Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN hoàn thiện đề tài khoa học về M&A tại Việt Nam

Trong năm 2024, nhóm nghiên cứu của Bộ môn Kế toán, Khoa Kế toán Kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế, ĐHQGHN đã có một quá trình tìm hiểu và triển khai đề tài nghiên cứu về các điểm nghẽn pháp lý trong hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam đầy nỗ lực và có những kết quả đáng kể. Đề tài do TS. Đỗ Kiều Oanh, Chủ nhiệm Bộ môn Kế toán dẫn dắt, với sự tham gia của các thành viên trong Bộ môn: ThS.NCS. Nguyễn Hoàng Thái, ThS.NCS. Nguyễn Việt Hùng, ThS.NCS. Lại Thị Minh Trang và ThS. NCS. Nguyễn Nam Trung.



Đầu năm 2024 khởi đầu với chuỗi buổi họp nội bộ của nhóm để xác định mục tiêu nghiên cứu, phương pháp tiếp cận và phân chia nhiệm vụ giữa các thành viên. Trong các cuộc họp, nhóm đã thảo luận và thống nhất việc tập trung vào những vấn đề pháp lý cản trở hoạt động M&A, như thủ tục phức tạp, thiếu minh bạch trong báo cáo tài chính, và các rào cản liên quan đến cam kết quốc tế. Những ý tưởng ban đầu đã tạo nền tảng vững chắc cho các hoạt động tiếp theo.

Buổi họp của các thành viên nghiên cứu đề tài

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, từ các lĩnh vực tài chính, kế toán, luật pháp đến quản trị doanh nghiệp, để thu thập ý kiến thực tế và chuyên sâu. Những chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm và nhận định về các bất cập pháp lý tại Việt Nam, giúp nhóm xác định rõ hơn các điểm nghẽn cần giải quyết.

Trong quá trình triển khai, nhóm tham gia các buổi hội thảo và tọa đàm có sự góp mặt của các diễn giả quốc tế. Những buổi trao đổi chuyên môn này không chỉ mang đến cái nhìn toàn diện về các mô hình pháp lý M&A tiên tiến mà còn giúp nhóm học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các quốc gia đã thành công trong việc thúc đẩy thị trường M&A. Đặc biệt, hai hội thảo quan trọng: Kiến tạo hệ sinh thái Bất động sản hiệu quả, minh bạch và bền vững : từ lý luận địa tô đến công nghệ Proptech và Hội thảo APMAA 2024 – một sự kiện học thuật lớn về kế toán và quản trị tại châu Á, nhóm đã trình bày nghiên cứu liên quan đến đề tài và nhận được nhiều đóng góp có giá trị cao cho việc hoàn thiện vấn đề đang nghiên cứu. 

Sau khi nhận được các gợi ý, trao đổi quý từ các chuyên gia và các nhà khoa học, nhóm tập trung phân tích dữ liệu và so sánh các mô hình pháp luật, đồng thời tổ chức các buổi họp để thảo luận và hoàn thiện nội dung đề tài. Từng bước trong quá trình nghiên cứu đều được thực hiện một cách kỹ lưỡng, từ việc xây dựng cơ sở lý luận, phân tích thực trạng, đến đề xuất các giải pháp và chính sách phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Giảng viên ThS. NCS. Nguyễn Nam Trung trong buổi thảo luận về đề tài nghiên cứu

Đề tài không chỉ dừng lại ở việc phân tích các vấn đề pháp lý mà còn đề xuất những cải cách cụ thể để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch của thị trường M&A tại Việt Nam hy vọng sẽ có góp thêm một góc nhìn cho những ai đang quan tâm tới vấn đề này.Thêm vào đó, đề tài không chỉ là thành tựu của nhóm nghiên cứu mà còn mở ra hướng đi mới cho các nghiên cứu và chính sách pháp luật trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam.

Dưới đây là một số hình ảnh khác trong quá trình triển khai đề tài:


Việt Hùng - Khoa KTKT