Lớp học thực tế tại Viện Quản trị kinh doanh: MISA và câu chuyện quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số

Ngày 9/4/2025, hai lớp học phần Quản trị sự thay đổi BSA3067 1 và BSA 3067 2 của Viện Quản trị kinh doanh đã tổ chức thành công buổi chia sẻ thực tế của diễn giả Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng phòng kinh doanh, công ty cổ phần MISA.



Công ty cổ phần MISA là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, chuyên cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán và quản trị doanh nghiệp. Công ty thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VNR500). Bí quyết nào giúp MISA gặt hái được vô vàn thành tích và giải thưởng lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay là câu hỏi thu hút sự chú ý của các bạn sinh viên ngay đầu buổi học.

Diễn giả Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ về quản trị sự thay đổi của MISA

Mở đầu buổi chia sẻ, diễn giả Nguyễn Thị Tuyết cho biết kỹ năng quản trị sự thay đổi đặc biệt quan trọng với lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là khả năng đổi mới, thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh, khả năng dẫn dắt, lãnh đạo tổ chức đáp ứng yêu cầu của thị trường, khách hàng… Tại MISA, quản trị sự thay đổi là kỹ năng quan trọng nhất trong đào tạo cán bộ nguồn và là một trong các yếu tố góp phần đưa MISA ngày càng phát triển. Không chỉ quan trọng đối với lãnh đạo doanh nghiệp, nhân viên thế hệ GENZ của MISA cũng cần trau dồi kỹ năng quản trị sự thay đổi, đặc biệt là khả năng quản trị thông minh, ứng dụng các công cụ AI trong học tập và làm việc. 

Diễn giả chia sẻ các tình huống quản trị sự thay đổi

Diễn giả đã chia sẻ nhiều câu chuyện sự thành công hay thất bại trong quản trị sự thay đổi của các doanh nghiệp. Case study điển hình là Nokia, là một đế chế hùng mạnh vào những năm 2000 tuy nhiên vẫn bị sụp đổ vì doanh nghiệp không thay đổi để thích nghi với xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng. Đó là câu chuyện về tái cấu trúc quản trị tại MISA JSC khi chuyển từ mô hình quản lý ngang sang mô hình quản lý dọc. Sau khi thay đổi, doanh nghiệp nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng và nhân viên, doanh số tăng 30%-40% so với cùng kỳ. Ví dụ về quá trình thực hiện chuyển đổi số để thích ứng với yêu cầu mới của một doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam cũng được diễn giả chia sẻ và phân tích. Lồng ghép trong các tình huống thực tiễn này, diễn giả nhấn mạnh quy trình 4 bước của quản trị sự thay đổi là: (1) truyền thông và nhận thức, (2) lập kế hoạch, (3) thử nghiệm và (4) tổng kết và nhân rộng. Bên cạnh đó, diễn giả cũng nhấn mạnh về sự phản kháng và cách khắc phục phản kháng của nhân viên trước sự thay đổi. 

Trong phần chia sẻ, diễn giả Nguyễn Thị Tuyết cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn sinh viên trong việc học tập toàn diện các kiến thức quản trị kinh doanh. Trong đó, kiến thức và kỹ năng quản trị sự thay đổi sẽ ứng dụng được nhiều trong các hoạt động quản trị doanh nghiệp với tư duy “thay đổi để tốt hơn”. “Nếu bạn không thay đổi thì 1 năm sau, vẫn là bạn - nhưng tệ hơn”.

Sinh viên SBA đặt câu hỏi cho diễn giả

Những chia sẻ của diễn giả Nguyễn Thị Tuyết nhận được nhiều câu hỏi từ các sinh viên. Phần thảo luận diễn ra sôi nổi với nội dung xoay quanh thực tiễn quản trị sự thay đổi của MISA và của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Tổng kết lại, diễn giả cho rằng kỹ năng quản trị sự thay đổi là yếu tố cốt lõi đối với người lãnh đạo. Trau dồi kiến thức và kỹ năng quản trị sự thay đổi sẽ giúp các bạn sinh viên ngành Quản trị kinh doanh có nhiều cơ hội học hỏi và đảm nhận các vị trí quan trọng trong doanh nghiệp.

Diễn giả chụp ảnh cùng giảng viên và sinh viên lớp học phần

Lớp học thực tế của diễn giả Nguyễn Thị Tuyết đến từ công ty cổ phẩn MISA đã diễn ra trong không khí hào hứng, phấn chấn. Buổi học giúp các bạn sinh viên Viện Quản trị kinh doanh củng cố kiến thức đã học đồng thời học hỏi được những bài học và kinh nghiệm thực chiến liên quan đến quản trị sự thay đổi trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc kết nối lý thuyết với thực tiễn qua các buổi chia sẻ của diễn giả đến từ doanh nghiệp là một phần quan trọng trong chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN.


Đặng Hương - Cẩm Vân, Viện Quản trị Kinh doanh Seminar