Ngày 24/11/2024, Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN (UEB) phối hợp cùng Hội Cựu sinh viên, đã tổ chức thành công Media Talk “Kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông”. Buổi đào tạo kỹ năng thu hút đông đảo sinh viên từ nhiều khoa, ngành khác nhau trong Trường, tạo nên một không khí sôi động và đầy hào hứng.
Media Talk diễn ra thành công tốt đẹp không thể không nhắc đến sự góp mặt của vị diễn giả đặc biệt với kinh nghiệm dày dặn, kỹ năng chuyên môn vững chắc cùng vốn kiến thức thực tế phong phú trong lĩnh vực Báo chí Truyền thông. Các bạn sinh viên đã có cơ hội gặp gỡ và giao lưu cùng diễn giả Cao Xuân Nhật - Giám đốc Điều hành Vietnam New Media Foundation, đồng thời hiện anh cũng là Tổng Thư ký Hội Cựu sinh viên UEB. Qua những chia sẻ từ kinh nghiệm làm việc và góc nhìn đa chiều của anh trong lĩnh vực truyền thông, các bạn trẻ đã có thêm cho mình những hiểu biết sâu sắc về cách nhận diện và quản lý các yếu tố gây rủi ro trong khủng hoảng truyền thông.
Mở đầu chương trình, TS. Nguyễn Thị Hương Lan - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị đã mở đầu và nhấn mạnh ý nghĩa của buổi Media Talk. Cô chia sẻ: Khoa Kinh tế Chính trị tự hào là đơn vị đảm nhiệm công tác đào tạo Chuyên ngành Kinh tế Truyền thông - chuyên ngành kết hợp giữa kinh tế học và truyền thông hiện đại. Buổi Media Talk được thiết kế với mục tiêu thực tiễn cao, giúp sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn trang bị các kỹ năng cụ thể để xử lý các tình huống khủng hoảng truyền thông trong thực tế.
Phát biểu tại phần khai mạc, PGS. TS. Tô Thế Nguyên - Phó trưởng Khoa Kinh tế Chính trị, nhấn mạnh vai trò của buổi chia sẻ thực tiễn: “Buổi học ngày hôm nay không chỉ đào tạo kỹ năng mà còn là cầu nối giữa sinh viên, cựu sinh viên và những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Sự kiện này đã tạo nên một không gian chia sẻ ý nghĩa, giúp sinh viên mở rộng tầm nhìn và trang bị hành trang vững vàng để đối mặt với những thử thách trong tương lai”.
Phần nội dung chính của Media Talk là bài chia sẻ của anh Cao Xuân Nhật. Bằng kinh nghiệm thực tế, anh đã phác thảo một bức tranh rõ nét về khủng hoảng truyền thông và những thách thức trong việc xử lý. Nội dung chính được diễn giả chia sẻ trong buổi Media Talk bao gồm: (i) Đặc tính của khủng hoảng truyền thông: Ở phần này anh đã trình bày khái niệm và những đặc trưng giúp nhận diện một cuộc khủng hoảng truyền thông; (ii) Bảy bước xử lý khủng hoảng truyền thông: Dựa trên kinh nghiệm thực tiễn, diễn giả đã hướng dẫn quy trình bảy bước để xử lý khủng hoảng truyền thông, bao gồm nhận biết và đánh giá tình hình, thành lập nhóm tác chiến, xây dựng kế hoạch chi tiết, thực hiện xử lý, theo dõi và điều chỉnh chiến lược, cũng như rút ra bài học và phục hồi hình ảnh; (iii) Các case study phân tích thực tiễn doanh nghiệp: Diễn giả đã cung cấp cái nhìn sâu sắc và toàn diện về cách các công ty thực ứng phó và giải quyết các vấn đề truyền thông như thế nào, đồng thời chỉ ra yếu tố tạo nên thành công hoặc thất bại trong xử lý vấn đề.
