Hướng dẫn tác giả

Danh mục việc cần làm trước khi gửi bài



DANH MỤC VIỆC CẦN LÀM TRƯỚC KHI GỬI BÀI

Hãy sử dụng danh mục này để kiểm tra lần cuối trước khi gửi bài cho Tạp chí:

  1. Đọc kỹ mục Tôn chỉ, mục đích và phạm vi công bố để hiểu và đánh giá xem bài viết của tác giả có phù hợp với Tạp chí không.
  2. Đảm bảo các vấn đề về đạo đức xuất bản, bản quyền và quyền miễn trách nhiệm, các yêu cầu về quy định về cấu trúc và thể thức trình bày bài báo.
  3. Sử dụng Cách trình bày bài mẫu (tiếng Anh hoặc tiếng Việt) để trình bày bài viết.
  4. Tất cả các tác giả có tên trong bài viết đồng thuận với nội dung bài viết gửi đăng trên Tạp chí.
  5. Người được phân công là tác giả liên hệ phải có đủ thông tin ghi trong bài viết gồm: Địa chỉ e-mail; Số điện thoại di động; Địa chỉ bưu điện đầy đủ.
  6. Sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn để kiểm tra tự động trên toàn văn bản. Bạn có thể sử dụng các phần mềm như DoIT, Turnitin…

THỂ LOẠI BÀI BÁO

Các bài viết gửi đăng Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh phải là bài chưa từng được xuất bản trước đó cũng như không được xem xét để xuất bản trên tạp chí khác. Các thể loại bài viết chính như sau:

Bài nghiên cứu: Tạp chí tiếp nhận các bài viết là nghiên cứu gốc trình bày kết quả nghiên cứu mới (nghiên cứu gốc) hay đề xuất phương pháp, ý tưởng, giải pháp mới có ý nghĩa khoa học và/hoặc thực tiễn. Tác giả không phân chia công trình nghiên cứu của mình thành nhiều bản thảo có liên quan tới một chủ đề một cách không cần thiết. Chất lượng và tác động của nghiên cứu sẽ được xem xét trong quá trình đánh giá phản biện.

Bài tổng quan: Bài tổng quan chủ yếu tóm lược các kết quả nghiên cứu của các bài báo hiện có, từ đó đưa ra đánh giá hợp lý về các chủ đề chính, các lập luận hỗ trợ và hàm ý trong tài liệu gốc. 

Hãy chọn đúng thể loại bài viết khi gửi bài.

ĐẠO ĐỨC XUẤT BẢN

Việc công bố một bài báo trên Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh được thực hiện thông qua quá trình phản biện, phản ánh trực tiếp chất lượng công trình nghiên cứu của tác giả và/hoặc tập thể tác giả. Các bài báo được thẩm định bởi các chuyên gia phản biện uy tín sẽ góp phần hỗ trợ và thể hiện rõ phương pháp khoa học.

Vì vậy, tất cả các bên liên quan tới việc xuất bản bài báo trên Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh phải tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức xuất bản mà Tạp chí quy định.

Trách nhiệm của Tổng Biên tập

  1. Tổng Biên tập chịu trách nhiệm duyệt danh sách chuyên gia phản biện và là người cuối cùng duyệt các bài viết dự kiến đăng trên Tạp chí.
  2. Tổng Biên tập phải đảm bảo bài gửi đăng được đánh giá sơ loại, bao gồm việc kiểm tra thể thức và nguồn gốc của bài viết, trước khi được chuyển tiếp đến một chuyên gia để phản biện kín. 
  3. Dựa vào kết quả phản biện, Tổng Biên tập có quyền chấp nhận hay từ chối bài gửi đăng, hoặc yêu cầu chỉnh sửa.

