Giảng viên Trường ĐH Kinh tế tham dự Hội thảo thường niên của Viện nghiên cứu Ngân hàng châu Á (ADBI) về Phổ cập tài chính, Giáo dục tài chính và Fintech tại Tokyo

Nhận lời mời của Viện nghiên cứu ngân hàng châu Á (ADBI), TS. Đinh Thị Thanh Vân, Phó Chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng đã tham dự Hội thảo thường niên của Viện nghiên cứu Ngân hàng châu Á về Phổ cập tài chính, Giáo dục tài chính và Fintech tại Tokyo, Nhật Bản vào 2 ngày 28-29/11/2019.


ADBI là viện nghiên cứu (think tank) thành lập năm 1997, với nhân sự từ hơn 11 quốc gia, cung cấp các nghiên cứu cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia thành viên của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Các nghiên cứu của ADBI thường tập trung vào các vấn đề phát triển trung và dài hạn, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của khu vực và cung cấp các khoá học và hoạt động đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho các thành viên của ADB với mục tiêu xoá đói giảm nghèo. ADBI được đánh giá nhằm trong top 25 viện nghiên cứu (think tanks) trên thế giới theo Báo cáo của Global Go to Think Tank Index (2018) đồng thời đứng thứ 2 về viện nghiên cứu cho chính phủ trong liên tục 5 năm gần đây.

 

Với sự phát triển không ngừng của công nghệ tài chính trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hoạt động của các ngân hàng thương mại cần phải có sự thay đổi để cung cấp các dịch vụ tài chính số để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hội thảo thường niên năm 2019 của ADBI lấy chủ đề là Phổ cập tài chính, Giáo dục tài chính và Fintech có mục tiêu là diễn đàn nơi các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu và thực tiễn thảo luận, đánh giá vai trò tiềm năng của các công ty công nghệ tài chính trong việc đẩy mạnh phổ cập tài chính và hiểu biết tài chính trong khu vực.

 

Ảnh: Chủ tịch ADB Takihiko Nako chụp ảnh cùng các diễn giả của Hội thảo

Tới tham dự hội thảo có rất nhiều diễn giả và nhà hoạch định chính sách nổi tiếng từ khu vực châu Á như Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, TS. Takihiko Nako, hay TS. Leonardo Gambacorta, Trưởng Bộ phận Nền kinh tế số và đổi mới của Bank for International Settlements (BIS), hay TS. Chen Long, Chủ tịch Viện nghiên cứu Luo Han nổi tiếng của Trung Quốc (Alibaba), và các đại diện từ IFC, WB, các đại diện từ ngân hàng trung ương, bộ tài chính, đơn vị nghiên cứu và nhà hoạt động thực tiễn về lĩnh vực giáo dục tài chính tại các quốc gia châu Á.

 

TS. Đinh Thị Thanh Vân trình bày tại ngày thứ 2 của Hội thảo
 

Ảnh: Chủ tịch ADB, TS. Takihiko Nako phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo bao gồm 9 phiên thảo luận và trình bày của các diễn giả. TS. Đinh Thị Thanh Vân được mời tham gia làm người bình luận cho bài trình bày của 2 diễn giả: 1. GS. Douglas Cumming của Trường Đại học Florida Alantic University, Mỹ, giáo sư rất nổi tiếng là Tổng biên tập và Phó tổng biên tập của nhiều tạp chí tài chính nổi tiếng như Journal of Corporate Finance, Annals of Corporate Governance, Journal of Banking and Finance; 2. Ông Shri N.S. Vishwanathan, Phó Thống đốc, Ngân hàng Trung ương Ấn độ. Bài nghiên cứu của GS. Cumming về vấn đề tăng quyền của khách hàng và bảo vệ người tiêu dùng trong kỷ nguyên số. Bài trình bày của Phó Thống đốc Vishwanathan về chính sách và kinh nghiệm đẩy mạnh hiểu biết tài chính và bảo vệ người tiêu dùng ở Ấn Độ. Ngoài phần bình luận cho bài của 2 diễn giả, TS. Vân cũng giới thiệu một số kinh nghiệm giáo dục tài chính ở Việt Nam trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số.

 

Ảnh: TS. Đinh Thị Thanh Vân chụp ảnh tại lễ tiếp đón thân mật

Việc tham dự Hội thảo đã giúp cho TS. Vân học hỏi thêm kinh nghiệm về giáo dục tài chính, đẩy mạnh phổ cập tài chính từ các chuyên gia châu Á. Đây là cơ hội để giảng viên của Trường ĐH Kinh tế được tiếp xúc, tạo mạng lưới làm việc và đẩy mạnh hoạt động của nhóm nghiên cứu và đào tạo về Tài chính cá nhân của Trường ĐH Kinh tế trong thời gian tới.

Tin: Duy Khánh – Khoa TCNH, Trường ĐH Kinh tế