/01/2022 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non
a) Hiệu lực thi hành: Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/3/2022 và áp dụng với các khóa tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ năm 2022.
b) Đối tượng áp dụng:
Các cơ sở giáo dục đại học; các cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; viện hàn lâm, viện do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ được phép đào tạo tiến sĩ; các trường cao đẳng được phép đào tạo cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; các tổ chức và cá nhân có liên quan.
c) Nội dung cơ bản: 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.
Theo đó, chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non hình thức vừa làm vừa học (bao gồm đào tạo cho đối tượng đã tốt nghiệp THPT hoặc đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng và đào tạo liên thông trình độ cao đẳng cho đối tượng đã có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp):
Được xác định tối đa không quá 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng chính quy.
(Hiện hành, theo Thông tư 07/2020/TT-BGDĐT thì chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo này không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh hình thức đào tạo cao đẳng chính quy)
Ngoài ra, chỉ tiêu tuyển sinh đại học vừa làm vừa học tối đa không vượt quá 30% chỉ tiêu tuyển sinh chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo trình độ đại học của cơ sở đào tạo.
Đối với lĩnh vực Nghệ thuật, nhóm ngành Đào tạo giáo viên, chỉ tiêu tuyển sinh đại học hình thức này tối đa không vượt quá 50% chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo từng lĩnh vực đào tạo trình độ đại học của cơ sở đào tạo…
>> Xem chi tiết công văn tại đây. 

3. Thông tư số 04/2022/TT-BGDĐT ngày 04/03/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2020/TT-BGDĐT ngày 01 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập; Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục đại học công lập

a) Hiệu lực thi hành: Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 19/4/2022.

b) Nội dung cơ bản:

Ngày 04/3/2022, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập;... Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên theo từng hạng (I, II, III) thì Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

Ngoài ra, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập theo quy định của pháp luật trước ngày 30/6/2022:

Được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học; Đồng thời, được sử dụng khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học quy định tại Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT …

>> Xem chi tiết công văn tại đây. 

4. Công văn 624/BGDĐT-TTr ngày 28/02/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học

a) Hiệu lực thi hành: Công văn này có hiệu lực kể từ ngày 28/02/2022.

b) Nội dung cơ bản:

Để công tác công tác quản lý nhà nước về giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và tự chủ giáo dục đại học, Bộ trưởng Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1048/CT-BGDĐT ngày 28/4/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Hướng dẫn số 4555/BGDDT-TTr ngày 08/10/2021 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm; chú trọng những hạn chế, thiếu sót, sai phạm nêu trên, đặc biệt là các nội dung thực hiện tự chủ giáo dục đại học, cụ thể:

1. Ban hành, tổ chức thực hiện tiêu chuẩn, điều kiện đảm bảo chất lượng các trình độ đào tạo, phương thức đào tạo; tuyển sinh, đào tạo; hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế.

2. Ban hành, tổ chức thực hiện quy định nội bộ về cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động, danh mục, tiêu chuẩn, chế độ của từng vị trí việc làm; tuyển dụng, sử dụng và cho thôi việc đối với cán bộ, viên chức và người lao động; quyết định nhân sự quản trị, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học.

3. Ban hành, tổ chức thực hiện quy định nội bộ về nguồn thu, quản lý và sử dụng nguồn tài chính, tài sản; mua sắm cơ sở vật chất, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển; chính sách học phí, học bổng cho sinh viên và chính sách khác.

4. Việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học đối với chủ sở hữu, người học, xã hội, cơ quan quản lý có thẩm quyền và các bên liên quan.

5. Tăng cường công tác thanh tra nội bộ, giúp Hội đồng trường, Hiệu trưởng tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, theo kế hoạch và đột xuất khi có vấn đề phức tạp hoặc theo yêu cầu xử lý đơn thư…

>> Xem chi tiết công văn tại đây. 

5. Quyết định số 619/QĐ-BGDĐT ngày 03/03/2022 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2022.

b) Nội dung cơ bản:

Ngày 03/03/2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030. Theo đó, các mục tiêu phát triển thanh niên trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021-2030 cụ thể như sau:

1. Mục tiêu chung: Xây dựng thế hệ thanh niên là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có lý tưởng cách mạng, hoài bão, khát vọng cống hiến xây dựng đất nước; có đạo đức, ý thức công dân, chấp hành pháp luật; có sức khỏe và lối sống lành mạnh; có văn hóa, kiến thức, trình độ học vấn, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp; có ý chí lập thân, lập nghiệp, năng động, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ.

2. Mục tiêu cụ thể:

  • Mục tiêu 1: Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; cung cấp thông tin về tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho thanh niên học sinh, sinh viên.
  • Mục tiêu 2: Giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng; tạo điều kiện để thanh niên là học sinh, sinh viên được bình đẳng về cơ hội học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.
  • Mục tiêu 3: Nâng cao chất lượng đào tạo, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số cho thanh niên học sinh, sinh viên; phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao.
  • Mục tiêu 4: Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho thanh niên là học sinh, sinh viên.
  • Mục tiêu 5: Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên là học sinh, sinh viên.

>> Xem chi tiết công văn tại đây. 

(Cập nhật đến ngày 14 tháng 03 năm 2022)


Phòng Thanh tra và Pháp chế


Các tin khác

<12>