Trách nhiệm của tác giả

  1. Tác giả chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tính hợp pháp và vấn đề đạo văn (nếu có) của bài báo, tuân thủ theo Luật Sở hữu Trí tuệ của Việt Nam và quốc tế. Tác giả cần đảm bảm rằng mình đã viết toàn bộ bài nghiên cứu gốc; nếu tác giả sử dụng tác phẩm của người khác thì phải có trích dẫn rõ ràng, chi tiết và trong một số trường hợp đặc biệt cần phải có sự đồng ý của cá nhân sở hữu tác phẩm đó. Tài liệu trích dẫn phải được đưa vào ngữ cảnh thích hợp trong bài báo. Đạo văn được xem là hành vi vi phạm đạo đức và không được chấp nhận. 
  2. Tác giả chịu trách nhiệm về việc sắp xếp thứ tự tên của mình và các đồng tác giả khác cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên. Trong đó: (i) Tác giả liên hệ: Chịu trách nhiệm về công bố khoa học của nhóm tác giả. (ii) Các đồng tác giả: Cùng tham gia thực hiện công trình nghiên cứu, chỉnh sửa, góp ý để hoàn thiện chất lượng của bài báo. 
  3. Tuân thủ các quy định về thể lệ đăng bài của Tạp chí; chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện bài viết theo yêu cầu của chuyên gia phản biện và Tổng Biên tập.
  4. Tác giả không được gửi bản thảo bài viết đến tạp chí khác trong khi chưa có quyết định xét duyệt cuối cùng của Tổng Biên tập và phải chịu trách nhiệm về việc đăng bài báo trùng lặp với tạp chí khác (nếu có).
  5. Giải trình với Tổng Biên tập khi bài viết đã được duyệt đăng nhưng tác giả, vì một lý do nào đó, không còn muốn đăng trên Tạp chí nữa. Nếu lý do mà tác giả đưa ra không được Tổng Biên tập chấp nhận, tác giả sẽ phải hoàn trả ít nhất là thù lao phản biện và hiệu đính bài viết cho Tạp chí.
  6. Khi phát hiện ra một lỗi sai hệ trọng hoặc không chính xác trong bài báo đã được xuất bản, tác giả có trách nhiệm thông báo ngay cho Tạp chí và phối hợp với Tạp chí để rút lại hoặc chỉnh sửa bài báo nếu Tổng Biên tập xét thấy cần thiết. Nếu Tạp chí nhận được thông báo từ bên thứ ba về lỗi sai trong ấn phẩm, tác giả có trách nhiệm hợp tác với Tạp chí, bao gồm việc cung cấp bằng chứng cho Tạp chí khi được yêu cầu.

Trách nhiệm của chuyên gia phản biện

  1. Chuyên gia phản biện được mời thẩm định bài viết theo quy trình phản biện kín, có trách nhiệm đánh giá nội dung khoa học của bài viết một cách khách quan, trung thực, hoàn thành công việc theo đúng yêu cầu và thời hạn quy định.
  2. Chuyên gia phản biện có trách nhiệm tư vấn cho Tổng Biên tập về chất lượng thông tin và nội dung khoa học của bài viết, đưa ra kết quả phản biện (với 4 cấp độ: Được chấp nhận đăng ngay; Được chấp nhận đăng nhưng phải sửa chữa nhỏ; Được chấp nhận đăng nhưng phải sửa chữa lớn; Bị từ chối đăng) để giúp Tổng Biên tập lựa chọn các bài viết.
  3. Phản biện không được để lộ thông tin liên quan đến bài viết mà họ chấp nhận đánh giá.
  4. Phản biện phải đảm bảo rằng thông tin trình bày trong bài viết có nguồn gốc rõ ràng. Bất kỳ sự giống nhau nào giữa bài viết gửi đăng và (các) bài báo đã xuất bản khác phải được thông báo ngay cho Tổng Biên tập.
  5. Phản biện nêu rõ quan điểm về bài viết được đánh giá bằng những nhận xét rõ ràng.
  6. Trong trường hợp phản biện thấy không thể hoàn thành quá trình phản biện thì phải thông báo ngay cho Tổng Biên tập để chuyển bài viết cho người khác đánh giá. 

