Thực hiện Kế hoạch số 4636/KH-ĐHKT ngày 26/12/2022 triển khai công tác tự đánh giá chương trình đào tạo cử nhân các ngành Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Kinh tế quốc tế và Quản trị kinh doanh theo chuẩn ACBSP năm 2023.
Để quá trình kiểm định theo chuẩn ACBSP diễn ra thành công, tại Trường Đại học Kinh tế đã có nhiều hội nghị, hội thảo, nhiều buổi tập huấn được tổ chức để hướng dẫn các thầy cô có thêm kiến thức, kinh nghiệm chủ động trong quá trình thiết kế các học phần, xây dựng chuẩn đầu ra, xây dựng trọng số nội dung và cấu trúc đề thi, xây dựng các phương thức đánh giá hiện đại, phong phú, đa dạng và tiệm cận với các chương trình đào tạo trên thế giới đặc biệt là phù hợp và đáp ứng được các yêu cầu của ACBSP.
Thiết kế Rubrics và chấm thi theo Rubrics là một trong những yêu cầu bắt buộc khi tham gia thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ACBSP, tại Trường Đại học Kinh tế ngày 18/5/2023 Tổ triển khai thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ACBSP của trường đã thực hiện “Tập huấn cho giảng viên chấm thi theo Rubrics”. Tham gia vào buổi tập huấn có Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy, Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán, Tổ trưởng Tổ triển khai thực hiện kiểm định chất lượng theo chuẩn ACBSP, các thầy cô là giảng viên của Khoa Tài chính - Ngân hàng, Khoa Kế toán - Kiểm toán, Khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế và Viện Quản trị Kinh doanh.
Đặc biệt buổi tập huấn được hướng dẫn bởi Tiến sĩ Bùi Phương Chi - Giảng viên Khoa Kế toán - Kiểm toán, trong quá trình học tập và nghiên cứu tại Đài Loan, Tiến sĩ Bùi Phương Chi đã được tham gia vào quá trình thiết kế xây dựng Rubrics và chấm thi theo Rubrics, cô cũng tham gia vào quá trình kiểm định chất lượng CTĐT theo chuẩn ACBSP nên cô có nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm thực tế về lĩnh vực này do đó việc cô trực tiếp hướng dẫn cho các thầy cô của Trường Đại học Kinh tế chấm thi theo Rubrics là một trong những thuân lợi cho các Khoa/Viện trong quá trình tiếp cận và thực hiện kiểm định theo chuẩn ACBSP.
Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Chi đã hướng dẫn các thầy cô chấm thi 08 học phần thuộc 04 Khoa/Viện, cụ thể các học phần sau:
- Kinh tế tiền tệ ngân hàng;
- Tài chính doanh nghiệp;
- Kiểm toán nội bộ;
- Nguyên lý kế toán;
- Tài chính quốc tế;
- Kinh tế quốc tế;
- Quản trị học;
- Quản trị chiến lược.
Chấm thi theo Rubrics là một trong những vấn đề mới và khó, phương pháp chấm thi này được thế giới nhận định là một trong những phương pháp đánh giá khách quan, chính xác, công bằng, khoa học và đáng tin cậy để đo lường đánh giá chất lượng của sinh viên cũng như của chương trình đào tạo.
Rubrics được sử dụng như một công cụ đánh giá, tự đánh giá tương đối hiệu quả đối với cả sinh viên và giảng viên. Rubrics giúp giảng viên định hướng được lượng kiến thức, kĩ năng, năng lực cần hình thành và phát triển cho sinh viên để xây dựng kế hoạch học tập và tổ chức cho sinh viên học tập hiệu quả. Nhờ mô tả chi tiết theo các mức độ cần đạt, sinh viên theo dõi được sự tiến bộ của bản thân cũng như của các bạn học khác. Do vậy, Rubrics còn làm cho việc đánh giá trở nên khoa học, minh bạch và thuyết phục hơn, việc chấm bài trở nên nhất quán hơn, tạo sự công bằng cho sinh viên. Ngoài ra, căn cứ vào các tiêu chí được mô tả, được thiết kế, sinh viên có thể cung cấp cho giảng viên những phản hồi kịp thời, chính xác về mức độ lĩnh hội kiến thức, kỹ năng. Đồng thời, Rubrics cũng là nguồn thông tin để giảng viên đánh giá người học một cách khách quan, kiểm soát chặt chẽ tiến bộ của sinh viên để có biện pháp xử lý kịp thời.
Ở Việt Nam, việc thiết kế và chấm thi theo Rubrics tại các trường đại học chưa được phổ biến, việc chấm thi theo Rubrics là khó khăn và phức tạp, đòi hỏi người thiết kế phải có sự hiểu biết về chương trình đào tạo, có các kiến thức về đo lường và đánh giá, có kinh nghiệm trong xây dựng thiết kế học phần cũng như xây dựng phương pháp đánh giá, có các kiến thức về kiểm định chất lượng …
Có thể khẳng định, Trường Đại học Kinh tế là một trong những đơn vị tiên phong trong Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp cận với phương pháp đánh giá mới và hiệu quả này. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Hội đồng trường cũng như những chỉ đạo từ Ban Giám hiệu trong quá trình thực hiện thành công chiến lược quốc tế hóa các chương trình đào tạo của Nhà trường.
Với sự chỉ đạo sát sao từ tập thể lãnh đạo Nhà trường cùng với tinh thần trách nhiệm của các thầy cô ở các Khoa/Viện việc đưa Rubrics trở thành công cụ đánh giá và đo lường chất lượng học tập của sinh viên tại Trường Đại học Kinh tế sẽ được triển khai thành công./.