Ví khủng hoảng truyền thông như “một đám cháy”, diễn giả cho biết điểm đặc trưng của khủng hoảng truyền thông là tốc độ lan truyền nhanh chóng, giống như ngọn lửa trong một đám cháy lớn. Nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời, nó có thể lan rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng và thậm chí hủy hoại hoàn toàn uy tín của một tổ chức hoặc cá nhân. Anh Nhật cũng chia sẻ thêm: “Khủng hoảng truyền thông có thể đánh đổ cả một thương hiệu nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách. Nhưng nếu biết cách tận dụng, khủng hoảng cũng chính là cơ hội để tái định hình hình ảnh và uy tín”.
Một trong những điểm nhấn thú vị nhất của buổi Media Talk chính là phiên hỏi đáp sôi nổi khi sinh viên đặt ra nhiều câu hỏi thực tiễn về cách ứng phó khủng hoảng trong bối cảnh hiện đại. Các bạn sinh viên đã hăng hái đưa ra các câu hỏi về cách ứng phó với khủng hoảng truyền thông trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể một bạn sinh viên đặt câu hỏi: “Trong thời đại hiện nay, thông tin giả đang được lan truyền rất nhanh. Gia đình em làm kinh doanh và đã từng gặp khủng hoảng do bị phát tán tin giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín. Vậy, có những biện pháp nào hiệu quả để khắc phục tình huống này và bảo vệ thương hiệu trong bối cảnh như vậy?”. Đây đều là những câu hỏi hết sức thực tế cho thấy rằng khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, khi mà mọi thông tin đều có thể được cập nhật nhanh chóng trên mạng.
Trả lời các câu hỏi của sinh viên, diễn giả Cao Xuân Nhật đã nhấn mạnh việc áp dụng chi tiết về lý thuyết “Bảy bước xử lý khủng hoảng truyền thông” vào tình huống thực tế để giúp sinh viên hiểu rõ hơn về các chiến lược và biện pháp khắc phục hiệu quả. Từ đó, mỗi sinh viên đều có thể liên hệ trực tiếp với bản thân mình và nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của việc chuẩn bị và ứng phó khi gặp phải khủng hoảng truyền thông. Đặc biệt, trong buổi Media Talk, các đại biểu còn chia sẻ về những băn khoăn của mình về việc quản lý khủng hoảng truyền thông. Điều thú vị là những khủng hoảng này lại bắt nguồn từ chính thế hệ “Gen Z” – những sinh viên trẻ. Chính vì vậy, buổi thảo luận càng trở nên sôi nổi, hấp dẫn.
Buổi Media Talk không chỉ cung cấp kiến thức hữu ích mà còn là bước khởi đầu để sinh viên rèn luyện khả năng tư duy phản biện và đối mặt với những tình huống khó khăn trong môi trường làm việc thực tế. Dưới sự hướng dẫn tận tình của các giảng viên và chuyên gia Cao Xuân Nhật, các bạn trẻ đã được trang bị những công cụ và tư duy cần thiết để xử lý khủng hoảng một cách hiệu quả. Cuối buổi học, các bạn sinh viên đã dành thời gian để viết ra lời cảm ơn, những tâm tư tình cảm của mình dành tặng cho diễn giả Cao Xuân Nhật. Đây là khoảnh khắc đầy ý nghĩa và gần gũi, khi tất cả mọi người cùng nhau ghi lại những tình cảm và sự tri ân dành cho diễn giả, thể hiện sự trân trọng và cảm kích đối với những chia sẻ quý báu trong suốt buổi học.
Trong thế giới mà khủng hoảng truyền thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các kỹ năng thực tiễn từ buổi Media Talk chắc chắn sẽ trở thành hành trang quý giá, giúp các bạn tự tin bước vào con đường sự nghiệp phía trước.
Phạm Nguyễn Thiên Trang, Đặng Phương Anh - Khoa Kinh tế Chính trị