BẢN QUYỀN VÀ QUYỀN MIỄN TRÁCH NHIỆM 

Khi bài viết được chấp nhận đăng, tác giả đồng ý tự động chuyển giao bản quyền cho Tạp chí; bài viết sẽ không được xuất bản ở bất kỳ nơi nào khác bằng bất kỳ ngôn ngữ nào mà không có sự đồng ý của đơn vị chủ sở hữu bản quyền. Các nội dung, thông tin của bài báo được chọn đăng trên Tạp chí đều được các chuyên gia là nhà khoa học uy tín cùng lĩnh vực phản biện và được biên tập, hiệu đính nghiêm túc. Tuy nhiên, Tạp chí không chịu trách nhiệm về sự sai sót của các dữ liệu, ý kiến, quan điểm, tài liệu trích dẫn và đạo văn (nếu có) trong các bài đăng cũng như hệ quả phát sinh từ việc sử dụng thông tin từ bài báo đăng trên Tạp chí.

Sau khi đăng tải, nếu bài báo bị phát hiện đạo văn hoặc vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Báo chí 2016 thì sẽ bị rút khỏi số đã đăng. Trong trường hợp này, tác giả/nhóm tác giả phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và trực tiếp giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan. Đồng thời, Tạp chí sẽ đăng thông báo đính chính trên số báo gần nhất có thể.

QUYỀN TÁC GIẢ

  • Quyền tác giả được ghi nhận với những người có đóng góp đáng kể cho bài báo. Những người này được xem như là đồng tác giả. Tác giả liên hệ cần đảm bảo liệt kê đầy đủ các đồng tác giả, tất cả những người này đều phải xem và đồng ý với phiên bản cuối cùng của bài viết trước khi gửi đến Tạp chí. 
  • Tác giả và cơ quan quản lý của họ có quyền nhất định trong việc sử dụng lại công trình đã công bố trên Tạp chí.
  • Tác giả liên hệ sẽ nhận được một e-mail với đường link dẫn đến hệ thống gửi bài trực tuyến, cho phép tác giả kiểm tra tình trạng của bài viết đã gửi, chỉnh sửa hoặc cập nhật bài viết. 
  • Trong quá trình bài viết đang được duyệt đăng, nếu tác giả yêu cầu bổ sung hay xóa tên tác giả nào đó trong bài viết thì cần phải giải trình và được Tổng Biên tập xem xét.
  • Tác giả được cấp giấy xác nhận đăng bài theo yêu cầu khi bài báo đã được Tổng Biên tập chấp nhận đăng.
  • Tác giả của bài báo được đăng trên Tạp chí được tính điểm công trình nghiên cứu khoa học theo quy định của Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế.

TRUY CẬP MỞ

  • Tạp chí truy cập hoàn toàn mở; tất cả các bài báo được công bố sẽ được hiển thị miễn phí để đọc và tải xuống.

NGÔN NGỮ

  • Bài viết được trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Việt hoặc tiếng Anh chuẩn, dễ hiểu. 
  • Phần tóm tắt tiếng Anh của các bài viết tiếng Việt và các bài viết tiếng Anh được hiệu đính bởi chuyên gia là người nước ngoài sử dụng tiếng Anh bản địa có ký hợp đồng hiệu đính với Trường ĐHKT - ĐHQGHN. 

GỬI BÀI

Tác giả gửi bài (thường là tác giả liên hệ) chịu trách nhiệm về bản thảo bài viết trong quá trình nộp và bình duyệt. Để gửi bài viết, tác giả truy cập địa chỉ js.vnu.edu.vn/EAB/, đăng ký và đăng nhập để gửi bài. Tất cả các đồng tác giả có thể xem thông tin chi tiết về quá trình tiếp nhận và xử lý bản thảo trong hệ thống gửi bài nếu đăng nhập bằng địa chỉ e-mail đã đăng ký.

Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh áp dụng quy trình phản biện kín hai chiều, nghĩa là danh tính của các tác giả không được tiết lộ với người phản biện và ngược lại. Do đó, tác giả cần nộp bản thảo với hai phiên bản (biên soạn bằng Microsoft Word theo mẫu đính kèm) như sau:

  • Bản thảo đủ tên: Bản thảo ghi đầy đủ thông tin chi tiết của tác giả và đồng tác giả, bao gồm họ tên, cơ quan công tác và địa chỉ bưu điện của tác giả/đồng tác giả, email và số điện thoại của tác giả liên hệ.
  • Bản thảo giấu tên: Bản thảo không ghi thông tin chi tiết về tác giả và đồng tác giả. Bất kỳ thông tin nhận dạng nào, chẳng hạn như tên hoặc địa chỉ bưu điện của tác giả, đều phải loại bỏ trước khi gửi.

Xem mẫu Template tiếng Việttiếng Anh.

CẤU TRÚC BÀI BÁO

Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh quy định bài báo có độ dài nhất định, với điều kiện là bài báo phải ngắn gọn và toàn diện. Do đó, bài báo có ít nhất 4.000 từ và nhiều nhất là 6.000 từ đã bao gồm tài liệu tham khảo, chú thích, hình, bảng... Bài báo được soạn thảo bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Tất cả các bản báo phải có tối thiểu 3 từ khóa; bài tiếng Việt và tiếng Anh phải có phần tóm tắt tối đa 200 từ; Bài báo tiếng Việt phải có tóm tắt bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.

CÁC ĐỀ MỤC

Bài viết cần được chia thành các đề mục và được đánh số rõ ràng. Các tiểu mục nên được đánh số 1.1 (sau đó là 1.1.1, 1.1.2...), 1.2… (không bao gồm phần tóm tắt). Các đề mục và tiểu mục phải được đặt tên ngắn gọn, trình bày ở một dòng riêng biệt.

PHẦN MỞ ĐẦU

Phần này nêu rõ mục tiêu của nghiên cứu/bài viết và giới thiệu chung về nghiên cứu/bài viết, tránh cung cấp số liệu chi tiết hoặc tóm tắt kết quả.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phần này cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết để cho phép một nhà nghiên cứu độc lập tái thực nghiệm công trình. Phương pháp nghiên cứu đã từng công bố nên được giới thiệu vắn tắt và nêu rõ với tư cách là tài liệu tham khảo. Nếu trích dẫn trực tiếp từ một phương pháp đã từng công bố trước đó, hãy sử dụng dấu ngoặc kép và trích dẫn nguồn. Bất kỳ chỉnh sửa nào đối với các phương pháp nghiên cứu hiện tại cũng cần được đề cập trong bài báo.

LÝ THUYẾT/TÍNH TOÁN

Phần Lý thuyết nên mở rộng chứ không lặp lại cơ sở của bài báo đã được đề cập trong phần Mở đầu và tạo nền tảng cho các nội dung tiếp theo. Ngược lại, phần Tính toán cần thể hiện sự phát triển thực tế dựa trên phần Lý thuyết.

KẾT QUẢ

Phần này phải thể hiện kết quả nghiên cứu một cách rõ ràng và chính xác.

THẢO LUẬN

Phần này nên phân tích tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu, không nhắc lại kết quả. Phần Kết quả và Thảo luận thường được tích hợp với nhau trong một đề mục. Tránh trích dẫn quá nhiều và phân tích các tài liệu đã công bố.

KẾT LUẬN

Các kết luận chính của nghiên cứu có thể được trình bày trong phần này một cách ngắn gọn, có thể được trình bày riêng hoặc là tiểu mục của phần Thảo luận hoặc phần Kết quả và thảo luận.

PHỤ LỤC

Nếu có nhiều hơn một phụ lục thì cần đặt tên là Phụ lục A, B… Các công thức và phương trình trong Phụ lục phải được đánh số riêng biệt: phương trình (A.1), phương trình (A.2)...; trong một phụ lục tiếp theo, đặt tên là phương trình (B.1)... Tương tự với biểu bảng và hình: Bảng A.1, Hình A.1…

THÔNG TIN TRANG ĐẦU

  • Tên bài: Ngắn gọn và đủ thông tin. Tên bài thường được sử dụng trong các hệ thống truy xuất thông tin. Tránh viết tắt và dùng công thức.
  • Thông tin tác giả: Ghi đầy đủ họ tên, cơ quan công tác (hoặc cơ quan nơi công trình được thực hiện) và địa chỉ bưu điện của mỗi tác giả cũng như địa chỉ e-mail và số điện thoại của tác giả liên hệ

TÓM TẮT

Phần tóm tắt cần trình bày súc tích, chính xác nội dung của bài nghiên cứu. Nội dung phần tóm tắt nên đề cập ngắn gọn mục tiêu nghiên cứu, phương pháp, các kết quả và kết luận chính của nghiên cứu. Tóm tắt thường trình bày thành phần riêng biệt so với bài nghiên cứu. Do đó, nên tránh trích dẫn tài liệu và nếu thực sự cần thiết có thể trích dẫn theo tên tác giả và năm; đồng thời hạn chế sử dụng từ viết tắt trong nội dung phần tóm tắt. Độ dài phần tóm tắt quy định trong khoảng 150-250 từ.

Cách viết 

Viết tóm tắt rất khó vì phải cô đọng toàn bộ công trình nghiên cứu trong một nội dung ngắn gọn. Nhớ lại những tóm tắt mà bạn từng đọc? Điều gì khuyến khích bạn đọc bài báo? Điều gì làm bạn không muốn đọc bài báo? Hãy đặt những câu hỏi này khi viết tóm tắt.

Nên tập trung vào những nội dung sau khi viết tóm tắt:

  • Chủ đề nghiên cứu
  • Phương pháp nghiên cứu 
  • Điểm mới trong nghiên cứu 

Một số gợi ý để viết tóm tắt:

  1. Độ dài tối thiểu là 150 chữ và tối đa là 250 chữ.
  2. Là một nội dung độc lập, không viết tắt, không chú thích, tránh dùng tài liệu tham khảo nhưng nếu cần, có thể trích dẫn tên tác giả và năm.
  3. Là bản tóm lược ngắn gọn, súc tích về công trình nghiên cứu.
  4. Sự khác biệt giữa tóm tắt của bài nghiên cứu gốc và tóm tắt của bài tổng quan:
    • Tóm tắt của bài nghiên cứu gốc trình bày phương pháp và quy trình nghiên cứu.
    • Tóm tắt của bài tổng quan nêu rõ mục tiêu chính của bài, giải thích tại sao chọn bài tổng quan, trình bày những kết quả chính của nghiên cứu tổng quan và những kết luận trong đó có khuyến nghị cho nghiên cứu tiếp theo và việc ứng dụng thực tiễn. 

Trước khi hoàn thiện, nên kiểm tra xem tóm tắt có:

  • Khái quát đầy đủ bài báo?
  • Chứa từ khóa?
  • Khuyến khích bạn đọc tiếp tục đọc và/hoặc tải bài báo?
  • Độ dài đúng với quy định?
  • Là bản tóm lược dễ hiểu dù chưa biết rõ nội dung của toàn bài báo?

Xin giới thiệu hai tóm tắt để bạn đọc tham khảo tại đây.

TỪ KHÓA

Từ khóa đặt ngay sau phần tóm tắt, bao gồm tối thiểu 3 từ khóa, đồng thời tránh các thuật ngữ chung chung và các thuật ngữ chứa liên từ (ví dụ: tránh “và”, “của”). 

TỪ VIẾT TẮT

Từ viết tắt phải được xác định ở lần đề cập đầu tiên và đảm bảo sử dụng thống nhất từ viết tắt trong toàn bộ bài viết. 

LỜI CẢM ƠN

Trình bày lời cảm ơn trong một phần riêng biệt ở cuối bài viết, trước phần Tài liệu tham khảo. Liệt kê đơn vị, cá nhân đã tài trợ, giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu.

CÔNG THỨC TÍNH TOÁN

Công thức toán học cần thể hiện dưới dạng văn bản có thể chỉnh sửa chứ không phải dưới dạng hình ảnh. Trình bày các công thức đơn giản phù hợp với văn bản bình thường nếu có thể và sử dụng dấu gạch ngang (/) thay vì một đường ngang cho các phân số nhỏ, ví dụ: X/Y. Về nguyên tắc, các biến phải được trình bày ở dạng chữ nghiêng. Đánh số thứ tự cho các phương trình.

CHÚ THÍCH

Đánh số chú thích liên tiếp trong toàn bộ bài viết bằng cách tạo chú thích tự động ở dưới chân trang. Không ghi chú thích trong Tài liệu tham khảo.

HìNH MINH HỌA

  • Sử dụng chữ (nên dùng font chữ Times New Roman và cỡ chữ 10) và kích thước đồng nhất cho hình minh họa.
  • Hình minh họa phải có độ phân giải cao, rõ nét, sử dụng đơn sắc. Với biểu đồ, nên sử dụng ký hiệu (thay vì các màu sắc) để chú giải.
  • Đánh số hình minh họa theo trình tự xuất hiện trong bài. 
  • Sử dụng quy ước đặt tên hợp lý cho các hình minh họa.
  • Ghi rõ chú thích tên cho từng hình minh họa, đặt ở dưới hình (lưu ý không đặt chú thích trong hình) và ghi rõ nguồn.

BẢNG

  • Gửi bảng dưới dạng văn bản có thể chỉnh sửa, không phải dưới dạng hình ảnh. 
  • Đánh số các bảng liên tiếp theo thứ tự xuất hiện trong văn bản và đặt ghi chú tên bảng trên nội dung bảng, ở dưới bảng ghi rõ nguồn. 
  • Hạn chế sử dụng các bảng và đảm bảo rằng dữ liệu được trình bày trong bảng không trùng lặp với các kết quả được mô tả ở những nội dung khác trong bài viết. 
  • Tránh đổ màu trong các ô của bảng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trích dẫn trong bài

Tất cả các tài liệu tham khảo trích dẫn trong bài được liệt kê trong danh mục tài liệu tham khảo (và ngược lại). Mọi tài liệu tham khảo được trích dẫn trong phần tóm tắt phải được cung cấp đầy đủ. Kết quả chưa được công bố và thông tin cá nhân có thể được đề cập trong bài báo. Khi đưa những tài liệu này vào danh mục tài liệu tham khảo, tác giả phải trình bày theo đúng quy định của Tạp chí và nên thay ngày xuất bản bằng “Kết quả chưa công bố” hoặc “Thông tin cá nhân”. Việc trích dẫn một tài liệu tham khảo là “Đang xuất bản” có nghĩa là tài liệu này đã được chấp nhận để công bố.

Link tham khảo

Việc đánh giá về công trình nghiên cứu đã công bố và chất lượng phản biện có thể được cải thiện nếu sử dụng các đường link trực tuyến dẫn đến các nguồn tài liệu được trích dẫn. Tác giả cần đảm bảo trích dẫn chính xác dữ liệu trong tài liệu tham khảo, bao gồm họ tên tác giả, tên tạp chí/sách, năm xuất bản và số trang đầu – trang cuối. Khi sao chép tài liệu tham khảo, tác giả nên chú ý vì tài liệu có thể có lỗi. Tác giả nên sử dụng chỉ số DOI.

Chỉ số DOI không thay đổi, vì vậy tác giả có thể sử dụng nó như một đường liên kết vĩnh viễn cho bất kỳ bài báo điện tử nào. Ví dụ minh họa về sử dụng chỉ số DOI cho một bài báo như sau:

Buckley, P. J., Tian, X. (2017). Internalization Theory and the Performance of Emerging-market Multinational Enterprises. International Business Review, 26(5), 976-990. https://doi.org/10.1016/j.ibusrev.2017.03.005

Web tham khảo

Ít nhất phải cung cấp địa chỉ URL đầy đủ và ngày truy cập lần cuối vào tài liệu tham khảo. Bất kỳ thông tin nào khác, nếu biết (DOI, tên tác giả, ngày tháng đăng tải, nguồn tham khảo đến xuất bản phẩm nguồn…) cũng cần được cung cấp.

Quy định trình bày tài liệu tham khảo

Tạp chí áp dụng cách trích dẫn theo chuẩn APA. Để biết thêm chi tiết, vui lòng xem tại http://www.apastyle.org/

Phần nội dung bài báo: Dẫn nguồn bằng tên tác giả và năm công bố, đặt trong ngoặc đơn.

Ví dụ: “... as demonstrated (Buckley and Tian, 2017). Barkema and Vermeulen (1998) obtained a different result...”

Danh mục tài liệu tham khảo: Danh mục tài liệu tham khảo ưu tiên xếp theo thứ tự bảng chữ cái, sau đó sắp xếp tiếp theo thứ tự thời gian nếu cần thiết. Nhiều tài liệu từ (các) tác giả giống nhau trong cùng một năm thì phải được xác định bằng các chữ cái ‘a’, ‘b’, ‘c’… đặt sau năm xuất bản. Tài liệu tiếng Việt được dịch sang tiếng Anh.

Một số ví dụ:

1. Đối với các tài liệu là bài báo trong tạp chí: Tên tác giả (Năm), Tên bài báo, Tên tạp chí (in nghiêng), Tập (in nghiêng) (Số), Trang đầu - trang cuối của bài báo, Đường dẫn chỉ số DOI (nếu có). Ví dụ:

Barkema, H. G., Vermeulen, F. (1998). International Expansion through Start-up or Acquisition: A Learning Perspective. Academy of Management Journal, 41(1), 7-26. https://doi.org/10.2307/256894

2. Đối với các tài liệu là sách: Tên tác giả (Năm), Tên sách, Nhà xuất bản. Ví dụ:

The Communist Party of Vietnam (2015). Report on Theoretical and Practical in 30 Years of Doi Moi (1986-2016). National Publishing House, Hanoi (in Vietnamese).

3. Đối với tài liệu là chương sách: Tên tác giả (Năm), Tên chương sách, Tên tác giả chủ biên, Tên sách, Số trang đầu – trang cuối chương, Nhà xuất bản. Ví dụ:

Mettam, G. R., Adams, L. B. (2009). How to Prepare an Electronic Version of Your Article. In Jones, B.S., Smith, R.Z. (Eds.), Introduction to the Electronic Age (pp. 281-304)E-Publishing Inc.

4. Đối với các tài liệu trên website: Tên tác giả, Tên bài viết, Ngày đăng tải, Đường dẫn, Ngày truy cập. Ví dụ:

APEC (2022). APEC Trade Facilitation. <http://apec.org/-/media/APEC/Publications/2005/12/Trade-Facilitation-Brochure-2005/ApecTrade091105.pdf> Accessed 20.10.2020.

5. Đối với các tài liệu hội thảo: Tên tác giả (Năm), Tên bài viết, Tên hội thảo, Nơi công bố. Ví dụ:

Evans, A. C., Jr., Garbarino, J., Bocanegra, E., Kinscherff, R. T., & Márquez-Greene, N. (2019, August 8-11). Gun violence: An event on the power of community [Conference presentation]. APA 2019 Convention, Chicago, IL, United States.

Phần mềm quản lý tài liệu tham khảo

Tạp chí hoan nghênh hầu hết các phần mềm quản lý tài liệu tham khảo phổ biến như Mendeley, Zotero, Citavi, EndNote, chức năng Citations & Bibliography trong Word... Khi sử dụng các phần mềm này, tác giả chỉ cần lựa chọn kiểu APA phù hợp khi chuẩn bị viết bài, sau đó các trích dẫn và các thư mục sẽ tự động được định dạng theo quy cách của Tạp chí.


Xem thêm Quy định về công tác phản biện và xuất bản xuất bản bài báo khoa học của Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tại đây.